9x trồng giống dâu đắt nhất thế giới, cứ 2 ngày thu về hơn triệu đồng
Vào mùa thu hoạch, chàng trai trẻ có thể thu đến hơn triệu đồng/ngày nhờ vườn dâu tây của mình.
Dâu tây Bạch Tuyết, xuất xứ từ Nhật Bản được đánh giá là loại dâu thơm ngon, hiếm và đắt nhất thế giới. Vào năm ngoái, loại quả này được nhập khẩu từ Nhật và bán với giá lên đến 2,2 triệu đồng, dân Việt vẫn nhiều người tìm mua về thưởng thức.
Với vẻ bề ngoài màu trắng, căng mọng, vị ngọt, thơm… loại dâu tây này được khá nhiều người ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, một số nhà vườn tại Đà Lạt đã mang giống về trồng thử nghiệm trong nhà kính và thành công. Nhưng những quả dâu tây Bạch Tuyết này chỉ bán giá dao động từ 800.000 – 1 triệu đồng/kg.
Từ 40 cây bạn tặng, anh Thịnh nhân giống ra và giờ có 7000 cây trong vườn.
Giống dâu Bạch Tuyết được đánh giá là ngon, hiếm và đắt nhất thế giới.
“Năm ngoái, tôi cũng được bạn tặng 40 cây. Nhận thấy thị trường tiềm năng, giống dâu này còn được đánh giá là hiếm, đắt và khó trồng nhất thế giới. Nếu đủ nắng, quả sẽ có vị ngọt đậm đà, mùi thơm như dứa... nên tôi quyết định thử trồng ngoài trời”, anh Đỗ Minh Thịnh (1997), trú tại phường 4, Đà Lạt, chia sẻ.
Anh cho biết trước đó giống dâu tây này được trồng thành công ở Đà Lạt từ năm 2018 nhưng đều trồng trong nhà kính. Vì vậy, anh cũng muốn thử nghiệm trồn ngoài trời để hấp thụ được ánh sáng tự nhiên và giảm tác động của hiệu ứng nhà kính.
Anh dự định sẽ nhân giống và trồng lên khoảng 15.000 cây trong tương lai.
Những quả dâu Bạch Tuyết thu được tại vườn, anh bán với giá dao động từ 700.000 - 1 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, đầu năm nay, anh mới bắt đầu trồng giống dâu này ở vườn của mình. Từ 40 cây ban đầu bạn tặng, anh đã nhân giống lên 3000 cây và trồng ngoài trời. Vì chưa có kinh nghiệm, anh mày mò khắp các diễn đàn học hỏi cách chăm sóc. Nhưng anh vẫn không tránh khỏi việc làm cây bị chết. “Chỉ sau 1 tháng trồng, 300 cây bị thối gốc và chết, nhiều cây khác bị vàng lá, thối hoa… Tôi lại đi tìm hiểu khắp nơi về cách chăm sóc giống cây này”, anh cho hay.
Đến giờ, anh rút được kinh nghiệm khi trồng giống cây này, đó là cần phải đắp luống cao cho cây, cao khoảng 40cm. Phân được trộn lẫn vào đất. Cây con được phủ lớp cỏ trên gốc làm mát và lót một lớp lưới đen để quả không chạm đất, tránh úng hỏng.
Theo anh, loại dâu này cần sự tỉ mỉ rất cao từ người trồng, để trái to, đẹp, đều thì cần phải nuôi dưỡng thân cây trước. “Lứa bông đầu đôi khi tôi phải cắt bỏ nếu thấy cây đang yếu. Trong quá trình khai thác trái, người trồng sẽ không nhân cây con. Và quan trọng là những lá già, lá hư, trái hư, tôi luôn phải loại bỏ sớm để cây không tốn dinh dưỡng”, anh Thịnh cho hay.
Không như trồng trong nhà kính, giống dâu này anh trồng ngoài trời nên anh càng chú trọng hơn trong việc chăm sóc. Anh phải kiểm tra lượng nước thường xuyên, diệt sâu bọ và côn trùng đốt cây. Đặc biệt khi trời mưa, anh phải ra vườn thăm nom để kiếm soát lượng nước có trong vườn.
Thời gian đầu mới làm, anh dành có ngày 10 - 12 tiếng để chăm sóc, về sau vào quy trình, có kinh nghiệm, anh chỉ cần chăm khoảng 4 tiếng mỗi ngày. Còn hiện tại, anh đã thuê người chăm sóc.
Anh đều phải lựa chọn những quả dâu tây to, đẹp để bán ra thị trường.
Cứ 2-3 ngày, anh bán ra thị trường được khoảng 1,5kg quả đạt chất lượng.
Sau gần 1 năm trồng, anh đã nhân giống lên 7.000 cây dâu Bạch Tuyết trong vườn, với chi phí 70 triệu đồng. 3 tuần nay, anh đã thu hoạch và bán ra thị trường. Trung bình 2-3 ngày, anh sẽ thu được khoảng 4-5kg quả nhưng anh chọn lọc chỉ được khoảng 1,5kg quả chất lượng để bán ra thị trường với giá dao động từ 700.000 – 1 triệu đồng/kg. Một cây thường sẽ cho thu hoạch trong 1 năm là tàn.
Anh cho biết với giống dâu khác thì có thể bán rẻ làm sinh tố trong các quán nước. Còn loại dâu này rất khó bảo quản, chỉ cần dập nhẹ thì ngày hôm sau sẽ hỏng, không thể ăn được. Vì vậy, anh thường đem cho hoặc làm phân hữu cơ.
Đã có kinh nghiệm, anh đang nhân thêm giống để phát triển thêm vườn dâu Bạch Tuyết nhà mình lên khoảng 10.000 cây. Sau đó, anh sẽ trồng khoảng 15.000 cây khi có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, anh dự định sẽ thử nghiệm thêm cách bảo quản, nâng cao chất lượng trái cũng như tìm thêm kênh bán mới để phát triển, mở rộng hơn trong tương lai.
Viết bình luận