Anh Nguyễn Quý Phương, tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trồng gần 800 cây mít ruột đỏ trên vùng đất gò đồi. Sau 3 năm kể từ khi trồng, cây mít ruột đỏ cho trái bói, quả nào cũng to bự, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Nguyễn Quý Phương (ở TDP. Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Đầu năm 2020, tôi trồng mít ruột đỏ trên vùng đất gò đồi khoảng 2 ha. Giống mít tôi nhập ở Bình Phước về".
Đánh liều trồng mít ruột đỏ trên đất Quảng Bình
Theo anh Phương, để thực hiện mô hình trồng cây mít ruột đỏ, anh được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu.
Anh Phương cho hay, cây mít ruột đỏ dễ trồng, hợp với thời tiết nắng ở Quảng Bình và chịu bão tốt.
Quá trình trồng, cây mít ruột đỏ dễ thuần, ít sâu bệnh, không kén đất ướt hay khô cằn. Cây cho thu nhập nhiều năm và công chăm sóc bỏ ra ít so với các loại cây trồng khác.
"Trồng cây mít ruột đỏ ở vùng đất gò đồi tôi thực hiện theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Sau khi cây mít cho quả, trái nào to, đẹp đem bán, trái nào hư hỏng để chăn nuôi.
Việc cắt tỉa cành cây được tôi thực hiện đúng thời gian, đúng quy định, lá, cành sau khi cắt tỉa sẽ tận dụng để ủ rồi làm phân bón cho cây", anh Phương nói.
Sau 3 năm trồng, chăm sóc, hiện mô hình mít ruột đỏ của anh Phương đang cho thu hoạch, ước đạt 10 tấn mít/2ha và được thương lái đến thu mua tận vườn với giá 10.000 đồng/kg.
Một phần trái mít ruột đỏ anh bán cho người dân địa phương với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Thu nhập trong vụ mít này mà anh Phương mang về khoảng 200 triệu đồng.
Mít ruột đỏ dễ tiêu thụ
Anh Phương chia sẻ: "Mô hình trồng mít ruột đỏ phát triển nhanh, có nguồn thu, thị trường tốt, dễ tiêu thụ. Bà con sau khi thưởng thức đều đánh giá múi mít giòn, thơm, ngon".
Nhận thấy hiệu quả từ cây mít ruột đỏ, những năm qua, anh Nguyễn Quý Phương đã liên kết với người dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) mở rộng diện tích lên tới 12 ha.
Hợp tác xã Nông nghiệp xanh tuần hoàn Trường Sơn cũng vừa được thành lập với 7 thành viên và do anh Nguyễn Quý Phương làm giám đốc.
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Mô hình trồng mít ruột đỏ của anh Nguyễn Quý Phương được Trung tâm hỗ trợ 50% vật tư phân bón và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm đã đạt chứng nhận VietGAP.
Quá trình thực hiện, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, giám sát và chỉ đạo thực hiện, phối hợp với các đơn vị, thương lái, mạng xã hội, các quầy bán hàng nông sản sạch tại các Trung tâm huyện, thành phố…để giới thiệu và bán sản phẩm theo phương châm liên kết tiêu thụ sản phẩm".
"Bên cạnh đó, đơn vị còn hỗ trợ, đồng hành cũng nhiều nông dân khác trên địa bàn trồng cây mít ruột đỏ ở vùng đất gò đồi kém hiệu quả. Qua trồng, chăm sóc, nhận thấy cây mít ruột đỏ dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, sinh trưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng", ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho hay.
Viết bình luận