Am hiểu sâu mới định hướng đúng

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường biến động cùng sự phát triển liên hồi của khoa học công nghệ đòi hỏi những người làm báo, đặc biệt là viết về lĩnh vực nông nghiệp phải liên tục cập nhật chuyên sâu các tiến bộ mới định hướng kịp thời dư luận.

 

Nhà báo Nguyên Huân - Báo Nông nghiệp Việt Nam (bên phải) trong chuyến công tác tại vùng cao

Thông thường, ở các cơ quan báo chí Trung ương, phóng viên được phân theo dõi từng lĩnh vực, Bộ, ngành. Ví dụ như phóng viên theo mảng nông nghiệp, giao thông, công thương, môi trường, tài chính, đầu tư… Không biết có phải do ảnh hưởng của nghề nghiệp hay không mà các đồng nghiệp của tôi ở các báo, đài theo dõi mảng nông nghiệp đều có nét giản dị, chất phác của người nông dân.

Có một thực tế là đa phần cánh phóng viên chúng tôi đều xuất phát từ nông thôn, nhưng để viết báo hay về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lại không hề dễ dàng chút nào. Đặc biệt, một số lĩnh vực trong nông nghiệp như: lai tạo giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… nếu không am hiểu sâu về chuyên ngành rất khó để thuyết phục được độc giả là các chuyên gia, kỹ sư, bác sĩ trong ngành nông nghiệp.

Trong quá khứ, không ít lần một số phóng viên vì không hiểu bản chất, hiểu kỹ vấn đề vô tình khiến người nông dân lao đao vì những thông tin thất thiệt. Nào “túi lạ” bọc xoài ở Tiền Giang; “lúa lạ” ở Long An; nhãn nhúng lưu huỳnh ở Hưng Yên hay ăn cá rô phi dễ mắc bệnh… Do người viết không hiểu, tùy tiện gán đủ thứ “lạ” nói trên, trong khi thực tế đó là những tiến bộ của ngành nông nghiệp như: túi bọc trái cây (hạn chế sâu bệnh hại, hạn chế sử dụng thuốc BVTV) là tiến bộ kỹ thuật được nhà vườn áp dụng khá phổ biến không có gì lạ cả; "lúa lạ" có những hàng cao (dòng bố), hàng thấp (dòng mẹ), đó là sản xuất giống lúa lai...

Ngay như trong câu chuyện khủng hoảng giá lợn vừa qua, trong báo chí cũng có hai luồng quan điểm. Một bên hô hào tìm cách giải cứu nông dân, một số lại phản đối việc giải cứu bởi sẽ can thiệp vào quy luật kinh tế thị trường. Đến lúc này mới nhận thấy vai trò định hướng của báo chí quan trọng đến mức nào, bởi hơn lúc nào hết người nông dân cần thông tin khách quan, đúng kinh tế thị trường để đưa ra những quyết định chính xác nhất.

Cũng liên quan đến câu chuyện khủng hoảng lợn, ngoài nguyên nhân cung vượt cầu thì có một lí do liên quan đến thói quen ăn thịt nóng của người dân Việt Nam nên việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn phải diễn ra trong ngày. Chính bởi lí do không có thói quen ăn thịt mát đảm bảo vệ sinh như các nước phát triển trên thế giới, đến khi nhà nước hô hào các doanh nghiệp thịt lợn cấp đông hỗ trợ người dân thì ngay cả những doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng không có kho lạnh đủ lớn.

Nhưng để người tiêu dùng hình thành thói quen ăn thịt cấp mát, cấp đông là cả một câu chuyện dài, cần phải rất nhiều cơ quan báo chí tuyên truyền trường kỳ may ra mới có sự chuyển biến.

Thời gian gần đây, dự rất nhiều hội nghị trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi rất vui mừng vì thấy lãnh đạo ngành nông nghiệp bắt đầu thường xuyên lắng nghe cũng như đề nghị các nhà báo đóng góp ý kiến về một thông tư hay nghị định nào đó liên quan đến ngành. Trong đó, có rất nhiều những đóng góp vì khách quan nên vô cùng quý báu cho công cuộc tái cơ cấu ngành.

Từ trước đến nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, dư luận thường nói đến việc liên kết 4 nhà gồm: Nhà doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học thì nay bắt đầu có thêm khái niệm 5 nhà, tức thêm nhà báo với vai trò thông tin, tuyên, truyền, định hướng đúng.

Viết bình luận