Anh Trần Quốc Toản đã tiên phong phá bỏ vườn tiêu chết để trồng na Thái khủng. Ở Tây Nguyên, những ngày này đi đâu cũng nghe tiếng thở dài rầu rĩ của người dân khi hồ tiêu giá giảm tới 1/3 so với vụ trước, nhiều diện tích nhiễm dịch bệnh chết trắng; giá cà phê cũng liên tục giảm mạnh… Những tỷ phú hồ tiêu ngày nào, giờ trong tay chồng chất nợ nần và đau đầu tìm hướng đi mới.
* Kỳ 1: Thất bại với hồ tiêu, “đặt cược” vào cây ăn quả
Không đành lòng bỏ nhà đi tha hương cầu thực, một số hộ dân ở “thủ phủ” hồ tiêu Gia Lai đã mạnh dạn đào bỏ những diện tích vườn tiêu bệnh tật đang lụi tàn và chuyển đổi sang trồng xen cây ăn quả.
Đánh liều trồng cây ăn quả
Anh Trần Quốc Toản đánh liều trồng cây ăn quả, mở rộng diện cây ăn quả trên diện tích tiêu chết.
“Một số cây trồng mà huyện đang khuyến khích nông dân xen canh như: Bơ, sầu riêng, cam… bước đầu đã có hiệu quả tích cực, bà con cũng đang dần chuyển đổi sang trồng xen cây ăn quả, phá bỏ diện tích tiêu chết”.
Ông Nguyễn Long Khánh |
Huyện Chư Pưh và Chư Sê (Gia Lai) từng được mệnh danh là vùng đất thủ phủ hồ tiêu, thế nhưng những cây “vàng đen” ngày nào giờ đã trở thành “vàng mắt” với nhà nông khi hàng nghìn ha hồ tiêu chết trơ trụi, nhiều hộ dân đã phải bỏ nhà đi nơi khác để trốn nợ hoặc kiếm tiền trả nợ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số hộ dân khác đã không cố gắng phục hồi vườn tiêu đang chết dần chết mòn hay bỏ xứ đi tha hương mà đào bỏ những trụ tiêu chết, loay hoay tìm cây ăn quả trồng thử nghiệm.
Một trong những hộ dân đang tin tưởng vào cây ăn quả có thể mang lại thu nhập, cải thiện kinh tế sau quá trình “khủng hoảng” vì hồ tiêu, là anh Trần Quốc Toản (39 tuổi), ở xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Anh Trần Quốc Toản đã quyết định phá bỏ vườn tiêu chết, rồi trồng thử nghiệm những cây na Thái cho quả “khủng” đầu tiên trên đất hồ tiêu.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Quốc Toản cho biết, trước đây toàn bộ diện tích 5ha này gia đình đầu tư trồng hồ tiêu. Nhưng được một thời gian cây tiêu bắt đầu vàng lá, rụt ngọn rồi cứ thế chết dần. Biết không thể phục hồi vườn tiêu nên ông đã phá toàn bộ 5ha tiêu, loay hoay mãi một thời gian sau mới nghĩ đến cây ăn quả. Ông liền xuống miền Tây lấy 100 gốc na giống về trồng thử, thật mừng vì sau hơn 1 năm, cây na đã phát triển rất tốt, mới cho thu bói nhưng đã rất nhiều quả…
“Đây là giống na Thái, có trọng lượng khá lớn, có quả nặng gần 1kg, vị ngọt thanh, thơm và ít hạt hơn so với na thường. Dù mới cho quả bói mùa đầu tiên, song gia đình đã thu hoạch được gần 1 tạ quả. Na nhà tôi được bán với giá 65.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá bán na thường, tuy nhiên vẫn không đủ cung cấp…” – anh Trần QuốcToàn phấn khởi.
Tuy nhiên khi phóng viên hỏi về đầu ra sau này khi số lượng na lớn dần thì anh Trần Quốc Toàn cũng bày tỏ lo lắng: “Thực ra, tôi cũng chỉ mới đưa ra bán ngoài chợ hoặc có một số người biết đến vườn na ghé mua chứ các công ty, doanh nghiệp hay siêu thị vẫn chưa thấy đâu. Nhưng nếu không trồng các cây ăn quả như na, bơ thì biết trồng cây gì, chẳng lẽ quay lại trồng tiêu, nghệ, gừng hay bí đều không ăn thua rồi. Tôi cũng đang có ý định sẽ mở rộng vườn na và trồng thêm bơ, phủ toàn bộ cây ăn quả trên diện tích 5ha hồ tiêu trước đó. Giờ chỉ biết đánh liều mà trồng thôi…”.
Kỳ vọng hướng đi mới
Mặc dù chưa có đầu ra ổn định và chưa được bất kỳ hợp tác xã hay công ty, doanh nghiệp nào ký kết bao tiêu sản phẩm, song theo khảo sát của phóng viên, ngày càng nhiều hộ dân đánh liều mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.
Hiện hơn 300 gốc bơ của ông Nguyễn Đình Nhiên (53 tuổi, xã Ia Blư, huyện Chư Pưh) cũng đang bung hoa và sắp có những đợt thu hoạch đầu tiên. “Nhà tôi bị chết hơn 1ha tiêu, không có cách nào phục hồi, ước tính thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Gia đình tôi đã quá ngán ngẩm với cây hồ tiêu nên đã quyết định đào bỏ và mua hơn 300 gốc bơ Booth về trồng. Năm 2017, cũng là năm đầu tiên vườn bơ cho trái bói, có những trái nặng gần 1kg nên tôi đang rất hy vọng năm 2018 sẽ cho lợi nhuận cao” – ông Nhiên nói.
Tuy nhiên, theo ông Nhiên, điều ông lo nhất hiện nay chính là đầu ra của sản phẩm. “Chúng tôi hy vọng chính quyền, ngành nông nghiệp có thể hướng dẫn, phân tích cho chúng tôi về cách trồng các loại cây ăn trái, cây ngắn ngày hợp lý, kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu để vừa tránh được tình trạng rớt giá hay lâm vào tình trạng chết trắng, bể nợ như cây tiêu” – ông Nhiên nói. Bên cạnh việc chuyển đổi diện tích tiêu chết sang trồng bơ Booth, ông còn trồng thêm 200 gốc ổi và hơn 100 gốc na. Hiện tất cả vốn liếng của gia đình ông đã đổ vào số cây ăn quả.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Long Khánh – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Pưh cho biết, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là khoảng 2.800ha. Những năm qua, do thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn… nên dịch bệnh xuất hiện tràn lan trên cây hồ tiêu, khiến hàng ngàn ha tiêu chết trắng trụ, nhiều hộ nông dân đang giàu có bỗng trở thành con nợ, phải bỏ xứ đi làm ăn xa…
“Trước thực trạng này, chúng tôi cũng đang xây dựng dự án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, khuyến cáo nông dân luân chuyên cây trồng từ 2-3 năm, đợi diệt hết mầm bệnh trong đất trước khi trồng lại vườn tiêu mới” – ông Khánh cho biết thêm.
Viết bình luận