Việc áp thuế tự vệ đối với phân bón cần được Bộ Công Thương tính toán kỹ lưỡng, tránh gây khó khăn làm tăng chi phí sản xuất đầu vào cho ngành trồng trọt. Ngoài ra, nếu việc áp thuế không đủ căn cứ vững chắc sẽ rất dễ dẫn đến động thái “trả đũa” từ các đối tác thương mại của Việt Nam.
Năm 2016, tác động từ El Nino khiến hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng ở các vùng phía Nam ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp, qua đó gián tiếp khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón thấp hơn so với mọi năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Doanh nghiệp trong nước khó khăn
Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón nhìn chung gặp không ít khó khăn khi giá sản phẩm liên tục sụt giảm do dư cung và cầu giảm. Riêng trong năm 2016, tác động từ El Nino khiến hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng ở các vùng phía Nam ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp, qua đó gián tiếp khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón thấp hơn so với mọi năm. Bên cạnh đó, tác động kéo dài của Luật Thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thay vì mức 5% như trong năm 2014, đã khiến các doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất tăng hàng trăm tỉ đồng càng khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Thống kê tám doanh nghiệp có hoạt động trong ngành phân bón cho thấy: trong năm 2016, doanh thu thuần của tám công ty này đạt tổng cộng 27.645 tỉ đồng, giảm 21% so với năm trước; tổng lợi nhuận sau thuế thậm chí còn giảm mạnh hơn (30%) khi chỉ đạt khoảng 1.900 tỉ đồng. Hai công ty đầu ngành là Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) đều có mức sụt giảm lợi nhuận lớn trong năm 2016, lần lượt là 12% và 24%.
Đối với mặt hàng phân urê, hiện trong nước có bốn doanh nghiệp sản xuất, gồm hai doanh nghiệp sản xuất urê từ khí thuộc Vinachem là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau (công suất mỗi doanh nghiệp 800.000 tấn/năm) và hai doanh nghiệp sản xuất urê từ than là Đạm Hà Bắc (công suất 480.000 tấn/năm) và Đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm). Đối với DPM và DCM, do giá bán vẫn lớn hơn giá sản xuất nên hai doanh nghiệp này vẫn có lãi, song tỷ suất lợi nhuận đang giảm dần. Còn Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, do công nghệ sản xuất phân đạm từ than đã lỗi thời và hai doanh nghiệp này hiện đang phải mua than với giá cao hơn giá thế giới nên giá bán cao, không thể cạnh tranh được trên thị trường, dẫn đến phải ngừng hoặc sản xuất dưới công suất.
Nếu muốn giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón lúc này có lẽ việc cần làm và trong khả năng là sửa đổi Luật Thuế GTGT, trong đó đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 0% nhằm được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Đối với doanh nghiệp sản xuất phân DAP như Công ty cổ phần DAP Đình Vũ (mã DDV - UpCom), do phân DAP nhập khẩu tăng mạnh nên doanh nghiệp chịu thiệt hại đáng kể, giá bán trong nước liên tục phải giảm theo giá nhập khẩu và duy trì ở mức dưới giá thành sản xuất, thậm chí dưới cả chi phí biến đổi. Để tiêu thụ được hàng, công ty phải thực hiện chính sách chiết khấu, giảm giá cho khách hàng cao. Lũy kế cả năm 2016, DDV đã lỗ hơn 470 tỉ đồng.
Áp thuế tự vệ có khả thi?
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), mặc dù giá trị nhập khẩu phân bón giảm nhẹ trong năm 2016 nhưng bước sang quí 1-2017, xu hướng này đã đảo ngược. Trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi 338 triệu đô la Mỹ để nhập 1,22 triệu tấn phân bón, tăng 31,5% về lượng và gần 24% về giá trị so với cùng kỳ. Đáng lưu ý là mặt hàng phân urê nhập khẩu trong quí 1 lên tới 231.000 tấn, gấp đôi về lượng so với cùng kỳ năm 2016. Vẫn như các năm trước, Việt Nam nhập phân bón nhiều nhất từ Trung Quốc.
Ngay từ cuối năm ngoái, áp lực cạnh tranh với phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc đã được nhắc đến khi nước này công bố chính sách thuế xuất khẩu phân bón mới. Theo đó, một số loại phân bón như urê, DAP, NPK sẽ giảm thuế xuất khẩu trong năm 2017. Cụ thể, thuế xuất khẩu phân urê giảm từ 80 nhân dân tệ/tấn xuống 0 nhân dân tệ/tấn; phân DAP giảm từ 100 nhân dân tệ/tấn xuống 0 nhân dân tệ/tấn; phân NPK giảm từ mức thuế 30% xuống 20%.
Với sự thay đổi trên, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, các doanh nghiệp sản xuất phân DAP sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách này khi DAP nhập khẩu hiện đang chiếm 66% thị phần nội địa, trong đó 80% là nhập từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp sản xuất phân urê cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng ở mức thấp hơn so với DAP do hiện tại phân urê nhập khẩu chỉ chiếm 25% thị phần, trong đó Trung Quốc chỉ chiếm 27% lượng nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất phân NPK sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi NPK nhập khẩu chỉ chiếm 9% thị phần và chủ yếu là loại chất lượng cao từ Nga, Hàn Quốc; NPK nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm 13% tổng lượng nhập khẩu.
Trước áp lực trên, ngày 31-3-2017, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 13-4 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã có văn bản xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo các quy định của pháp luật tự vệ của Việt Nam.
Tuy nhiên, sẽ không dễ để việc áp thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu diễn ra thuận lợi như đối với mặt hàng thép hồi đầu năm 2016.
Trước hết, cần hiểu thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Phân bón nhập khẩu mới chỉ tăng mạnh trong quí 1 năm nay trong khi cả năm 2016 giảm nhẹ nên khung thời gian chưa đủ dài. Ngoài ra, theo phân tích của Cục Quản lý cạnh tranh hồi tháng 10-2016 thì chưa có căn cứ để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân urê cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn là do bất hợp lý trong chính sách thuế GTGT và việc phải mua than với giá cao hơn giá thị trường thế giới. Ngoài ra, việc áp dụng thuế cũng cần được Bộ Công Thương tính toán kỹ, tránh gây khó khăn làm tăng chi phí sản xuất đầu vào cho ngành trồng trọt. Đấy là còn chưa kể việc áp thuế tự vệ nếu không đủ căn cứ vững chắc sẽ rất dễ dẫn đến động thái “trả đũa” từ các đối tác thương mại của Việt Nam.
Nếu muốn giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón lúc này có lẽ việc cần làm và trong khả năng là sửa đổi Luật Thuế GTGT, trong đó đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 0% nhằm được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nếu làm được điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Viết bình luận