Bắc Ninh hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản giữa "bão" COVID-19
Những ngày này, bà con nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang vào vụ thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nơi bị phong tỏa, giãn cách khiến việc vận chuyển, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, ổn định đời sống...
Tại tỉnh Bắc Ninh, nhờ được sự chung tay, giúp sức của các tổ chức, cá nhân, những cánh đồng dưa lê đã được thu hoạch. Ảnh: T.L
Nhiều cách làm chủ động, sáng tạo
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Ninh, vụ Xuân năm 2021, toàn tỉnh gieo trồng hơn 3.300ha rau màu các loại. Tính đến hết tháng 5, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 10.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu hoạch rau màu gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, Sở Công thương đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19. Trong đó, thường xuyên liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp thương mại, siêu thị, đơn vị sản xuất thu mua trên địa bàn tỉnh vận chuyển, thu mua các nông sản chủ lực đang vào vụ thu hoạch để đưa ra thị trường tiêu thụ, đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch như: Yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm ghi rõ lịch trình, khử khuẩn phương tiện vận chuyển nông sản; lái xe phải đeo khẩu trang và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày...
Không chỉ kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tiếp, ngành Công thương cũng tăng cường phổ biến, hướng dẫn các hợp tác xã, nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động, linh hoạt mở rộng thị trường bằng các hình thức quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản online thông qua các sàn thương mại điện tử, giúp tăng khả năng tiêu thụ, duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh.
Phát huy vai trò xung kích, Đoàn Thanh niên xã Trung Kênh (huyện Lương Tài) triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Bí thư Đoàn xã Trung Kênh Nguyễn Thị Hương cho biết: Hiện nay, nông sản của người dân, đặc biệt là dưa hấu với diện tích gần 10ha đã vào thời điểm thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các xe thu mua, trung chuyển không vào được địa phương nên người dân găp không ít khó khăn trong thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã lên kế hoạch triển khai, huy động hơn 20 đoàn viên thanh niên tổ chức thu hoạch và tìm đầu ra cho sản phẩm. Để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi nhất, Đoàn xã đứng ra kêu gọi, liên kết với hai đầu mối thu mua dưa cho bà con tại TP Bắc Ninh và Hà Nội. Chỉ sau vài ngày triển khai, chúng tôi đã giúp người dân thu hoạch và tiêu thụ gần 16 tấn dưa hấu.
Nông dân vơi bớt mối lo
Là đơn vị chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với khoảng 5.000 suất ăn mỗi ngày, những ngày qua, Công ty TNHH Dịch vụ và Môi trường Vân Lĩnh (huyện Thuận Thành) đã giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Bà Nguyễn Thị Khương, Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ ngày 4/6 đến nay, Công ty đã tiêu thụ gần 20 tấn nông sản của bà con nông dân tại các huyện Gia Bình, Lương Tài. Quá trình thu gom, đóng gói, vận chuyển, tiếp nhận đều đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch. Ngoài việc sử dụng vào các suất ăn của Công ty, chúng tôi còn vận động các doanh nghiệp là đối tác cùng tham gia hỗ trợ, tiêu thụ nông sản, nhằm chia sẻ, giúp đỡ bà con nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh…
HTX Rau an toàn Liên Ấp (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du) những ngày gần đây gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều đối tác trực tiếp tiêu thụ nông sản như: Các bếp ăn, nhà hàng, trường học phải đóng cửa; việc lưu thông, giao thương giữa các địa phương bị hạn chế… Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX cho biết: Trong thời điểm dịch COVID diễn biến phức tạp, HTX đã chủ động chuyển đổi hình thức bán hàng từ trực tiếp sang trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, facebook… Qua đó, lượng tiêu thụ nông sản của HTX đạt từ 50 - 70% so với bình thường, nhất là các sản phẩm nông sản không bị hỏng hoặc bỏ phí vì không tiêu thụ được.
Được các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ, gia đình ông Đỗ Danh Giang (xã Đại Lai, huyện Gia Bình) vơi đi mối lo. Vụ dưa lê năm nay, trồng hơn 3ha, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, các thương lái không thể đến mua, khiến gia đình gần như… “mất ăn, mất ngủ”. Thế nhưng được sự kết nối của xã Đại Lai với các tổ chức thiện nguyện, đến nay 3ha dưa đã được tiêu thụ.
“Mọi năm thương lái đến tận ruộng thu mua dưa lê với giá 14-15 nghìn/kg. Tuy nhiên năm nay tình hình rất khó khăn do dịch, bệnh. Nhờ có sự kết nối của lãnh đạo xã và các tình nguyện viên nên gia đình tôi vẫn thu về được khoản tiền đã đầu tư để đời sống đỡ vất vả”, ông Giang chia sẻ.
Phấn khởi vì nhận được giúp đỡ, bà Hoàng Thị Nhan, người dân trồng dưa thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh bộc bạch: Đối với dưa hấu khi đã đủ tuổi thì chỉ có 2-3 ngày để thu hoạch, nếu thu hoạch chậm, chất lượng dưa sẽ bị giảm, kém năng suất. Các gia đình trồng dưa trong thôn những ngày này rất lo lắng vì vụ dưa có thể mất trắng. Nhờ được Đoàn Thanh niên xã giúp thu hoạch và tìm đầu ra nên chỉ trong 1 ngày chúng tôi đã tiêu thụ hết vườn dưa với sản lượng 6 tấn.
Với sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức và cá nhân, hàng tấn nông sản đã được tiêu thụ trong những ngày qua đã giúp người nông dân vơi bớt khó khăn khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp...