BÁC SỸ QUÂN Y VỀ LÀM NÔNG MỚI THÀNH TỶ PHÚ NHỜ TRỒNG BƯỞI DA XANH
Ông Nguyễn Văn Ân, bác sỹ quân y (59 tuổi, xã Đan Phương, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) sau khi về làm nông mới thành tỷ phú. Ông Ân đã đến vùng đất Tây Nguyên nắng gió để làm kinh tế. Với 2,5ha trồng bưởi da xanh, ông Ân thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Một lần tình cờ vào nhà người bạn chơi tại xã Đan Phượng, tôi được một cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã đã về hưu mời thưởng thức bưởi được trồng tại địa phương. Thấy múi bưởi to, mọng nước, ăn ngọt thanh mà không hề có vị he (vị đắng sau khi ăn) liền gặng hỏi nguồn gốc bưởi.
Sau đó được giới thiệu đến thăm vườn bưởi của ông bác sĩ quân y về hưu Nguyễn Văn Ân, là người được mệnh danh là tỷ phú bưởi tại địa phương. Đúng như tính cách của những người lính đã trải qua quá trình rèn luyện, niềm nở, vui vẻ và đặc biệt rất nhanh nhẹn.
Ông Ân giới thiệu vườn bưởi sai trĩu quả của gia đình mình.
Trò chuyện với Dân Việt, ông Ân cho biết ông tham gia và học nghề y khi còn phục vụ trong quân đội. Đến năm 1986 thì ông xin xuất ngũ về nhà làm kinh tế do gia đình neo người. Trở về địa phương ông vẫn hành nghề để giúp đỡ những người bị bệnh, cảm thấy ca nào mình có thể làm chủ được ông sẽ giúp người dân chữa bệnh. Tuy nhiên, những bệnh nhân nào bị bệnh vượt tầm kiểm soát, ông khuyên họ nên đi đến bệnh viện để kịp thời cứu chữa.
Đến năm 1994, ông đưa vợ con vào vùng đất Lâm Đồng làm kinh tế. Ban đầu ông cũng giống như nhiều gia đình khác đều trồng cà phê làm cây chủ lực. Tuy nhiên, nhận thấy giá trị không cao mà lại vất vả, giá cả bấp bênh nên quyết định tìm một hướng đi mới.
Nhận thấy cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao mà tại Lâm Đồng còn ít người trồng, ông đã đi tận Bến Tre để tìm hiểu.
Cây bưởi da xanh là giống mà ông lựa chọn để thay thế cho cà phê.
“Tôi đi xuống Bến Tre rất nhiều lần để tìm hiểu về cách họ trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh ruột hồng như thế nào. Nếu trồng 1ha cà phê, sai quả thì cao nhất chỉ được 10 tấn/năm, giá cả như hiện nay thì chỉ được khoảng 360 triệu đồng, trừ chi phí các loại cao nhất chỉ lãi được 200 triệu đồng là cùng. Còn đối với cây bưởi, nếu chăm sóc bài bản, đúng kỹ thuật mà nó không vất, chỉ cần theo dõi chúng hàng ngày thì 1ha tôi cũng thu được 1 tỷ nhẹ nhàng. Sau khi trừ chi phí cũng còn 600 triệu đồng”, ông Ân giải thích.
Năm 2011, khi đi tham quan các mô hình về ông mua giống về và trồng xen vào vườn cà phê của mình để thử nghiệm. Thấy hiệu quả nên ông đã quyết định phá cà phê để trồng bưởi. “Khi phá cà phê tôi cũng tiếc lắm, lúc đó vườn của tôi trồng toàn bộ là giống xanh lùn, trái rất to và đạt nhân. Nhưng tôi cũng quyết làm vì bưởi cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cà phê”, ông Ân chia sẻ.
Ông Ân bọc những chiếc túi vải cho bưởi để tránh côn trùng xâm hại.
Năm đầu tiên vườn bưởi cho những quả bói, ông thu được 2 tấn, tuy nhiên ông không hề bán một quả nào. Toàn bộ bưởi ông mang đi cho hàng xóm và người quen. Ông Ân cho rằng, những người hàng xóm và bạn của mình chính là người kiểm định chất lượng sản phẩm của mình một cách chính xác nhất.
Hiện nay, toàn bộ vườn bưởi 2,5ha của ông Ân đã cho thu nhập chính. Khi quả phát triển bằng nắm tay người lớn thì gia đình ông phải bọc quả bằng một chiếc túi vải. Điều này giúp cho bưởi không bị các loại côn trùng xâm hại khiến hư hại. Bên cạnh đó ông Ân còn sử dụng hạt long não cho vào các chai nước ngọt để xua đuổi côn trùng và bọ cánh cứng.
Hạt long não được ông Ân cho vào những chiếc chai nhựa để xua đuổi côn trùng và bọ cánh cứng.
Đối với bưởi đã trưởng thành, ông Ân sẽ tưới định kì 10 ngày 1 lần. Phun thuốc sinh học đặc trị ruồi vàng 1 tháng/lần, ông Ân khẳng định thuốc này rất an toàn, nên sử dụng không lo ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
“Tuy bưởi của tôi có trái cho thu quanh năm, nhưng tôi vẫn hãm vườn bưởi của mình để không thu hoạch vào 3 tháng 5, 6, 7. Ba tháng này tại các chợ và khu vườn của Miền Tây rất nhiều bưởi, giá sẽ rẻ đi nhiều. Vì vậy, thời gian này tôi sẽ để cho cây nghỉ, bổ sung phân chuồng cho cây khỏe sau khi cho thu trái. Qua ba tháng, bưởi ở những địa phương khác sẽ ít dần đi thì mình lại có bưởi thu hoạch, khi đó giá của mình sẽ tốt hơn”, ông Ân chia sẻ.
Ưu điểm của giống bưởi da xanh ruột hồng là múi to, mọng nước, không hạt và không có vị đắng sau khi ăn.
Với 2,5ha, ông Ân trồng được khoảng 2.500 cây bưởi da xanh, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2m. Chiều cao của cây ông chỉ để khoảng 2,5 mét giúp việc chăm sóc dễ dàng nhất. Mỗi năm, ông chỉ để 80 – 100 quả/cây chia làm 3 đợt với thời gian thu hoạch khác nhau để có sản phẩm quanh năm.
Đến nay, sau 7 năm trồng bưởi tại Lâm Đồng, năm 2017, ông Ân đã thu được khoảng 40 tấn bưởi. Loại bưởi từ 1,2 – 2kg có giá bán từ 50 – 55 ngàn/kg. Đối với loại bưởi trên 2kg sẽ có giá 70 ngàn đồng. Ngoài ra, hàng năm ông Ân còn bán được khoảng 35 – 40 ngàn cành bưởi giống được chiết từ cây mẹ với giá từ 35 – 45 ngàn/cây đã mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông Ân.
Ngoài thu nhập từ bưởi, ông Ân còn bán được rất nhiều bưởi giống, mở rộng vùng nguyên liệu.
Sắp tới ông Ân sẽ tăng cường liên kết với các hộ dân tại Lâm Đồng để mở rộng vùng nguyên liệu. Ông đã thành lập công ty để thu mua sản phẩm của các hộ trồng bưởi trong khu vực. Khi có sản lượng ổn định ông sẽ hướng đến việc xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản để nâng cao giá trị của bưởi da xanh ruột hồng.
Viết bình luận