“BẬC THẦY” TRỒNG NHÃN IDO VÀ BÍ MẬT “PHỤC LÀM LIỀU” XỨ CÙ LAO DUNG

Mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, không ngừng học hỏi, cải tiến kỹ thuật anh Trần Văn Phục (ấp Bình Du B, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), là người tiên phong “làm liều” đưa cây nhãn ido về xứ cù lao phát triển xanh tốt bạt ngàn, khiến ai nấy đều phải ngỡ ngàng, thán phục.

 “Làm liều” trồng nhãn thay mía

Anh Phục, chia sẻ: “Xứ Cù Lao Dung mấy đời nay người dân sống chủ yếu nhờ vào cây mía nhưng hiệu quả từ việc trồng mía cứ giảm dần theo từng năm, giá mía ngày càng thấp nên bà con trồng mía chỉ toàn bán lỗ, đời sống từ đó cũng khó khăn nhiều hơn. Nhưng vì thói quen tập quán, dù thua lỗ nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn bám cây mía, không dám thay đổi. Trước thực trạng đó, tôi luôn trăn trở suy nghĩ muốn đổi đời phải thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi giống cây trồng”.

“bac thay” trong nhan ido va bi mat "phuc lam lieu" xu cu lao dung hinh anh 1

Vụ nhãn ido đầu tiên trúng mùa trúng giá của anh Phục

Từ đó anh cùng một vài nông dân khác đã kết nối lại để tổ chức đi tham quan các mô hình trồng vườn ở các tỉnh miền Tây nhằm có hướng chuyển đổi làm ăn. Vào những năm 1995, anh là một trong những nông dân đầu tiên của xứ Cù Lao Dung mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mía sang trồng nhãn da bò. Những vụ đầu giá giống nhãn này cũng cao nhưng thị trường bấp bênh, giá cả không ổn định, lại thêm dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh chổi rồng, sâu đục trái…Một lần nữa anh lại trằn trọc tìm hướng đi mới để chuyển đổi.

Một lần được Hội Nông dân huyện kết nối đi tham quan vườn nhãn ido ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Nhìn thấy hiệu quả của giống nhãn mới này với nhiều ưu điểm như: Trái say, cơm dày, ít sâu bệnh, đặc biệt là “kháng” bệnh chổi rồng, giá thành cao… anh Phục mừng như bắt được vàng, trong suy nghĩ: “Đây mới chính là giống cây mình cần tìm!”.

“Sau khi đi tham quan vườn nhãn ido về tôi hào hứng dữ lắm, nhưng chưa dám mạo hiểm trồng liền mà nghiên cứu thêm từ sách báo về giống nhãn mới này. Sau đó tôi đi tham quan thêm nhiều mô hình nhãn ở các tỉnh miền Tây. Đến năm 2013, khi tích lũy được kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác khá vững tôi mạnh dạn chuyển gần 3ha vườn trồng nhãn da bò sang trồng nhãn ido”- anh Phục nhớ lại.

Trong gần 3ha vườn anh phân làm ba khu cải tạo, mỗi khu gần 7.000m2. Khu thứ nhất anh chuyển đổi hoàn toàn sang nhãn ido, mua cây giống về trồng; khu thứ hai anh giữ gốc nhãn da bò lâu năm lại và cấy ghép phôi để rút ngắn thời gian thu hoạch và khu thứ ba anh giữ lại nhãn da bò thêm một năm mới chuyển đổi, để thu hoạch hỗ trợ cho việc chuyển đổi hai khu đầu. Đợt cấy ghép phôi đầu tiên anh thất bại, 7.000m2 nhãn chết hết, đến lần ghép phôi thứ hai anh mới thành công.

Hiện nay khu vườn nhãn ido chuyển đổi hoàn toàn của anh cũng vừa thu hoạch xong vụ đầu tiên với năng suất 3tấn/ha (với giá giao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg), sau khi trừ chi phí, một công nhãn lời trên 50 triệu đồng.

Không chỉ tìm tòi cây giống hiệu quả phục vụ sản xuất, anh Phục còn nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống phun tưới nước, phân, thuốc tự động, hỗ trợ sản xuất, giảm chi phí rất hiệu quả. Theo anh Phục, từ khi sáng chế thành công hệ thống phun tưới nước, phân, thuốc tự động, mỗi năm gia đình anh giảm từ 20-30 triệu đồng tiền chi phí. Từ hiệu quả từ mô hình của anh, hiện nay nhiều người dân ở Cù Lao Dung đã mạnh dạn chuyển từ cây mía sang cây nhãn idol.

Cải tiến chất lượng để hội nhập

“Trong tình tình hình đất nước mở cửa hội nhập thì nông dân không thể đóng cửa mà bắt buộc nông dân chúng ta phải cùng hội nhập. Từ suy nghĩ đó mà từ nhiều năm nay tôi đã ấp ủ nhiều kế hoạch lâu dài để hội nhập, phát triển, có như vậy thì nông dân mới làm giàu được”- anh Phục tự tin nói.

Theo anh Phục, suy nghĩ là hành động, năm 2013 khi bắt đầu chuyển đổi sang trồng nhãn ido, anh cũng tham gia vào hợp tác xã An Phú Hưng với vai trò Chủ nhiệm. Hiện tại, hợp tác xã có 32 hộ thành viên, trồng 50 ha nhãn da bò và 30 ha trồng nhãn ido, do hiệu quả nhãn ido cao, giá cả ổn định không năm nào dưới 20.000 đồng/kg, có năm tới 40.000 đồng/kg nên nhiều hộ xã viên tới đây sẽ chuyển sang trồng nhãn ido.

Để có những quả nhãn sạch, an toàn thực phẩm theo quy trình của hợp tác xã đưa ra, quy trình trồng nhãn ido gần như tự động hết từ khâu tưới nước với hệ thống đường ống dẫn nước, trộn phân vi sinh được tự động hòa trong hồ nước và phun qua hệ thống tự động trực tiếp vào khu vực gốc cây hàng ngày. Việc tiêu thụ trái cũng rất tốt do thị trường xuất khẩu nhãn này luôn cung chưa đủ cầu.

“bac thay” trong nhan ido va bi mat "phuc lam lieu" xu cu lao dung hinh anh 2

Anh Phục bên hệ thống phun nước, phân, thuốc tự động do mình tự sáng chế

Ông Nguyễn Văn Đắc –  Phó Phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Từ việc mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía sang cây nhãn ido thành công của anh Phục, hiện nay chúng tôi đang khuyến khích người dân chuyển đổi đa dạng hóa các loại cây trồng nhưng tùy theo khả năng của bà con. Nhãn ido tuy mới phát triển ở địa phương nhưng cho thấy khả năng vượt trội; không những phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng mà chất lượng sản phẩm cũng cao hơn so với các giống nhãn khác”.

“Chúng tôi đang vận động bà con trồng, hỗ trợ 50% cây giống và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để bà con an tâm chuyển đổi. Để nhãn ido cũng như các loại cây ăn trái khác phát triển bền vững thì địa phương đang xây dựng dự án, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu; hướng tới xây dựng thương hiệu, phát triển theo quy trình sản xuất sạch để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó vai trò đầu tàu cũng như những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh Phục đóng vai trò quan trọng” – ông Đắc nhấn mạnh.

Anh Phục cũng chia sẻ, để bắt kịp xu hướng hội nhập, trong thời gian tới anh sẽ cải tiến hệ thống phun thuốc tự động theo dạng phun sương để hạn chế tối đa tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả nhãn. Đồng thời, sẽ liên kết thành lập liên minh hợp tác xã sản xuất nhãn ido theo dạng hữu cơ, khép kín để ký được các hợp đồng lớn với các thị trường trong và ngoài nước.

 

Viết bình luận