Phần 1: Các nguyên tắc khởi nghiệp nông nghiệp:
Học, ra trường, đi làm thuê..
Yên phận, ổn định nhưng khó mà giàu được, lại còn bị cấp trên la rầy..
Lấn vô cơ quan nhà nước đã khó, nhưng ở môi trường này còn phải tranh giành khốc liệt để lấn lên làm lãnh đạo mới có cơ hội làm giàu (và ở tù?). Nếu không thì suốt đời làm nhân viên quèn, gọi cho sang là“tham mưu” mà dân làm nhà nước gọi là nghề“cầm cu cho chúng nó đái!”
Nhiều người chán nản. Thôi thì bỏ, ta về ta tắm ao ta. Bắt đầu khởi nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau.
Trên đầu không đội ai, khả năng làm giàu là vô tận..
Vấn đề là ta có đủ năng lực để thành công hay không thôi.
Nhiều người trẻ, với bầu nhiệt huyết nóng, sức tưởng tượng phong phú cứ nghĩ: Ta tính vậy thì chắc cú rùi, sao mà thua được? Nhưng cuối cùng đến 99% người khởi nghiệp phải nhận lấy thất bại đắng cay (theo thống kê của một tờ báo nào đó, không nhớ); có những người lì lợm, “thua keo này ta bày keo khác”, năm lần bảy lượt rùi mới thành công!
Bài viết này đặt ra vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp. Một lãnh vực theo tôi là khó nhất trong các ngành nghề vì nó đòi hỏi kiến thức rất rộng từ nghiên cứu thị trường, sinh lý động, thực vật, bảo vệ thực vật, khí tượng thời tiết, đất phân vv.. Nhưng quan trọng hơn, đòi hỏi phải có kinh nghiệm phong phú mới mong làm giàu từ nông nghiệp; còn làm nông để đủ sống như nông dân thì.. no table!
Mong muốn các còm sĩ tham gia bàn luận, trao đổi từ kinh nghiệm của mình để giúp những ai mới khởi nghiệp với nghề nông, những ai đang còn bươn chải, u đầu mẻ trán với nghề nông tìm được“ánh sáng le lói cuối đường hầm"!
Theo tôi, khi bắt đầu khởi nghiệp nông nghiệp cần lưu ý các nguyên tắc sau đây:
1 - Không nên tưởng tượng ra những dự án vĩ đại, đòi hỏi vốn đầu tư cao, quy mô sản xuất lớn..., dù bản thân và gia đình mình có điều kiện về vốn, bằng cấp nhưng mình chưa có kinh nghiệm, vì cái này còn ở thì tương lai. Nên đi từng bước nhỏ, nếu thành công mới tăng quy mô lên dần dần.
2 - Không nên nghe ai nói cái gì hay hay là bắt chước làm theo; đặc biệt là phải đề phòng những bài viết trên báo, đài, kiểu như: “Bỏ lương cao ở ngân hàng về quê nuôi chim trỉ mỗi năm thu tiền tỷ”.
Việc học hỏi kinh nghiệm của người khác hoặc từ mạng internet, sách vở, báo đài là rất cần thiết nhưng vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mình là một chuyện hoàn toàn khác. Chỉ có cách cố gắng suy nghĩ, sáng tạo, thực nghiệm trên nền tảng kiến thức, kinh nghiệm của riêng mình và hoàn cảnh cụ thể ở địa phương mới mong tìm được hướng đi vững chắc, khả quan.
3 - Chọn đối tượng để khởi nghiệp nông nghiệp:
Nên bắt đầu bằng những cây trồng, vật nuôi phổ biến, hết sức thân thuộc, thường hiện diện trong bửa ăn hàng ngày như con bò, con gà ta, cây rau, của quả thân quen. Những cái mới lạ, nghe hấp dẫn kiểu như chăn nuôi động vật hoang dã, trồng cây tỷ đô vv.. thì phải dè chừng. Nếu thích thì phải làm từng ít để thử nghiệm nếu thành công và có thị trường thì mới tiếp tục. Đề phòng người ta quảng cáo bán giống!
Có cây trồng gì dễ làm, mùa nắng không cần tưới, giá bán không cao nhưng đảm bảo ít nhất khả năng thất bại lúc ban đầu lại cho thu nhập thu nhập ban đầu để tạm sống không? Chuyện này tôi sẽ nói cụ thể ở phần sau. (Phần 2: Một số kinh nghiệm và cách làm dễ ăn, chắc chắn)
Khi bắt tay vào lãnh vực nào, đừng vội hình dung sẽ thắng lợi ra sao mà cần suy tính thật kỷ về đầu ra, kinh nghiệm, kiến thức của bản thân mình trong lãnh vực đó, và phải tính đến khả năng thất bại trước tiên. Vì sao ta sẽ thất bại, có cách gì giảm thiểu rủi ro?
4 - Nên thực hiện phương châm“lấy ngắn nuôi dài” và bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp.
Dù mình có khả năng về vốn, kiến thức chuyên ngành, nhưng mới đầu cần nghĩ đến làm sao cho có thu nhập ổn định. vững chắc để trang trải lúc đầu, vì vốn có bao nhiêu cũng không đủ và lãnh vực nông nghiệp là nơi đốt tiền nhanh nhất. Tính toán quy mô đầu tư và bố trí vốn phù hợp; ví dụ, ban đầu có thể làm chuồng trại tạm bợ nhưng đảm bảo điều kiện chăn nuôi về sau nếu ổn định rồi mới nghĩ đến quy mô hoàng tráng!
5 - Quan tâm tối đa việc ứng dụng công nghệ cao, giá thành phù hợp.
Thời đại chúng ta đang sống là thời của công nghệ cao. Nếu ta không tìm cách ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì hàng hóa ta làm ra sẽ không cạnh tranh nỗi về giá thành, chất lượng.
Công nghệ cao đòi hỏi ta phải đổ tiền vào thật nhiều, lấy đâu ra?
Cũng có những cách làm rẻ tiền mà hiệu quả. Vấn đề là ta phải luôn luôn tìm tòi, suy nghĩ cách ứng dụng công nghệ.. vừa vừa cũng được mà rẻ tiền, tiết kiệm tối đa nhân công mà ít rủi ro.
Phần 2 tôi sẽ trình bày kinh nghiệm của riêng tôi về cách làm nhà lưới nhà kiếng siêu rẻ nhưng giải quyết tốt bài toán nan giải là giải nhiệt (hiệu ứng nhà kính); trồng cây gì trong đó để có tiền vô rốt rẻng hàng ngày dù giá chợ xuống thấp nhất? Những vấn đề này không phải lý thuyết suông mà đúc kết từ những thất bại đắng cay rồi mới thành công!
Cái nhà lưới như hình bên dưới (khung gỗ tận dụng, lưới dõm) giá thành khoảng 10 triệu/sào; ai nhìn vô cũng cười chê! Có biết đâu tôi đã phá đi làm lại biết bao lần; (làm bằng vật liệu rẻ tiền nếu phải phá bỏ thì cũng không đáng tiếc lắm). Sau này thành công rồi, tôi mới thiết kế mẫu nhà bằng trụ bê tông giá thành xây dựng khoảng 15 triệu đồng/sào; và được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh chọn chuyển giao cho các hộ nông nghiệp nghèo áp dụng trong sản xuất thực tiển.
6 - Chọn“cái thị trường cần chứ không phải cái mình có” để làm khi khởi nghiệp. Điều này ai cũng biết, nhưng phải làm sao để biết thị trường cần gì, vào thời điểm nào? Cách tốt nhất là bỏ nhiều thời gian lê la ngoài chợ, “tán” mấy em bán rau, mấy bà bán thịt và ghi chép kỷ thử xem mùa nào, lúc nào cái gì có giá nhất, vì sao? Cũng cần đi đến các vùng chuyên canh tìm hiểu cách thiên hạ làm, học hỏi kinh nghiệm thực tế sát với điều kiện địa phương.
Có thể bạn đang nung nấu trong đầu một dự án lớn mà bạn rất yêu thích. Nhưng hãy khoan vội. Bước đầy hãy làm cái gì dễ nhất, chu kỳ thu hoạch ngắn để sống mà nuôi hy vọng đường dài!
7 - Tiết kiệm là quốc sách: Dù bạn có nhiều tiền, nhưng khi bắt tay vào dự án khởi nghiệp, cần tính toán chi li, chi tiêu hợp lý và giảm thiểu tối đa định mức chi. Cái lãng phí lớn nhất là ta làm ra mà không sử dụng được, hoặc sử dụng không hiệu quả!
8 - Phải quản lý cho tốt: Khởi nghiệp với nghề nông, tốt nhất bạn phải“nằm” tại chỗ, lăn lộn với công việc. Nếu bạn ở thành phố, ném tiền về quê đầu tư rồi thuê ai đó, dù là người thân quen, tin tưởng quản lý và điều hành giúp bạn, lâu lâu bạn đánh ô tô về“cởi ngựa xem hoa” thì khuyên bạn không nên làm vì khả năng thất bại rất cao
- - - - - - - - - - - -
Trên đây là vài dòng vừa là tâm sự, vừa là kinh nghiệm của một người từng “xấc bấc xang bang” “lên bờ xuống ruộng" với nghề nông, mong trao đổi cùng các bạn muốn khởi nghiệp nông nghiệp. Chỉ với ý thân thiện đó thôi, chứ người viết không muốn mang tiếng“dạy đời” đâu nhé! Nhưng nói về lãnh vực này thì phải nêu ra kinh nghiệm cụ thể, cả thất bại lẫn thành công của mình!
Viết bình luận