Cục Sở hữu trí tuệ vừa ra Quyết định số 1721/QĐ-SHTT “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm hồng không hạt tỉnh Bắc Kạn”.
Theo đó Sở KH- CN tỉnh Bắc Kạn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” cho sản phẩm hồng không hạt, loại cây gắn với vùng đất Bắc Kạn trên 100 năm. Hiện nay, tại một số xã của huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể, huyện Ngân Sơn vẫn còn những cây hồng gần 100 năm tuổi cho năng suất và chất lượng quả tốt. Tuy nhiên để phát triển thương mại loại đặc sản này là cả một quá trình lao động tâm huyết của các nhà quản lý và khoa học của Bắc Kạn.
Hồng không hạt Bắc Kạn gồm hai loại: hồng không hạt “tháng 8 - 9” và hồng không hạt “tháng 9 - 10”. Đặc điểm của loại quả này là quả không có hạt; vỏ quả màu vàng và đỏ; tai quả to, 4 - 5 tai; quả không cứng và không chát, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm; quả nhiều cát đường và rất giòn. Hồng không hạt Bắc Kạn phân bố xung quanh khu vực hồ Ba Bể, tại những nơi có độ cao dưới 800m so với mặt nước biển.
 Hình thái của 2 loại hồng không hạt Bắc Kạn khác nhau do đặc điểm phân bố khác nhau. Hồng không hạt “tháng 8 - 9” thường được trồng ở bờ ruộng, bờ ao hoặc trong vườn nhà - nơi có nguồn nước thuận lợi, chủ động tưới tiêu nên kích thước quả to. Trái lại, hồng không hạt “tháng 9 - 10” được trồng chủ yếu ở vườn đồi - nơi có địa hình dốc, nguồn nước cung cấp ít hơn, quả tích lũy nước ít hơn nên kích thước quả nhỏ hơn.
Các địa danh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm hồng không hạt gồm: Nam Cường, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Tân Lập, Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn); Đông Phúc, Quảng Khê, Hoàng Trĩ, Khang Ninh, Thượng Giáo, Địa Linh, Cao Trĩ (huyện Ba Bể); Trung Hòa, Lãng Ngâm, Hương Nê và Thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn).
Bảo hộ hồng không hạt Bắc Kạn
- 01/ 12/ 2016
- Nguyễn Thị Tuyết Nhung
- 0 Nhận xét
Viết bình luận