Với bí quyết cho ổi, mít ra quả trái vụ theo ý mình và nuôi ong lấy mật, đảng viên Tô Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Hoàng (Đông Hưng, Thái Bình) có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Nhập ngũ năm 1974, đến năm 1990 cựu chiến binh (CCB) Tô Hồng Sơn phục viên về địa phương ở xã Đông Hoàng (Đông Hưng, Thái Bình).
Lương ít, con nhỏ, ông phải xoay nhiều nghề để tăng thu nhập cho gia đình như làm mộc, nhận ruộng cấy khoán, đảm nhiệm chức vụ kiểm soát viên HTX DVNN xã nhưng vẫn không thể thoát nghèo.
Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám mãi, ông Sơn đã đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm làm giàu từ các mô hình phát triển kinh tế đã thành công trong và ngoài xã. Năm 2011, khi đã có vốn và kinh nghiệm trong tay, ông mạnh dạn chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như ổi, quất, chè và các loại rau thơm.
Dù các loại cây trồng này cho thu nhập cao hơn cấy lúa nhưng chưa thể tích lũy làm giàu, vì vậy ông lại tiếp tục học hỏi, tìm hiểu thị trường và cải tạo, quy hoạch lại vườn thành các khu chuyên trồng ổi Đài Loan, mít Thái, bưởi đào để dễ chăm sóc.
Hiện trong vườn của gia đình có 60 cây ổi, 40 cây mít Thái và hàng chục cây bưởi đào trồng ven bờ ao. Điều đặc biệt là vườn cây không ra quả chính vụ như của các gia đình khác mà ra quả trái vụ.
Nói về cách để cây ra quả trái vụ, ông Tô Hồng Sơn chia sẻ: Để cây mít ra quả trái vụ thì vụ chính phải vặt hết quả nhỏ đi để tháng 4 ra lứa quả mới thì tháng 9 sẽ cho thu hoạch đến hết tháng 3 năm sau. Còn với vườn ổi Đài Loan, trung tuần tháng 5 hoặc cuối tháng 5 thì cắt hết cành vươn dài, nhất là những cành vươn cao, sau đó tập trung chăm sóc ổi bằng phân bón NPK.
Tôi còn mua cá về ủ với chế phẩm sinh học tưới cho cây để cây không bị ngộ độc, cây sinh trưởng, phát triển nhanh, ra quả trái vụ nhưng vẫn to, đều, giòn, ngọt. Tôi còn dùng túi nilon bọc quả lại để phòng sâu bệnh phá hỏng quả, tránh quả bị rám.
Đầu tháng 9 bắt đầu có gió heo may thì có ổi bán, lúc đó ổi đạt độ ngọt cao nhất. Còn với cây bưởi đào, tôi lại điều chỉnh để cây ra quả sớm, cho thu hoạch sớm. Cây ra quả trái vụ hoặc ra quả sớm để dễ bán và bán được giá hơn chính vụ, đem lại thu nhập cao hơn cho gia đình.
Tận dụng khoảng trống dưới các tán cây và các loài hoa trong vườn, CCB Tô Hồng Sơn nuôi trên 100 thùng ong lấy mật cũng là để ong thụ phấn cho hoa. Mỗi năm, ông thu khoảng 350 lít mật ong bảo đảm chất lượng, do đó mật ong quay ra đến đâu khách đặt mua hết đến đó không phải lo đầu ra.
Sản phẩm mật ong của CCB Tô Hồng Sơn được xã Đông Hoàng lựa chọn, đang làm hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP của địa phương. Không chỉ tự đóng thùng, cầu để nuôi ong mật, đảm nhận kỹ thuật nuôi, nhân chia đàn ong, quay mật ong của gia đình mà CCB Tô Hồng Sơn còn làm thùng, cầu để bán, cung cấp ong giống, đồng thời tư vấn kỹ thuật nuôi, quay mật ong cho các hộ trong và ngoài huyện.
Trong vườn, ông còn trồng 50 gốc chuối tiêu để phục vụ thị trường tết. Ngoài ra, gia đình còn quy hoạch 2 sào đào ao thả cá thịt và cá giống. Lứa cá đầu tiên do chưa xây được tường bao, gặp mưa lớn, ao bị ngập, cá đi hết, không nản chí ông lại vay tiền cải tạo ao, xây dựng tường bao, cống để dễ dàng cho việc điều tiết nước nên các vụ thả cá sau đều có lãi.
Với cách làm mới, sáng tạo đã đem đến cho gia đình CCB Tô Hồng Sơn nguồn thu nhập khá, trở thành điển hình CCB làm kinh tế giỏi của huyện. Luôn tất bật với vườn cây, ao cá và đàn ong mật song người đảng viên, CCB ấy vẫn sắp xếp thời gian hoàn thành trọng trách cấp ủy, chính quyền tin tưởng giao phó là Phó Chủ tịch Hội CCB xã.
Ông Bùi Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hoàng đánh giá: Bằng cách làm giàu riêng của mình, CCB Tô Hồng Sơn đã trở thành gương sáng, là người thổi luồng gió mới thúc đẩy, lan tỏa phong trào “CCB làm kinh tế giỏi” trong toàn xã. CCB Tô Hồng Sơn cũng là người có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Viết bình luận