Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở Quảng Ngãi đã có những bước đi táo bạo trong cách nghĩ và cách làm, nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mới lạ đã được mạnh dạn đưa vào sản xuất thử nghiệm cho kết quả khả quan; trong đó có mô hình trồng quýt Thái Lan trên đất núi của anh Trương Nuôi, ở thôn Tân An, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nhờ những kinh nghiệm, sáng kiến tự đúc rút ra qua nhiều năm sản xuất và sự mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình quýt Thái Lan đã đem lại thu nhập cho anh 120-130 triệu đồng/năm.
Từ kinh nghiệm ức chế cây cho quả trái vụ Năm 2001, khi nhà nước mở đường và thành lập khu tái định cư Tân An, gia đình anh quyết định từ bỏ nghề cá, bán tàu, bán nhà để lên núi khai hoang lập nghiệp. Sau khi trồng thử nghiệm nhiều cây ăn quả nhưng không đạt hiệu quả, anh lặn lội vào các tỉnh Nam bộ học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Ban đầu, anh định chọn cây nhãn tiêu nhưng sau đó nhận thấy vùng đất mình khai phá không phù hợp, vì có nhiều sóc, chồn nên sẽ gây tổn thất nhiều. Cuối cùng anh quyết định bỏ vốn mua giống quýt Thái Lan về trồng. Đến nay với diện tích gần 3,4 ha, anh Trương Nuôi đã trồng trên 1.200 gốc quýt. Vụ đầu tiên anh thu hoạch trên 2,5 tấn, vụ thứ 2 là 7 tấn và liên tiếp nhiều vụ sau này anh thu về từ 10-15 tấn. Trung bình mỗi gốc quýt anh thu khoảng 20 kg. Để cây quýt đạt năng suất và bán được giá cao trên thị trường, anh có “bí quyết” ức chế cho cây cho quả trái vụ. Bên cạnh 3,4 ha quýt Thái Lan anh còn trồng 12 ha bạch đàn, keo lai, 13 ha sao đen, lim xanh và 2.000 gốc mây nếp. Ngoài ra, anh còn nuôi 51 con heo rừng, 5 con bò và thả 1.000 cá lóc trong hồ lót bạt. Trang trại gia đình anh hiện đã giải quyết được 20 lao động, là người dân tộc thiểu số ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ. Anh Nuôi tiết lộ: Thường thì cây quýt cho quả 2 vụ/năm, nhưng để như thế thì năng suất không cao và giá trị thấp. Do đó, muốn bán được giá và dễ dàng trong khâu tiêu thụ thì phải cho quýt ra quả trái mùa với Nam bộ. Đối với những cây khoẻ, đủ sức thì cho cây ra quả chính vụ, còn đối với những cây yếu thì ức chế ra hoa, bằng cách không tưới nước. Đến khi nào cây vàng, lá bắt đầu rụng thì bắt đầu cho nước vào, bón phân cấp tốc đến lúc cây ra hoa vàng rực… Làm như thế thì cây sẽ cho ra quả trái vụ, năng suất cao”. Tuy nhiên, anh Nuôi cũng khuyến cáo: những vườn quýt mới trồng, cây yếu thì không nên làm theo cách đó, sẽ thất bại. Thăm vườn quýt nhà anh, ai cũng xuýt xoa không những trái quýt to, đẹp mà còn thơm và ngọt. Anh chia sẻ: “Quýt ngọt cũng là một bí quyết đấy. Để trái quýt ngọt, trước khi thu hoạch 15 ngày, anh bổ sung các loại phân như humic, urê, kali tuỳ theo sản lượng quả của cây mà bón lượng phân cho phù hợp, thường thì 0,5kg urê + 0,5 kg kali/gốc”.
Nhờ những kinh nghiệm quý báu đó, năm nào vườn quýt nhà anh cũng bội thu. Với giá bán trung bình 12.000 – 15.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu về từ vườn quýt khoảng 130 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn bó cành nhân giống bán cho các hộ dân ở thôn Tân An và nhiều hộ dân trong huyện có nhu cầu, với giá bán 13.000 đồng/cành. Sáng kiến đặt bẫy dụ côn trùng Trong vườn quýt nhà anh Nuôi, trên mỗi cây quýt đều treo một can nhựa 5 lít, phía trên miệng khoét rỗng. Thấy tôi thắc mắc anh giải thích: Cứ đến thời điểm gần thu hoạch, các loại côn trùng như ruồi đục trái, ngài đục trái, nhện, bọ xít… thường gây hại trên cây quýt bằng cách chích lên trái làm cho trái bị vàng thối và rụng. Sau thời gian theo dõi, nghiên cứu, anh Nuôi đã tìm ra sáng kiến đặt bẫy nhử côn trùng. Anh cắt các can nhựa rồi bỏ thuốc diệt ruồi trộn với mật đường làm bẫy treo để tiêu diệt. Côn trùng ngửi thấy mùi mật sẽ bay vào và rớt xuống thuốc chết. Cách làm này, vừa giữ được trái cây không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, trong vườn quýt anh trồng xen một vài cây ổi. Nhưng trồng ổi không hái trái mà để trái chín trên cây, những trái chín này là "mồi" thu hút các loại ong đến chích nên chúng không phá hoại quýt. Nhờ đó quýt của anh rất đẹp mã, được ưa chuộng trên thị trường. Hiện nay, thị trường tiêu thụ quýt của anh đã mở rộng ra toàn tỉnh....
Viết bình luận