“Bây giờ chặt cây ai cũng tiếc vì mình đang trồng chả được, nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm”.
Nằm trong dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long sẽ được chặt hạ, đánh chuyển trước ngày 30/9.
Sáng 5/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: “TP Hà Nội đang lấy ý kiến về vấn đề này. Dự án không chỉ đường bộ dưới mà có đường trên cao như đường vành đai 3 – nối đến tận cầu Thăng Long. Có kiến nghị giữ lại hàng cây đó, ai cũng muốn giữ nhưng chạy đường trên cao thì không giữ nổi. Thành phố sẽ bàn với Bộ GTVT. Tôi đã chỉ đạo sau khi lấy kiến nhân dân thì phải có trả lời rõ ràng”.
“Trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Hôm trước có ông nào đề xuất lấp hồ nước đi đấy, đào lên không được lại lấp đi, đề xuất thì cứ đề xuất thôi chứ ai đồng ý” – Bí thư Hoàng Trung Hải nói và cho rằng bây giờ chặt cây ai cũng tiếc vì mình đang trồng chả được, nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải |
PV: Có ý kiến cho rằng nên di dời vì giữ được 1 cây cũng quý, thưa ông?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Việc di dời cây như thế cũng có chi phí cao, thứ hai là bảo quản phải quan tâm đến kỹ thuật để bảo đảm tỷ lệ sống cao nhất. Mình cũng biết không tuyệt đối được.
PV: Chi phí cao nhưng nhiều DN sẵn sàng đầu tư xã hội hóa việc này?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Di dời thì người ta sẽ phân loại cây ra, cây nào di dời, bảo tồn được, cây nào giữ không thể làm hoặc làm không có hiệu quả. Còn những cây to như vậy, mình cắt mình cũng tiếc chứ!
PV: Khi làm đường sắt Hà Đông – Cát Linh thì có những cây có thể giữ được nhưng làm hơi quá, cắt luôn 1 vệt. Lần này sẽ như thế nào, thưa ông?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Như tôi đã nói, phương án theo thiết kế đường trên cao và đường thấp thì phải phối hợp với nhau, tính toán đã tối ưu chưa. Các nhà kỹ thuật và các nhà quản lý phải ngồi với nhau để xem xét.
PV: Vấn đề này sẽ được giám sát?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Cái này mình quản lý phải chặt, người dân cũng giám sát chặt.
PV: Sở Xây dựng đang lấy ý kiến thay thế 4.000 cây xà cừ và đều là các cây to?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Hiện đang lấy ý kiến, còn việc làm đâu có thể đơn giản được. Ở đây, họ đang tổ chức hội thảo để lấy ý kiến xem cây xà cừ có phù hợp với cây đô thị không để sau này trồng mới sẽ không trồng cây này nữa.
Cây trồng rồi, to thì cứ để đấy cần gì phải thay. Còn trừ khi các dự án đầu tư phát triển không làm cách gì tránh được thì phải di dời chứ còn giờ giữ được một cái cây là quý lắm, cả trăm năm mới được như thế!
Cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng |
PV: Thành ủy Hà Nội có chỉ đạo như thế nào liên quan đến vấn đề cây xanh không, thưa ông?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Theo chương trình phát triển mình vẫn theo kế hoạch phát triển đô thị, xanh sạch đẹp, bảo tồn và thành phố đã có nghị quyết riêng về môi trường.
PV: Cá nhân ông có nhận được ý kiến gì về việc nên dừng di chuyển hơn 1.000 cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng không?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Chưa, đó mới chỉ là ý kiến trên báo chí thôi. Chẳng có ý kiến gì bảo dừng cả, người dân cũng yêu cầu làm cái gì phải hợp lý, đúng, thực sự cần cần thiết thì người dân đồng ý nhưng anh phải chứng minh, tránh lạm dụng.
PV: Như vậy là bắt buộc phải chặt hạ cây xanh?
Bí thư Hoàng Trung Hải: Theo như phương án thiết kế là như vậy, còn bây giờ mình phải lấy ý kiến, tìm xem có cách nào, phương án gì khác không.
Nếu chứng minh được việc ấy là cần thiết, bắt buộc phải làm thì phải di dời, bảo tồn tối đa, còn không thì thôi.
Viết bình luận