BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH ĐỐM NÂU TRÊN CÂY THANH LONG

 1. Triệu chứng bệnh

- Trên thân cành thanh long: Ban đầu khi bệnh mới xuất hiện là các vết lõm màu trắng (nhiều nơi gọi là bệnh đốm trắng, tắc kè), sau đó vết bệnh nổi lên thành những đốm tròn màu nâu như mắt cua. Khi bệnh phát triển mạnh, các vết bệnh liên kết với nhau làm cho cành thanh long sần sùi, gây thối khô từng mảng.

 z5745733834399_d459227a325f2edaf6e8a7a7f20a5587.jpg

Bệnh đốm nâu trên cành thanh long

- Trên quả: Triệu chứng cũng như trên thân cành, những đốm nâu làm cho vỏ quả sần sùi thối khô từng mảng, bệnh nặng có thể gây rám cả quả.

 z5745733834676_5209dbb1a7a86145000f74fc5dd45dca.jpg

Bệnh đốm nâu trên quả thanh long

2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh

- Bệnh đốm nâu trên thanh long do nấm Neoscytalidium sp gây ra.

- Bệnh lây lan chủ yếu qua nguồn giống, gió, nguồn nước hoặc do côn trùng. Thường phát sinh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, ẩm độ không khí cao, thường xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 12. Bệnh thường bị hại nặng ở những vườn trụ thanh long rậm rạp, không được vệ sinh tàn dư, không cắt và thu gom tiêu hủy cành bệnh, bón phân không cân đối, dư đạm, thiếu phân hữu cơ và trung, vi lượng. Bệnh phát triển mạnh trong giai đoạn ra cành non và hoa quả.

3. Biện pháp phòng trừ.

- Biện pháp canh tác: Trồng cây với mật độ thích hợp, tạo tán đảm bảo thông thoáng. Cần vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh đem tiêu hủy. Tuyệt đối không để cành, quả bị bệnh hại nặng trong vườn thanh long, hoặc vứt bỏ tại lề đường, bờ sông, suối,…vì đây là nguồn bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan theo gió và nước. Tưới tiêu hợp lý để tránh cho vườn bị ngập úng, ẩm thấp. Bón phân cân đối, có đủ phân hữu cơ đã được ủ kỹ với nấm đối kháng, bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng vào trước và trong giai đoạn ra cành, hoa quả để giúp tăng sức đề kháng của cây. Không kích thích ra hoa trái vụ quá mức. Đối với những vườn bị đốm nâu nặng thì chỉ lấy chồi vào tháng 1 và tiến hành già hóa cành non (bấm dỉnh sinh trưởng khi cành đạt chiều dài mong muốn khoảng 1 - 1,2 m).

- Biện pháp hóa học: Phun thuốc trị bệnh đốm nâu trên cây thanh long khi cây ra chồi non trong mùa mưa và giai đoạn cây mới nhiễm bệnh, sử dụng cấc loại thuốc trừ nấm hoạt chất difenoconazole và azoxystrobin. Trường hợp vườn đang có cành non, dự báo thời tiết sẽ mưa nhiều nên phun thuốc trừ nấm tiếp xúc như Mancozeb (Fovathane 80WP). Phun luân phiên khoảng cách giữa 2 lần phun từ 14-21 ngày.