Biến sân thượng thành 'trường học hè' cho con

Biến sân thượng thành 'trường học hè' cho con

TP HCMSau khi vác hàng chục bao tải đất lên sân thượng để trồng cây, vợ chồng chị Thủy Tiên, 31 tuổi, ở quận Bình Thạnh, đưa ba con lên vườn "dạy học".

 

 Vợ chồng chị Thủy Tiên bắt tay vào làm vườn để "đổi màu sân thượng" ở tầng ba ngôi nhà họ đang ở. Khu vườn chỉ 3 mét chiều ngang, 10 mét chiều rộng.

Họ quyết định dùng mái tôn dùng để chống nóng và chống thấm cho sàn bê tông đồng thời không tạo tiếng ồn làm ảnh hưởng không gian sống bên dưới. Anh chị trải tấm cách nhiệt chống nóng xuống sàn và bọc quanh 40 chậu nhựa để trồng mướp, dưa leo và dưa lê.

Mỗi sáng, hai vợ chồng vác đất lên sân thượng, trộn và trồng cây. Theo chị Thủy Tiên, trộn đất là một trong những công đoạn quan trọng quyết định trồng cây thành công hay thất bại. Đất trồng cây phải là loại đất sạch có các thành phần xơ dừa, tro trấu, vỏ đậu phộng, đất thịt. Công thức trộn đất của Thủy Tiên là 60% đất + 40% còn lại là các loại hữu cơ (phân bò, trùn quế,...) có thể trộn thêm ít tricoderma để phòng ngừa nấm gốc.

Vì trồng hữu cơ nên suốt quá trình vợ chồng chị chỉ bón phân hữu cơ như phân bò, trùn quế, phân gà. Để phòng sâu bệnh giai đoạn đầu chị Thủy Tiên phun chế phẩm sinh học Bio B, giúp ngừa sâu rầy, cuốn chiếu.

Là kỹ sư điện, anh Phan Nguyện, 35 tuổi, chồng chị tự đo đạc, thiết kế giàn leo rồi đặt thợ làm. Giàn leo được bố trí theo hình chữ V úp ngược, bằng khung thép chắc chắn, giúp cây dễ leo, việc tháo gỡ, lắp ráp cũng dễ dàng. Chi phí mua đất, mua phân, mua sắt, làm giàn, cây giống, hạt giống... khoảng 5 triệu đồng.

 

Khi khu vườn đã tương đối hoàn thiện, vợ chồng chị Thủy Tiên "kéo" ba con là bé Ken 6 tuổi, Na 4 tuổi, Bi 3 tuổi lên vườn. Mỗi bé được tặng một cây con để học cách chăm sóc.

Anh chị hướng dẫn con ươm mầm, trộn đất trồng cây. Các bé trước nay chưa từng được trải nghiệm làm vườn thực tế, nên háo hức làm theo. Nhờ có khu vườn nhỏ, các con chị Thủy Tiên hạn chế được điện thoại, iPad trong những ngày TP HCM đang phải giãn cách và dừng nhiều hoạt động vì dịch bệnh.

Các bé được ba mẹ hướng dẫn cách tưới nước, vun đất, bón phân, cách phân biệt hoa đực, hoa cái. "Tôi cũng chia sẻ với con về đặc điểm của côn trùng: con ong, bướm sẽ giúp cây thụ phấn, ngoài ra, sự tác động của con người cũng sẽ giúp các loại khổ qua, dưa leo kết trái", người mẹ kinh doanh thiết bị nhà hàng, khách sạn, nói.

 

Sau hơn hai tháng làm vườn, các con chị Thủy Tiên đã hiểu được rau trái chúng ăn hàng ngày được hình thành thế nào. Lũ trẻ ưa vận động, thích trải nghiệm hơn và biết quý trọng những món rau mẹ chế biến cho cả nhà, vì có góp công sức trong đó. Đôi vợ chồng trẻ cũng có rau, trái ăn và chia sẻ với hàng xóm.

Ngoài sân thượng, họ còn trồng rau ở ban công chỉ 3 mét, làm hệ thống tưới nước tự động. Hai vợ chồng làm giàn, tận dụng triệt để mọi không gian, biến những bức tường khô cứng thành mảng xanh mát dịu.

Anh chị còn tạo hình chú heo từ chai nhựa để trồng rau, vừa trang trí cho khu vườn nhỏ, vừa gây hứng thú cho ba con nhỏ.

 

Chị Thủy Tiên thừa nhận, vườn sân thượng và ban công xanh tốt, cho rau quanh năm, nhưng tổng chi phí và công sức bỏ ra tốn kém hơn mua về.

"Đổi lại, gia đình tôi một không gian sống lý tưởng. Mọi thành viên đều có thêm nhiều niềm vui, người lớn giảm căng thẳng trong công việc, trẻ nhỏ có nhiều trải nghiệm bổ ích", chị nói.

Viết bình luận