Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi thấy cụm từ 'giải cứu nông sản', tôi đau lòng!

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi thấy cụm từ 'giải cứu nông sản', tôi đau lòng!

10 ngày trước khi vải thiều Lục Ngạn vào chính vụ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tới thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về việc tiêu thụ nông sản này.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình thử nghiệm phân bón đậm đặc Lalitha 21 trên cây vải thiều ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang ngày 31/5.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình thử nghiệm phân bón đậm đặc Lalitha 21 trên cây vải thiều ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang ngày 31/5.

Đừng nói "giải cứu" vải thiều

"Khi hay tin tôi đến tâm dịch Covid-19 Bắc Giang, rất nhiều bà con nông dân trên khắp cả nước bày tỏ sự quan tâm tới chuyến đi. Tôi tin, tất cả đều muốn quả vải của tỉnh ngày một tốt hơn, được biết đến rộng rãi hơn", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chiều 31/5.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan về thăm đất vải trong bối cảnh chỉ còn chục ngày nữa là tới lúc vải thiều Lục Ngạn vào chính vụ (ngày 10/6). Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, quá trình thu hoạch, sản xuất và vận chuyển vải gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, vải thiều là cây trồng chủ lực trên địa bàn, với tổng diện tích 28.100 ha, chiếm 54,8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, lớn nhất toàn quốc. Sản lượng vải thiều liên tục tăng, ước đạt 180.000 tấn trong năm 2021, tăng 15.000 tấn so với năm ngoái.

Trong đó, diện tích vải sớm 6.050 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn. Vải chính vụ 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, sản lượng ước đạt 125.000 tấn, vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang còn cấp nhiều mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Australia...

Vui mừng trước sức phát triển của cây vải thiều tại Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tỉnh nên cân nhắc việc tạo một hệ sinh thái ngành hàng, bắt đầu từ khâu sản xuất, thu hoạch, cho đến cả quy cách đóng gói, vận chuyển và xuất khẩu.

“Các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để bàn tính và đưa ra thông điệp chung ngay từ đầu vụ. Căn cứ vào đấy, tỉnh và Sở NN-PTNT sẽ dự đoán sản lượng và đưa ra định hướng thị trường đầu ra", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn lãnh đạo ngành nông nghiệp kiểm tra quy trình đóng hộp vải thiều sau khi thu hoạch.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn lãnh đạo ngành nông nghiệp kiểm tra quy trình đóng hộp vải thiều sau khi thu hoạch.

Trên đường vào đất vải Lục Ngạn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gặp nhiều xe tải ghi "giải cứu nông sản". Điều này khiến ông trăn trở, bởi vải thiều Lục Ngạn là nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được đánh giá cao không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn cả trên trường quốc tế.

"Khi thấy cụm từ giải cứu, tôi đau lòng. Quả vải của chúng ta ngon như thế, bán ra nước ngoài giá cao như thế, thì không thể có chuyện cần giải cứu được. Dùng thông điệp như thế khiến người nông dân tổn thương, thậm chí làm giảm chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, nó có thể khiến mọi người hiểu lầm", Bộ trưởng chia sẻ.

Việc xuất hiện những thông tin trái chiều về quả vải như giá vải xuống thấp, hay chậm trễ vận chuyển từ vùng thu hoạch tới tay người dùng, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là ở việc phi đối xứng thông tin. Bộ trưởng nhận định, giữa cung và cầu không thông suốt, dẫn đến những cái nhìn sai lệch.

Để giải quyết vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là vận chuyển quả vải, người đứng đầu Bộ NN-PTNT kêu gọi sự vào cuộc tổng lực của nhiều tổ chức như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên...

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan làm việc khẩn trương với các đơn vị vận chuyển, kể cả bưu điện.

"Làm thế nào, chúng ta tăng cường chân rết tới từng ngõ ngách, để quả vải đến tận tay người mua. Không có lý gì, thị trường Nhật Bản đã công nhận mà người tiêu dùng nội địa lại quay lưng với vải thiều", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh thị trường trong nước không ảnh hưởng tới quá trình xuất khẩu vải thiều. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, bán ở đâu cũng là bán, cũng giúp người nông dân có lợi nhuận. "Nếu nội địa bán được nhiều, giá xuất khẩu có thể tăng vì lượng cung giảm", ông phân tích.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chiều 31/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chiều 31/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Bí thư Bắc Giang: Không hạ giá vải thiều xuất khẩu

Những giải pháp đề ra ở trên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mới dừng ở mức ngắn hạn. Trong dài hạn, ông khuyến cáo các tỉnh, thành phố giải quyết dứt điểm vấn đề số một của thị trường hiện nay là "biến động, phức tạp, mơ hồ, và bất định".

"Muốn giải bài toán lớn, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc tập trung phát triển hợp tác xã. Nếu làm được, chúng ta sẽ tránh được những vấn đề như cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời giải quyết được các vấn đề về logistics, cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến, thậm chí quảng bá hình ảnh", Bộ trưởng cho biết.

Tập trung sản xuất trong hợp tác xã vốn đã xuất hiện ở nhiều chương trình nông nghiệp khác, chẳng hạn cánh đồng lớn gieo cấy lúa... và đã phát huy hiệu quả tại nhiều vùng, miền. Vải thiều Lục Ngạn có thể làm được điều ấy, nếu có sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật. Tất cả sẽ tạo thành một chuỗi liên kết, nâng cao giá trị hợp tác xã.

"Chúng ta phải ghi nhớ, làm gì cũng nghĩ tới hợp tác xã. Chỉ hợp tác xã mới có thể tập trung nguồn lực từ người dân. Nếu làm tốt, đó chính là những kênh hiệu quả giúp doanh nghiệp tìm đến. Trong thời buổi công nghệ 4.0, chính mỗi hợp tác xã sẽ là một hạt nhân chuyển đổi số", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Ông cũng đề nghị, UBND tỉnh Bắc Giang có những chính sách khuyến khích phù hợp để phát huy vai trò hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Ảnh: Bảo Thắng.

Ghi nhận những ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái quán triệt bỏ chuyện "giải cứu nông sản". Ông cũng cam kết, không hạ giá quả vải xuất khẩu để đảm bảo cuộc sống cho bà con nông dân.

Về vấn đề tiêu thụ khi vải thiều sắp vào chính vụ, ông Dương Văn Thái thừa nhận khó khăn trong quá trình vận chuyển. Ông đề ra giải pháp, cấp giấy thông hành cho những chuyến xe chở vải thiều qua các chốt kiểm dịch, giảm thời gian kiểm tra Covid-19.

“Nếu được chứng nhận an toàn, từ quá trình sản xuất, thu hoạch đến đóng gói, lái xe có xét nghiệm âm tính, quả vải nên được tạo điều kiện đi khắp cả nước. Quả vải không hề truyền bệnh và nếu được, nên được tạo một luồng xanh di chuyển", Bí thư Dương Văn Thái nói.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết thêm, rằng lái xe chở vải thiều tiêu thụ trong miền Nam chủ yếu là người Bình Định, Quảng Ngãi. Do đó, họ có nguy cơ chịu cách ly 14-21 ngày nếu đi qua các vùng có dịch Covid-19.

Giải pháp ông Tấn đưa ra cho vấn đề này, là Bắc Giang lập những trạm nghỉ cho các tài xế đổi lái cho người của tỉnh. Những trạm nghỉ này sẽ đặt ở các cửa ngỏ vào địa bàn tỉnh, theo hướng đi từ Hà Nội. Nếu liên kết được với các hiệp hội vận tải, nó sẽ đẩy nhanh quá trình vận chuyển vải thiều và giảm được rủi ro cho lái xe.

                                                                                                                         Th.s Nguyễn Thị Tuyết Nhung