Thay vì trồng chuối theo phương pháp truyền thống, anh Phạm Năng Thành đã mày mò, tìm kiếm cây giống từ nuôi cấy mô để tăng năng suất cây trồng. Cây chuối cấy mô cho năng suất cao. Thu hoạch đồng loạt cho giá trị kinh tế hàng tỉ đồng.
Chuối nuôi cấy mô cho năng suất cao hơn 20–30%
Nhờ trồng chuối nuôi cấy mô anh Thành xây được nhà lầu, sắm xe hơi và có cơ ngơi mà nhiều người mơ ước. Hiện sản phẩm từ chuối cấy mô đang trên đường “xuất ngoại” và thị trương trong nước cũng hào hứng đón nhận.
Anh Phạm Năng Thành (SN 1979, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) được biết đến là người trồng chuối thành công nhất tỉnh Hưng Yên. Trước khi có được cơ ngơi của một “ông vua” chuối tiêu hồng như hiện tại anh đã có một quãng thời gian dài bươn trải kiếm sống trên thành phố. Anh từng làm xe ôm rồi làm phụ hồ cho các công trường xây dựng. Năm 2003, anh trở về quê với quyết tâm làm giàu trên chính thửa ruộng của mình.
Năm 2006, khi được biết Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai mô hình trồng thử nghiệm chuối tiêu hồng bằng công nghệ nuôi cấy mô tại vùng đất bãi Khoái Châu cho kết quả rất tốt, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với các cây trồng khác, anh Thành từng bước lân la tìm hiểu mô hình trên và tập trung vào đầu tư, áp dụng kỹ thuật trồng chuối tiêu hồng, chuối tây từ cây giống cấy mô.
Các nghiên cứu và mô hình thực nghiệm cho thấy, với giống chuối tiêu hồng được nhân bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, trong điều kiện trồng thâm canh, giống bắt đầu trổ bói sau trồng 8 tháng và cho thu hoạch sau trồng từ 13-15 tháng. Từ thực tế áp dụng anh Thành cũng thấy rằng, chuối cấy mô cho năng suất cao hơn 20-30% so với chuối trồng bằng cây con lấy từ gốc cây mẹ.
Theo TS Trần Ngọc Hùng - Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu rau quả: “Sở dĩ giống cây tạo từ công nghệ nuôi cấy mô cho năng suất cao vì ngay từ khi tạo ra số lượng cây đồng đều và trải qua quá trình sàng lọc cây mẹ rất kỹ nên sức đề kháng với các loại bệnh tốt hơn, hình thức quả cũng đẹp hơn”.
Nói về kỹ thuật này, anh Thành cho biết, cây chuối khi mới đem về cao khoảng 5–10cm, trong năm đầu cây giống được tách từ cây mẹ, sau khi tách cây mẹ tiến hành gọt sạch hết rễ, sau 3-4 ngày đem trồng, bón lót vôi bột và lân đơn trong hố. Cứ khoảng 2 tháng cho bón lót một lần, kết hợp tưới nước đều đặn, thường xuyên cắt ngắn cây con, lá khô, cỏ dại, tuyệt đối không được bón các loại phân động vật. Khi buồng chuối ra hết nải nên ngắt hoa chuối, chọn thời tiết khô không mưa, gò buồng tạo vuông góc, chằng dây chống bão, trùm bao nylon nếu chuối trổ hoa vào tháng 9-10-11 âm lịch.
Để nâng cao hơn nữa năng suất cây chuối, anh Thành bắt đầu sản xuất chuối theo hướng VietGap từ cuối năm 2014. Đầu tư công nghệ nước tưới tự động, giàn phun mưa, nước được lấy từ độ sâu 40m không nhiễm chì, nhiễm sắt. Hệ thống này giúp giảm lượng phân bón, giảm công lao động mà hiệu quả lại cao. Trung bình 3 đến 4 ngày hệ thống tưới nước tự động lại được bật lên một lần. Khu xưởng sơ chế đóng gói chuối xuất khẩu với hệ thống xử lý bảo quản sơ chế hiện đại, những thùng chuối xếp đều và đẹp mắt. Đầu năm 2015, anh được cấp giấy chứng nhận sản xuất 30 hécta trồng chuối theo hướng VietGap, với 1.500 tấn chuối/năm.
Anh Thành chia sẻ: Ưu thế của giống chuối từ nuôi cấy mô đó là sạch bệnh, sinh trưởng khỏe, có thể trồng trên diện tích lớn, yêu cầu kỹ thuật chăm bón phải tốt, nếu không chăm bón đúng kỹ thuật, năng suất chuối cấy mô cũng chỉ bằng chuối trồng bằng cây con.
Nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Văn Đạt – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu - cho biết: “Với nhiều người dân ở Khoái Châu, cây chuối tiêu hồng mở ra hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo. Đây là giống cho năng suất cao, sinh trưởng khỏe, đạt 40-45 tấn/ha. Trung bình mỗi năm 1 sào chuối bỏ vốn và công chăm sóc hết khoảng 1,5 triệu đồng, thu về 15 đến 20 triệu đồng. Cần đẩy mạnh hơn nữa khâu sơ chế đóng gói và khai thác tốt thị trường nước ngoài”.
Hiện mô hình trồng chuối của vợ chồng anh Thành đang tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động, với mức lương 5–6 triệu đồng/tháng mỗi người. Tới đây, anh Thành đang hướng tới trang trại sản xuất giống cấy mô. Anh sẵn sàng tư vấn kỹ thuật miễn phí và nhận bao tiêu chuối cho tất cả các hộ dân tại địa phương. Để chủ động kiểm soát kỹ thuật - đặc biệt là tránh dính tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khi chuối bắt đầu trổ buồng, anh Thành “mua non” toàn bộ diện tích nếu hộ dân nào có nhu cầu bằng cách ứng trước 30% giá trị.
Nhìn thấy lợi nhuận cao từ việc trồng chuối từ nuôi cấy mô, hơn nữa nhu cầu của người dân ngày càng nhiều, anh Thành đã đăng ký hộ kinh doanh cá thể, tiến tới thành lập doanh nghiệp chuối 3T (Thuận Tâm Thành). Hiện nay, thương hiệu chuối 3T đã không còn xa lạ với người dân Hưng Yên, hầu hết các tỉnh miền Bắc đều nhập chuối của anh Thành. Không dừng lại ở việc cung cấp chuối cho thị trường nội địa mà anh Thành đang hướng tới xây dựng một thị trường lớn ở “trời tây”. Tự tin vào đầu ra, anh cho xuất khoảng 20 tấn chuối mỗi ngày - chủ yếu là các đối tác Nga, Malaysia, Hàn Quốc, các khối nước Arập...
Với dự định từng bước hình thành vùng sản xuất chuối tập trung quy mô lớn, quy trình sản xuất, công nghệ thu hoạch và đóng gói ngang tầm với các tập đoàn sản xuất chuối lớn trên thế giới..., tới đây anh Thành sẽ thành lập dự án để trình lên UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt thầu quỹ đất giúp ổn định đầu tư công nghệ lên tới hàng trăm hécta. Bộ KH&CN, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt cho thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chuối tiêu hồng Khoái Châu” với tổng kinh phí thực hiện 953,6 triệu đồng.
Mô hình này được nhiều tổ chức, hội viên nông dân ở các địa phương trong tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi và mạnh dạn áp dụng những công nghệ mới, anh Nguyễn Năng Thành đã có được những “trái ngọt” nhờ khoa học kỹ thuật.
Tác giả bài viết: Loan Lê
Nguồn tin: khoahocphattrien.vn
Viết bình luận