Việc trồng cây măng cụt trổ trái nghịch mùa theo ý muốn đã giúp một nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đó là trường hợp của ông Phan Ngọc Thành (49 tuổi) ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. An Lạc Thôn nổi tiếng về cây ăn trái, trong đó măng cụt là đặc sản ở miệt vườn này. Tuy nhiên, việc khiến măng cụt cho trái theo ý muốn người trồng là điều chưa ai làm được. Ông Thành tâm sự: “Gần 21 năm về trước, khi mới lập gia đình, được cha mẹ hai bên chia vài công ruộng để khởi nghiệp, nhưng những năm đầu cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thu nhập từ trồng lúa rất thấp chỉ đủ ăn qua ngày, do đê bao chưa khép kín nên trồng lúa thất bát triền miên”.
Ông Thành chăm sóc vườn măng cụt cho trái nghịch mùa. |
Quyết tâm đổi đời, ông Thành vay 10 triệu đồng từ ngân hàng để tự làm đê bao khép kín. Ông cũng mạnh dạn chuyển đất trồng lúa sang đất vườn để trồng nhiều loại cây ăn trái như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... Tiết kiệm để tích lũy dần, đến năm 2000, ông bỏ tiền mua 7 công đất đầu tư trồng thêm mận đá và cam sành. Hai năm sau, ông mua thêm 14 công đất để trồng chôm chôm.
Nhờ có kinh nghiệm sản xuất nên trong nhiều năm liền, diện tích trồng cây ăn trái nhà ông Thành đều cho năng suất cao. Bình quân thu nhập từ các mô hình trồng mận, măng cụt, chôm chôm trên 400 triệu đồng/năm, tính trừ các khoản chi phí còn lãi trên 250 triệu đồng. Ông Thành cho biết phần lớn nguồn lãi trên chủ yếu thu từ trồng măng cụt trái vụ. Măng cụt là loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Vì thế, vào năm 2009 ông quyết định bỏ hết những cây tạp để trồng măng cụt.
Theo ông Thành, trái măng cụt có giá trị và người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, để măng cụt không bị sượng là điều khó nhất đối với nhà vườn. Muốn làm được điều này, theo kinh nghiệm của ông, cách tốt nhất là phải thu hoạch trái trước mùa mưa bằng cách ứng dụng quy trình xử lý ra hoa sớm. Muốn như thế, trước hết phải cho cây ra đọt non sớm và đồng loạt. Để cho mùa sau ra trái sớm và chất lượng cao, sau thu hoạch cần bón phân hợp lý, tỉa bỏ cành, tạo tán để giúp cây ra lá non sớm hơn.
Nhờ trồng măng cụt ra trái vụ đạt hiệu quả cao, từ 10.000 m2 trồng măng cụt, mỗi vụ ông thu khoảng 5 tấn trái, được thương lái thu mua với giá thấp nhất là 60.000 đồng/kg, có lúc lên đến 100.000 đồng/kg. Ông Thành chia sẻ thêm rằng để đạt hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng măng cụt còn cần tham quan. Ngoài ra, cần học hỏi những mô hình làm vườn trong vùng, thường xuyên tiếp cận với những kỹ thuật làm vườn mới để có thêm kiến thức.
Bên cạnh việc nâng cao thu nhập từ mô hình trồng cây ăn trái, gia đình ông Thành còn trồng hơn 3.000 m2 thanh long ruột đỏ, một loại quả vừa mới bén duyên ở vùng đất An Lạc Thôn, hứa hẹn sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao. Nhờ đạt được những thành quả trên nên năm 2010, ông là một trong 4 đại biểu của tỉnh Sóc Trăng được vinh dự ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương đại biểu nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc.
Viết bình luận