Đào chắn rễ, ngừng tưới và để lá chuyển khô, sau đó thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình. Đây là cách mà nông dân Nghệ An thúc chanh ra quả sai trĩu.
Người dân Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đang vào chính vụ thu hoạch chanh quả. Ảnh: T.P
Những ngày này, trên các vườn đồi ở Lại Hái, Khe Hương, Khe Rày, Lèn Dơi, Hồ Thành… người dân các địa phương Thượng Tân Lộc, Khánh Sơn, Nam Kim (Nam Đàn) đang tất bật thu hoạch chanh chính vụ bán cho thương lái.
“Giá chanh tương đối cao so với các năm trước, hiện dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg. Nắng nóng, chanh dễ tiêu thụ và giá ổn định. Có những hộ thu về cả trăm triệu đồng/vụ từ chanh quả”, anh Trần Hoài Nam, một hộ trồng chanh ở Nam Kim cho biết.
Cây chanh gắn bó với người dân Nam Kim hơn nửa thế kỷ nay, trở thành cây trồng hàng hoá, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Hiện toàn xã có khoảng 300ha chanh, với khoảng 4.000 hộ trồng, hộ nhiều thì trồng cả ha, hộ ít cũng 1-2 sào.
Ông Võ Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Kim cho biết: “Cây chanh là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn ở Nam Kim. Giống chanh ở đây chủ yếu là chanh bản địa, bền cây và sinh trưởng tốt, năng suất cao. Ngoài ra, bà con còn có cách chăm sóc đặc biệt để chanh ra quả sai, mọng nước, thơm”.
Cách mà người dân Nam Kim áp dụng đó là kỹ thuật chắn rễ. Theo kinh nghiệm lâu năm từ nghề trồng chanh của người dân Nam Kim, để chanh đạt tỷ lệ ra lộc và trổ hoa, sai quả thì thời gian trước tiết lập Thu (dao động từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 dương lịch, tuỳ năm) khoảng 20 đến 25 ngày, sau khi thu hoạch hết quả, người dân sẽ xới đất làm cỏ theo vành tán cây, phơi đất.
Cắt tỉa bớt một số rễ cám nhằm hạn chế sự sinh trưởng của cây. Đến khi cây rụng lá thì bón phân, lấp đất, tưới nước đẫm để cây hồi sinh. Lúc này, cây nảy lộc, đâm chồi, sau đó sẽ ra hoa.
Có thâm niên trồng chanh gần 25 năm với hơn 300 gốc chanh trên đất vườn đồi, bà Nguyễn Thị Hoa (xóm 2, xã Hưng Yên Bắc, Hưng Nguyên) cho biết: “Được mùa hay mất mùa thì tuỳ thuộc nhiều yếu tố, như: chất lượng giống, quy trình chăm sóc và thời tiết. Song, để chanh sai quả thì nông dân phải nắm chắc kỹ thuật trồng chanh. Trong đó, kỹ thuật hãm thuỷ rất quan trọng".
Theo bà Hoa chia sẻ thì sau khi thu hoạch lứa chanh chính vụ, để vụ kế tiếp chanh sai quả thì phải tỉa cành, tạo độ thông thoáng cho cây.
Đặc biệt là phải đào sâu thành vòng quanh gốc, phơi đất và dùng thuổng chắn bớt rễ. Thời gian này (khoảng 12-15 ngày), các chủ vườn phải ngừng hẳn việc tưới nước, bón phân cho cây. Nếu trời mưa, phải lấy nilon che phần gốc, không cho nước chảy vào.
Khi áp dụng biện pháp này, mặt đất sẽ khô, lá sẽ vàng và rụng rất nhiều. Lúc này cần tưới nước đẫm nước cho cây và bón thúc đầy đủ chất dinh dưỡng để cây chanh nảy lộc, đơm nụ.
“Giai đoạn này, cây chanh sẽ vàng lá, mép lá quăn, rụng và có dấu hiệu chết, dân gian gọi là “chết giả”. Kế “hãm thuỷ” giúp kích thích chanh sinh trưởng, sai hoa và tỷ lệ đậu quả cao”, bà Hoa chia sẻ.
Hầu hết chanh ăn quả ở Nghệ An là giống bản địa, mỏng vỏ, thơm nhưng đặc thù là chỉ ra quả 1 vụ (thu hoạch rộ từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm). Do rộ mùa nên giá chanh quả thường thấp, có thời điểm tồn đọng, khó tiêu thụ. “Cái khó ló cái khôn”, người dân đã tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để tác động lên cây chanh, ép cây chanh ra quả trái vụ.
Đó là khi chanh chính vụ đang nở hoa rộ, cuốc sâu 20-30cm xung quanh tán cây. Đồng thời ngừng tưới nước, tưới phân, hái bớt quả bằng tay hoặc phun Ethrel làm rụng bớt 50% trái chính vụ, sau đó lấp đất lại. Sau 7-10 ngày cây chanh sẽ trút 40-50% lá non, lộc non và lá bánh tẻ.
Sau đó, tiếp tục cuốc rãnh sâu 10cm xung quanh tán, bón mỗi gốc 1-2kg kali clorua (tùy tuổi cây), để đất khô trong vòng 1 tháng, tưới ẩm và chăm sóc bình thường. Khoảng 30 ngày sau cây chanh tiếp tục nảy lộc, ra hoa, ra quả vào tháng 6-7, cho thu quả vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
Nhờ áp dụng biện pháp này, chanh ra trái vụ đạt năng suất khá cao (bằng 50-60%) so với chanh chính vụ nhưng giá bán cao gấp 2-3 lần.
Nâng cao năng suất chanh trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân ở Nghệ An. Ảnh: T.P
“Chính vụ mỗi gốc chanh trong thời kỳ kinh doanh có thể cho 1 – 1,5 tạ quả thì chanh trái vụ chỉ cho năng suất 40-50kg. Song bù lại, nếu chanh chính vụ có giá 12.000-15.000 đồng/kg thì chanh trái vụ lại có giá 40.000 đồng, thậm chí 50.000 - 60.000 đồng/kg. Do đó, việc chăm sóc chanh để cho thu hoạch vụ trái cũng được nông dân chú trọng”, ông Hồ Đình Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn (Nam Đàn) cho biết.