Cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả, bất ngờ thu lãi cao

 Trồng keo lai cho thu nhập không cao, lão nông Quảng Nam mạnh dạn chuyển sang làm vườn cây ăn quả, bất ngờ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Quả ngọt nhờ mạnh dạn thay đổi

Đưa khách đi thăm vườn cam giấy 400 gốc của gia đình, ông Nguyễn Thành Nhân (xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) tự hào khoe đây là quả ngọt của việc "làm liều", chuyển đổi từ cây keo lai sang trồng cam giấy của gia đình ông nhiều năm trước.

Cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả, bất ngờ thu lãi cao - 1
Lão nông Nguyễn Thành Nhân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng keo lai sang trồng cam giấy, cho thu nhập ổn định (Ảnh: Ngô Linh).

Ban đầu ông Nhân gặp nhiều khó khăn khi trồng cam giấy do chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn. Để chuyển đổi đất trồng keo lai qua trồng cam, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiên Phước gần 100 triệu đồng.

Có vốn, ông Nhân và gia đình bắt tay khai phá, cải tạo đất, mua cây giống, phân bón và lắp đặt hệ thống nước tưới tiêu cho khu vườn. Giai đoạn đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật canh tác nên vườn cam của gia đình phát triển kém, một số cây bị mắc bệnh và chết, buộc phải trồng lại.

Cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả, bất ngờ thu lãi cao - 2
Vườn cam giấy 400 gốc của gia đình đang cho thu hoạch. Vụ cam giấy Tiên Hà thường bắt đầu từ đầu tháng 8 âm lịch đến cuối tháng 9 âm lịch (Ảnh: Ngô Linh).

Không nản lòng, ông Nhân tự mày mò tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam giấy trên sách báo, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những nhà vườn trồng cam trong và ngoài địa phương.

Nhờ đó, vườn cam của gia đình ngày càng phát triển, hạn chế được sâu bệnh, năng suất, sản lượng tăng dần theo từng năm. Bốn trăm gốc cam vườn nhà cho năng suất khoảng 7-8 tấn/vụ.

Hiện tại, cam của gia đình ông Nguyễn Thành Nhân được tiêu thụ trong tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Với mức giá khoảng 15.000 đồng/kg, vụ cam năm nay, vườn cam cho lợi nhuận ước tính hơn 100 triệu đồng.

"Chúng tôi hạn chế thấp nhất chất hóa học, chủ yếu sử dụng phân vi sinh, hữu cơ và các loại bẫy thủ công để diệt côn trùng gây hại. Việc tôi trăn trở nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ cam giấy Tiên Hà còn hạn chế. Cam giấy Hà Tiên chưa được biết đến rộng rãi, nhiều lúc còn bị nhầm lẫn với các loại cam nơi khác nên giá cả còn bấp bênh", ông Nhân chia sẻ thêm.

Thấy được hiệu quả từ việc trồng cam, ông Nhân mạnh dạn tiếp tục vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân để thực hiện Đề án 03 của huyện Tiên Phước về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại thêm 50 triệu đồng.

Theo đó, gia đình đã trồng mới 800 cây chanh, 300 cây ổi, 50 cây bưởi và đầu tư nuôi 3 con bò, một con trâu để lấy phân bón cho cây trồng.

Cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả, bất ngờ thu lãi cao - 3
400 gốc cam của gia đình cho năng suất khoảng 7-8 tấn cam/vụ (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch Hội nông dân xã Tiên Hà nhận định, cây cam giấy rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tiên Hà. Cam trồng ở đây ra quả to, mọng nước, đẹp nên thương lái rất thích.

"Ông Nhân là một trong những hộ trồng cam tiêu biểu và có hiệu quả cao của xã Tiên Hà. Trong thời gian tới, chúng tôi vận động bà con nông dân đến tham quan, học hỏi mở rộng diện tích trồng cam giấy để tăng thu nhập", ông Phong nói.

Nâng giá trị cho cam giấy Tiên Hà

Được biết, cam giấy Tiên Hà là loại cây bản địa lâu đời nhưng có thời gian bị bỏ bê, mất năng suất, chất lượng. Từ năm 2015, người dân bắt đầu nhân giống cam giấy bằng cách chiết cành từ những gốc cây bản địa già cỗi còn lại.

Cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả, bất ngờ thu lãi cao - 4
Ông Nhân sử dụng phương pháp bẫy để tiêu diệt sâu bọ gây hại (Ảnh: Ngô Linh).

Qua gần 7 năm thực hiện, việc khôi phục và phát triển cây cam giấy Tiên Hà đã đem lại hiệu quả thiết thực. Từ việc trồng tự phát với diện tích nhỏ, manh mún, đến nay địa phương đã quy hoạch thành vùng cây ăn quả tập trung, liên vùng theo nhóm hộ.

Diện tích trồng cam hiện nay trên 20ha, trong đó thôn Tiên Tráng chiếm trên 15ha, diện tích đã cho thu hoạch khoảng 10ha. Bình quân sản lượng quả đạt 20-25 tấn/ha, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 lần sản xuất lúa và các loại hoa màu khác, gấp 10 lần sản xuất keo nguyên liệu.

Cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả, bất ngờ thu lãi cao - 5
Vườn cam giấy của gia đình ông Nguyễn Thành Nhân là mô hình "điểm" tại địa phương (Ảnh: Ngô Linh).

Một số hộ như nhà ông Phan Văn Hội, Phan Văn Tam, Nguyễn Thành Nhân có thu nhập hàng năm 50-100 triệu đồng từ cây cam giấy, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.

Cuối năm 2019, cam giấy Tiên Hà đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh và sản phẩm cam giấy Tiên Hà sấy dẻo đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh năm 2020.

Tuy nhiên, các mô hình làm kinh tế hiệu quả vẫn chưa nhiều, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn áp lực về giá cả, đầu ra, chưa kết nối theo chuỗi sản phẩm.

Cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả, bất ngờ thu lãi cao - 6
Theo ông Nhân, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên cây cam cho quả tương đối sai, da mỏng, mọng nước. Nông dân ở đây đang vào vụ thu hoạch cam giấy (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch xã Tiên Hà cho biết, trong thời gian tới, xã định hướng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Chuyển đổi một số chân ruộng một vụ, thiếu nước, đất bồi ven sông thành vườn trồng cây ăn quả, mở rộng vùng sản xuất cam giấy.

Đối với diện tích cam hiện đang phát triển tốt, chính quyền hướng dẫn người dân đầu tư, thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng.

Hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nhằm ít ảnh hưởng môi trường, đảm bảo chất lượng quả cam.

Vận động nông dân liên kết với hợp tác xã để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả, bất ngờ thu lãi cao - 7
Cây cam giấy rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tiên Hà. Cam trồng ở đây ra quả to, mọng nước, đẹp nên được thị trường ưa thích (Ảnh: Ngô Linh).

 

Viết bình luận