Để tạo ra vườn dừa xiêm lùn da xanh, ông Nguyễn Văn Dậu (SN 1956, trú xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) “chôn” hàng trăm triệu đồng dưới vùng cát ven biển.
Sau 3 năm trồng trọt, trong số 130 cây dừa xiêm lùn da xanh nằm sát biển của gia đình ông Nguyễn Văn Dậu đã có hơn 70% cây cho quả.
Ông Dậu cho biết: “Hiện nay, tôi đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để xây dựng vườn dừa, lượng trái chỉ mới đạt mỗi tháng khoảng từ 10-20trái/buồng. Trong 1- 2 năm tới, việc cho trái mới thật sự ổn định với dự kiến từ 150-200 trái/cây/năm”.
Theo ông Dậu, dừa xiêm lùn da xanh được mua giống từ miền Nam với giá 30.000 đồng/cây. Hiện tại, vườn dừa ông có khoảng 400 trái đang chờ ngày thu hoạch.
“Trước khi trồng, tôi tiến hành đào hố, không cho rễ tạp ăn chất dinh dưỡng của cây. Năm đầu phải liên tục đào bới, vì nếu để rễ tạp nhiều khi đưa phân xuống thì nó sẽ hút hết. Hố càng rộng càng tốt vì diện tích đào bới rộng sẽ loại trừ rễ tạp càng nhiều. Dừa sống bền, nhưng phát triển rất chậm vì vậy trồng bằng phương thức thâm canh thì chế độ dinh dưỡng bón phân, nước tưới…. phải đầy đủ, điều độ”- ông Dậu chia sẻ.
Theo ông Dậu, khi trồng dừa xong không nên bỏ phân bón rễ ngay lập tức. Vì lúc đó, cây dại nằm dưới lòng đất vẫn tồn tại và chờ thời gian thích hợp để phát triển.
Ông Dậu cho rằng: “Không nên vội vàng bỏ phân sớm mà dùng phân kích thích trên lá (phun trực tiếp trên lá). Cho ăn trên lá chứ không cho ăn dưới rễ. Để thời gian khoảng 3 tháng sau khi trồng, cây dừa bắt đầu ra rễ thì mình bỏ phân là hợp lý”.
Bón phân chủ lực cho dừa là phân chuồng, lân, ka li và phân kích thích theo chu kỳ 3 tháng/ lần. Dùng nước ngọt để tưới dừa, loại cây này không cần tưới nổi nước mà chỉ yêu cầu tưới giữ ẩm.
Trong năm trồng đầu tiên, gió biển thổi mạnh vào thì nồng độ muối lớn nên lá bị cháy, héo. Phải dùng nước ngọt để rửa cho cây phát triển tốt.
Sau 5 năm cày, xới trên diện tích 1 ha cát trắng nằm sát biển, giờ đây ông Lê Xuân Bá (SN 1957) đã tạo ra vườn dừa xiêm lùn da xanh trĩu quả.
Để chuẩn bị xuống giống, ông Bá tiến hành khoan 4 giếng nước ngọt. Sau đó đào hố trồng dừa, mỗi hố trồng cách nhau khoảng 6 m và có đường kính 1m, sâu 80cm.
“Vườn dừa 150 cây của tôi cho trái và bán ra thị trường từ năm ngoái. Thương lái đến tận vườn mua nhưng không có hàng mà bán. Vừa rồi, tôi mới bán được 300 trái/ lượt với giá chỉ 8.000 đồng thu về số tiền kha khá. Đến năm tới, tôi ước lượng mỗi tháng bán ra ít nhất cũng 1.000 trái. 3 năm sau tôi sẽ trồng xen tiêu để tạo cảnh quan vườn dừa thật đẹp và hiệu quả. Có 4 khâu chính: nước, phân, thuốc và công chăm sóc của người trồng… đáp ứng đầy đủ thì cây sẽ cho trái đều đặn”- ông Bá chia sẻ.
Người trồng phải cúi thấp… để hái dừa.
Viết bình luận