Trước thực trạng dịch bệnh đang gây hại trên cây ăn trái và có diễn biến khá phức tạp tại một số địa phương khu vực phía Nam khiến nhà vườn phải đốn bỏ hàng loạt diện tích cây trồng, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Huân - Phó Cục trưởng Cục BVTV về vấn đề này.
Nhận định của ông về diễn biến tình hình dịch bệnh trên cây ăn trái trong thời gian gần đây?
Thực tế về diễn biến dịch bệnh trên các loại cây ăn trái luôn biến đổi theo từng mùa vụ, đặc biệt đối với những cây lâu năm. Còn khi có những vấn đề mới phát sinh trong sản xuất, hệ thống BVTV cần phải tiến hành lấy mẫu để phối hợp cùng các cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu những tác nhân gây dịch bệnh mới giải quyết hiệu quả. Thực trạng ruồi vàng mới phát sinh nhiều gây hại trên các loại cây ăn trái trong đó có sầu riêng ở vùng Đồng Nai, Chi cục BVTV tỉnh này mới xuống khảo sát thực tế để ghi nhận bước đầu diễn biến chứ cũng chưa thể khẳng định được chính xác có phải do ruồi gây hại hay không? Bởi vì ở khu vực phía Nam hiện nay có hai loại ruồi vàng phổ biến nhất là B.dorsalis và B.correcta, gây hại cho tất cả các loại cây trồng có trái chín ngọt. Loại ruồi này thường phát tán nhiều nhất khi đến giai đoạn chuyển mùa giữa mùa khô sang mùa mưa. Nạn ruồi vừa qua ở Đồng Nai rơi vào đúng thời điểm đầu mùa mưa nên mật độ ruồi cao hơn bình thường cũng dễ hiểu.
Vậy cần phải áp dụng biện pháp diệt ruồi như thế nào hiệu quả nhất?
Bà con nên sử dụng bẫy, đặt chất dẫn dụ bằng chế phẩm Sofri-Protein sẽ diệt được cả ruồi đực và cái hiệu quả. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế hỗ trợ, còn quan trọng nhất vẫn là ý thức canh tác của nhà vườn và nên kết hợp bằng nhiều biện pháp phòng trị khác nữa.
Thực tế nhiều vùng cây ăn trái hiện nay nhà vườn chỉ mải mê ép, xiết cây để tăng năng suất, sản lượng khiến cho cây trồng bị suy kiệt khả năng tái sinh, suy yếu dần rồi chết.
Theo ông những nguyên nhân nào khiến cho các vùng cây ăn trái phía Nam bị nhiễm bệnh chết hàng loạt như vậy?
Ngoài những nguyên nhân khách quan do thời tiết khí hậu hay điều kiện đất đai vùng miền khác nhau thì việc quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái hiện vẫn còn chưa rõ ràng và chưa áp dụng triệt để quy trình sản xuất GAP. Hơn nữa hệ thống KN cấp cơ sở cũng còn phân bổ chưa đồng bộ khiến việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật hay phương pháp phòng trị bệnh cho cây trái không được kịp thời…
Ông đánh giá thế nào về trình độ canh tác và ý thức của nhà vườn hiện nay?
Đúng là trình độ canh tác của nhà vườn ở các địa phương còn chưa đồng đều, việc tiếp thu chuyển giao KHKT còn rất hạn chế. Nhất là ý thức dọn vệ sinh vườn của người dân nhiều nơi còn yếu kém nên rất dễ phát sinh dịch bệnh cho cây trồng.
Còn các mô hình GAP của các địa phương, thưa ông?
Có khá nhiều mô hình hiện đang được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực là sản phẩm hàng trái xuất khẩu đạt giá trị cao, được bạn hàng quốc tế chấp nhận. Tuy nhiên, ngoài việc Nhà nước quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ tổ chức tập huấn khuyến nông thì các DN cũng cần phải tham gia đầu tư xây dựng mô hình sản xuất mới tạo ra vùng nguyên liệu hàng hoá phục vụ xuất khẩu, chứ không chỉ “ăn xổi ở thì” như hiện nay.
Ông có những khuyến cáo gì cho các nhà vườn đang đối mặt với thực trạng cây nhiễm bệnh, phải đốn bỏ hàng loạt diện tích cây ăn trái?
Trước thực trạng dịch bệnh đang xảy ra tại nhiều vùng cây ăn trái, nhà vườn cần phải bình tĩnh xử lý sâu bệnh hại, không nên quá vội vàng quyết định đốn bỏ vườn cây bệnh. Khi phát hiện cây có biểu hiện bệnh thì phải báo sớm cho ngành chức năng, cán bộ kỹ thuật cấp xã, huyện để được tư vấn, hỗ trợ tìm nguyên nhân xử lý kịp thời.
Xin cám ơn ông!
Viết bình luận