Cặp vợ chồng dị tính Tiền Giang trồng mãng cầu xiêm lưỡng tính, hái hàng tấn trái, bán rẻ cũng thu 50 triệu/tháng

Cặp vợ chồng dị tính Tiền Giang trồng mãng cầu xiêm lưỡng tính, hái hàng tấn trái, bán rẻ cũng thu 50 triệu/tháng

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) đã tìm ra nhiều giống cây phù hợp để thay thế các diện tích khóm, khoai mỡ đã già cỗi, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Trong số cây trồng đó có mô hình trồng mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính.

Mảng cầu xiêm Thái lưỡng tính là một trong những loại cây trồng chịu hạn tốt, thích nghi với vùng đất nhiễm phèn và cho lợi nhuận kinh tế cao. Nhờ mô hình trồng mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính mà gia đình anh Nguyễn Văn Đại, ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Cặp vợ chồng dị tính Tiền Giang trồng mãng cầu xiêm lưỡng tính, hái hàng tấn trái, bán rẻ cũng thu 50 triệu/tháng - Ảnh 1.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đại, ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) thu hoạch mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính.

Trước đây, vợ chồng anh Đại là thương lái chuyên thu mua sầu riêng, bản thân anh cũng chưa có kinh nghiệm đối với loại cây trồng này. 

Tuy nhiên, trong quá trình thu mua nông sản, anh Đại nhận thấy đầu ra trái mãng cầu Xiêm thường ổn định hơn các loại cây trồng khác. 

Mãng cầu xiêm Thái cũng là loại cây tương đối dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Năm 2019, vợ chồng anh Đại sang nhượng lại 5.600m2 đất trồng cây khoai mỡ của một hộ dân rồi trồng thử 500 gốc mãng cầu xiêm Thái trên nền đất khoai mỡ sẵn có. Ngoài ra, anh còn đắp mô trồng thử hơn 110 gốc sầu riêng.

Giống mãng cầu anh Đại trồng là mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính và áp dụng kỹ thuật trồng bằng hạt. Sau 18 tháng chăm sóc, vườn mãng cầu bắt đầu cho trái với năng suất tăng dần. 

Điều đáng nói là ngay trong đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, có hơn 4 tháng vườn mãng cầu bị bỏ hoang, trong khi cây sầu riêng chết gần hết thì cây mãng cầu xiêm Thái vẫn phát triển tốt và phục hồi nhanh khi được vợ chồng anh Đại chăm sóc, bón phân trở lại với kết quả vượt trên sự mong đợi.

Anh Đại chia sẻ: "Khoảng thời gian 4 - 5 tháng vườn mãng cầu xiêm không được chăm sóc do gia đình tôi phải thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thời gian này cây vẫn phát triển tương đối tốt...".

Theo anh Đại, do giống mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính nên không cần thụ phấn hay xử lý gì cả mà cây vẫn đậu trái rất nhiều. Khi tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn, anh bắt đầu chăm sóc vườn mãng cầu lại nhưng cũng không tốn chi phí quá nhiều. 

"Lúc trái mãng cầu xiêm còn nhỏ chỉ bón khoảng 3 lần phân/tháng, nhưng lượng phân rất ít; chủ yếu chỉ tập trung xử lý sâu tơ", anh Đại tiết lộ.

Hiện tại, vườn mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính của anh Đại đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch rộ. Chỉ với diện tích 5.600m2, tương ứng với hơn 500 gốc mãng cầu xiêm Thái, trung bình mỗi tháng cho thu hoạch hơn 6 tấn trái. 

So với các loại cây trồng khác, đầu ra của trái mãng cầu xiêm Thái khá ổn định, đặc biệt vào dịp lễ, Tết, thương lái đến tận vườn thu mua với giá mãng cầu xiêm là hơn 30.000 đồng/kg. Hiện tại, tuy giá mãng cầu xiêm đang ở mức thấp (từ 10.000 - 12.000 đồng/kg), nhưng vườn mãng cầu của anh Đại cũng cầm chắc mức lãi 50 triệu đồng/tháng.

Anh Bùi Kế Bính, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Thế mạnh của xã Tân Hòa Đông là cây khóm và khoai mỡ. Nhưng do nhiều diện tích đất trồng bị lão hóa, không còn nhiều phù sa như xưa. Từ đó xã có kế hoạch chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp, trong đó có mô hình trồng mãng cầu xiêm của anh Đại....".

Theo anh Bùi Kế Bính, có thể thấy rõ, mặt dù trong thời gian giãn cách xã hội anh Đại không thể vào chăm sóc vườn mãng cầu xiêm. Tuy nhiên hơn 4 tháng sau khi anh Đại bắt đầu cải tạo lại vườn thì thời gian phục hồi và phát triển của cây rất nhanh, khả năng chịu hạn của cây mãng cầu rất tốt...

Hiệu quả bước đầu tư cây mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính cho thấy đây là loại cây trồng thích nghi tốt với vùng đất phèn Tân Phước. Mô hình không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương, mà còn mở ra thêm sự lựa chọn để chuyển đổi cho những diện tích khóm, khoai mỡ già cỗi, sản xuất kém hiệu quả của xã Tân Hòa Đông nói riêng, huyện Tân Phước nói chung.

Viết bình luận