Cây Chà Là - Kỹ thuật trồng và cách chăm sóc giúp sinh trưởng tốt
Cây Chà Là là loại cây có giá trị kinh tế cao, đồng thời quả Chà Là được đánh giá là có vô vàn lợi ích đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên không nhiều người nắm được kỹ thuật trồng cây cũng như cách chăm sóc tốt nhất
Cây Chà Là là cây gì?
Cây Chà Là có tên khoa học là Phoenix Dactylifera, thuộc họ nhà Cau. Đây là loài cây có nguồn gốc từ châu Phi, cụ thể là ở Bắc Phi, sau này được trồng và phát triển rộng rãi tại Hy Lạp và các nước thuộc châu Âu. Ngày nay mặt hàng Chà Là đã phổ biến trên khắp thế giới, chủ yếu là xuất nhập khẩu quả của cây.
Hình ảnh cây Chà Là
Cây Chà Là có chiều cao trung bình từ vài mét cho đến 20-30m tùy thuộc vào mục đích được trồng để làm cảnh hay để lấy trái. Lá của cây trông như lá cây cọ hoặc cây dứa, dài khoảng 1-5m, mọc tua ra như lông chim. Hoa của cây Chà Là là loài lưỡng tính, có thể tự thụ phấn hoặc nhờ cậy yếu tố gió và côn trùng. Hoa có màu vàng tươi, mọc thành từng cụm với nhau và buông rủ xuống. Khi hoa tàn sẽ kết quả, quả Chà Là có màu nâu sẫm hoặc nâu đỏ, bên trong có hạt.
Thông thường, cây Chà Là sẽ nở hoa từ tháng 2 trở đi và sau đó một vài tháng sẽ cho ra quả. Tùy theo điều kiện chăm sóc và khí hậu khu vực mà người dân có thể thu hoạch được nhiều hay ít quả Chà Là để sử dụng.
Phân loại cây Chà Là hiện nay
Hiện nay trên thế giới đang trồng 3 loại cây Chà Là chính, gồm có: Zahadi, Degiec và Medjool. Ở nước ta hiện nay trồng chủ yếu giống cây Chà Là Medjool tại vùng Ninh Thuận, là nơi có khí hậu thổ nhưỡng khá phù hợp với sự phát triển của loài cây này. Tổng sản lượng quả Chà Là trên thế giới hiện nay là khoảng 2 triệu tấn mỗi năm, trung bình giá trị thu về không dưới 10 tỷ USD, do đó đây là loại quả có giá trị kinh tế cao được khuyến khích nuôi trồng. Tuy nhiên không phải đất nước nào cũng có khí hậu phù hợp để loại cây này có thể sinh trưởng thuận lợi.
Giống cây Chà Là Medjool đang được trồng ở Ninh Thuận
Công dụng của cây Chà Là trong đời sống
- Trong quả Chà Là có chứa hàm lượng nhất định glucose và fructose giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, phục vụ cho quá trình chuyển hóa các chất.
- Quả Chà Là chứa vitamin A và E giúp tăng cường thị lực, ngăn ngừa lão hóa trên da, khiến bạn trở nên trẻ trung hơn.
- Trong quả Chà Là cũng chứa hàm lượng chất xơ cao, giúp cho việc tiêu hóa thức ăn trở nên dễ dàng hơn, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh táo bón.
- Quả Chà Là được xem là loại thực phẩm có lợi đối với người mắc bệnh thiếu máu do trong quả có chứa sắt và lượng vitamin C cần cho sự sản sinh hồng cầu và tái tạo tế bào máu.
Kỹ thuật trồng cây Chà Là giúp cây phát triển tốt
1. Loại đất trồng
Cây Chà Là có thể phát triển được trên nhiều điều kiện đất khác nhau, kể cả đó là loại đất nghèo dinh dưỡng đi chăng nữa. Đặc biệt, loài cây này có khả năng chịu hạn mặn tốt cho nên có thể sinh tồn được trên đất ngập mặn có độ mặn cao.
2. Phương pháp trồng
Hiện nay người ta thường sử dụng hai phương pháp chính để trồng cây Chà Là, đó là phương pháp trồng bằng hạt hoặc nuôi cấy mô. Tuy nhiên phương pháp trồng bằng hạt giống được sử dụng rộng rãi hơn do phương pháp kia khá là phức tạp để thực hiện.
3. Kỹ thuật trồng cây Chà Là bằng hạt giống
- Ngâm hạt giống: Đem tất cả hạt giống vào ngâm trong chậu nước, loại bỏ những hạt nào nổi lên trên vì chúng sẽ không thể lên mầm. Ngâm liên tục trong một tuần và thay nước mỗi ngày một lần trước khi bắt đầu công đoạn kế tiếp.
- Ủ hạt: Vớt hết hạt giống sau khi ngâm, sau đó ủ chúng trong một cái khăn đã được làm ẩm với nước ấm khoảng 30-40 độ C. Gói lại một cách nhẹ nhàng rồi cho khăn bọc hạt giống vào trong túi nilon rồi buộc chặt lại. Ủ trong vòng 2-3 tuần, lưu ý thường xuyên thay khăn sau vài ngày.
- Trồng cây non: Những hạt giống sau khi kết thúc thời gian ủ sẽ bắt đầu nảy mầm. Khi này bạn có thể đặt hạt giống vào trong chậu cây đã chuẩn bị sẵn đất trồng. Thường xuyên tưới nước để giữ ẩm cho đất và cho hạt giống.
Trồng cây Chà Là bằng hạt giống
- Tách chậu: Chăm sóc cho cây non khoảng 3-4 tuần là cây đã cứng cáp hơn, lúc này cây đã ra lá và sinh trưởng nhanh hơn, bạn cần tách cây non ra khỏi chậu và trồng ở ngoài vườn để cây có thể phát triển tốt hơn.
4. Kỹ thuật trồng cây Chà Là bằng cây non
- Đào hố trồng: Đối với cây non, khoảng cách phù hợp giữa các hố trồng cây nên từ 4-6m trở lên để không gây cản trở đến sự phát triển của mỗi cây. Hãy tiến hành đào các hố có kích thước 30x30x30 để đặt cây non vào trong.
- Bón phân cho đất: Trước khi đặt cây non vào trồng trong hố, bạn cần bón phân vi sinh vào đất để khi trồng sẽ giúp cây Chà Là bén rễ nhanh và phát triển tốt. Sau khi trồng cây trong hố thì phải thường xuyên tưới nước để cây nhanh mọc lớn hơn.
Cách chăm sóc cây Chà Là
1. Điều kiện ánh sáng
Cây Chà Là rất cần có ánh sáng để phát triển, chúng có khả năng chịu được cường độ ánh sáng mạnh, cho nên bạn hãy trồng cây tại những nơi có nhiều ánh sáng nhất có thể. Như vậy sẽ giúp cây tạo quả nhanh và nhiều hơn.
2. Tưới nước
Cây Chà Là có thể sống được khá tốt trong điều kiện khô hạn nhiều ngày, tuy nhiên chúng vẫn cần được tưới nước nếu như bạn muốn năng suất quả mọc được nhiều. Với những loại cây cao lớn, tưới nước thường xuyên nhất là vào mùa hạn, còn với những loại cây nhỏ hơn thì có thể tưới giãn cách định kỳ.
3. Bón phân định kỳ
Hãy tiến hành bón thúc hàng tháng phân vi sinh hoặc phân NPK ngay từ khi còn non và trong giai đoạn phát triển tốt nhất. Ngoài ra nên bón lót cho cây khi cây đang trong giai đoạn ra hoa và tạo quả để tăng thêm năng suất sinh trưởng.
Chăm sóc cho cây Chà Là
4. Dọn cỏ, cắt tỉa
Hãy thường xuyên dọn dẹp xung quanh khu vực trồng cây Chà Là của bạn. Loại bỏ hết những cỏ dại hoặc những loại thực vật khác đang mọc cạnh cây của bạn nhằm đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cây có thể phát triển tốt. Ngoài ra bạn cũng cần cắt bỏ những lá già để kích thích những lá non phát triển mới.
Trồng cây Chà Là bao lâu có trái?
Nhìn chung, cây Chà Là là loài cây khá dễ trồng và sinh trưởng, lại ít gặp sâu bệnh. Nếu như được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, sau khoảng 2 năm kể từ khi bắt đầu trồng cây non là cây đã có thể cho ra trái, từ đó hàng năm cây sẽ đều đặn cho trái, mỗi đợt ra trái sẽ kéo dài khoảng 1-2 tháng cho đến khi hết mùa vụ. Đối với trồng bằng hạt giống, phải mất từ 4-6 năm kể từ khi bắt đầu trồng thì cây mới cho ra trái.