Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và những hành vi mang tính chất tàn phá đã khiến con người phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thực phẩm đang gia tăng.
Vậy mà ở ngay chính đất nước ta lại đang "chứa chấp" một loại quả có thể cứu đói cho hàng triệu người đấy. Đó chính là mít, và nó được chính các chuyên gia trên thế giới phải công nhận.
Tại sao ư? Đầu tiên là về tính chất. Mỗi quả mít có thể nặng từ 5kg đến hàng chục kg (cá biệt có những quả nặng 45kg). Bên trong lại cho ra hàng trăm hạt, vừa có thể làm hạt giống nuôi trồng, vừa là nguồn dinh dưỡng cực kỳ hiệu quả với calcium, protein, sắt và kali.
Ước tính, chỉ cần 1 quả mít là đủ cho một bữa của cả gia đình 4 người.
Thêm một lý do khác đưa mít lên ngôi, đó là loại cây này có thể dễ dàng sống ở nhiều môi trường khác nhau, chống chọi tốt với sâu bệnh và nắng nóng mà chẳng cần chăm sóc nhiều. Theo đánh giá của giới khoa học, mít sẽ "giảm tải" cho ngô và lúa mì - hai nông sản đang chịu rất nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Mít có khả năng chống chịu tốt, lại có năng suất cực cao
Khả năng của mít ấn tượng như vậy đấy, chẳng trách người phương Tây gọi nó là "cây kỳ diệu". Và mới đây, 2 nhà kinh doanh tại Birmingham (Anh) đã đưa sự kỳ diệu của mít lên một tầm cao mới, bằng việc biến nó trở thành một sản phẩm thay thế được cho thịt lợn.
Dự án của Jordan Grayson và Abi Robertson mang tên "Project Jackfruit" (dự án mít), trong đó cả hai muốn tạo ra những múi mít có đủ mùi vị. Họ sử dụng mít nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó đưa thêm hương vi khác vào đó. Hiện tại, mít của dự án có vị thịt nướng, gà satay và thịt sấy Caribbean.
Mít có thể mang hương vị như thịt lợn
Trên thực tế, dù cực kỳ nổi tiếng ở các quốc gia phía Đông Á, nhưng trên thế giới thì mít không thực sự nổi bật. Nguyên nhân có lẽ đến từ ngoại hình của trái mít - gai góc quá chăng?
"Nhiều người cảm thấy khá căng thẳng khi tiếp cận quả mít, nhưng khi họ đã thử thì chẳng thể tin nổi." - Robertson chia sẻ.
Dự án của cả hai đã kêu gọi vốn được 7000 bảng (tương đương gần 250 triệu đồng), qua đó cho phép họ gầy dựng sự nghiệp tại Ấn Độ. Theo dự tính, bước tiếp theo của dự án là đưa sản phẩm về Anh Quốc, rồi phát triển với quy mô toàn cầu.
Lý do cả hai chọn Ấn Độ là vì nơi đây có nguồn cung mít rất dồi dào. Tại Ấn Độ, 75% sản lượng mít bị bỏ phí. Nó chỉ được xem là loại quả dành cho người nghèo, vì nó quá nhiều, quá rẻ, cho không cũng chẳng ai lấy. Nhiều nơi để mít chín rục, thối rữa mà không có cách nào bảo quản hay lưu trữ chúng cả.
Nhiều quốc gia để mít chín rục, thối rữa cực kỳ lãng phí
Đây là điều khiến Grayson và Robertson phải trăn trở. "Mít là loại cây trồng kỳ diệu, có thể sống và cho năng suất rất cao ngay cả khi hạn hạn." - Grayson cho biết.
"Chúng tôi không thể hiểu tại sao loại quả này chưa được biết tới nhiều, trong khi có rất nhiều quả đang bị bỏ phí."
"Thực sự là nghịch lý. Chúng ta bỏ đi một nguồn dinh dưỡng khổng lồ, trong khi nhiều người chẳng có nổi mẩu bánh mì vào bụng."
Dự án này dù rất có ý nghĩa, nhưng vẫn còn một con đường dài phía trước. Hiện tại, giá thành của sản phẩm đang quá đắt - lên tới 15 bảng/kg mít vị thịt lợn, tức là hơn gần gấp 5 lần giá 1kg thịt lợn thực sự đang bán tại Anh Quốc.
Tuy vậy, Robertson hy vọng rằng sau khi tăng được quy mô sản xuất, giá thành sẽ giảm đi, trở thành siêu rẻ. Khi ấy, mít sẽ chính thức trở thành loại thực phẩm cứu nguy cho cả thế giới, trong bối cảnh các nông sản khác đang chịu áp lực quá nặng.
Viết bình luận