Những năm gần đây, tại một số đồng đất bãi ven các sông chạy qua Hà Nội, việc trồng chuối tiêu hồng đang đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đến Cổ Bi, huyện Gia Lâm, từ trên đê sông Đuống phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy khắp cánh bãi Bắc và Nam Đuống bạt ngàn chuối.
Trồng chuối tiêu hồng trên vùng đất bãi xã Cổ Bi, Gia Lâm.
Những buồng chuối to uốn cong trên cây, xếp thành hàng, thành đống dưới đất, đang được chuyển lên ô tô mang đi tiêu thụ. Ông Đinh Văn Năm, xóm 4, thôn Cam đang tất bật dọn dẹp, hạ những gốc cây vừa thu hoạch vui vẻ cho biết, gia đình trồng hơn 3ha chuối với 6.000 gốc. Đất bãi phù sa màu mỡ nên cây chuối lớn nhanh, quả mập, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh lại không tốn nhiều công chăm. 12 năm gắn bó với đất bãi ven Đuống, đất đã trả công người. Từ cây chuối tiêu hồng, gia đình ông có cuộc sống ngày một khá giả. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng tiền bán chuối quả, ngay cả bán lá chuối cũng được thêm hàng chục triệu đồng. "Cả vùng bãi Đuống mênh mông, bạt ngàn chuối nhưng chưa bao giờ bị ế. Vào dịp tháng 7-8 chuối đắt hàng do được thương lái mua nhiều để xuất khẩu. Dịp cuối năm, lại tập trung thu hoạch chuối Tết.
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Cổ Bi Đỗ Văn Thưởng nhớ lại: Thời điểm năm 2003 trở về trước, cánh bãi ven Đuống của xã chỉ trồng toàn ngô, đậu… hiệu quả thấp, người dân nản không đầu tư, chăm sóc nên nhiều diện tích đã bị bỏ hoang. Sau đó, người dân đã năng động đưa một số cây ăn quả như táo, đu đủ, ổi… vào trồng nhưng giá trị thu về cũng không cao hơn ngô, đậu là mấy. Khoảng 7 năm nay, một vài hộ bắt đầu trồng chuối tiêu hồng và cây trồng này nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ vùng bãi của xã vì hiệu quả kinh tế đem lại cao. Hiện các hộ đã tự nguyện dồn đổi ruộng cho nhau để thuận lợi trong canh tác. Hộ ít cũng trồng 3 sào đến 2ha; hộ nhiều từ 2ha đến 15ha. Nhiều hộ đã xây dựng trang trại chuyên canh chuối tiêu hồng rộng hàng chục mẫu, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng như hộ ông Đinh Văn Năm (thôn Cam) ông Phạm Văn Lợi (thôn Vàng)...
Ông Đinh Tất Thắng, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Cổ Bi cho hay: Đất ít, người đông lại đang trong quá trình đô thị hóa nên đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Tổng diện tích đất sản xuất toàn xã hiện chỉ còn 180ha, trong đó đất trong đồng là 120ha chủ yếu chuyên canh lúa, rau màu, theo quy hoạch vài năm tới diện tích này sẽ nhường chỗ cho phát triển công nghiệp và đô thị. Vì vậy, trong chương trình phát triển kinh tế, Cổ Bi đã đề ra mục tiêu khai thác tối đa hiệu quả vùng đất bãi, đưa vùng đất này trở thành vùng cây ăn quả lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, mở hướng làm giàu cho người dân. Xã đã có chính sách khuyến khích các hộ ra bãi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chính quyền đầu tư 22 giếng khoan để các hộ dân lấy nước canh tác. Từ năm 2008 đến nay, cầu Phù Đổng 2 được hoàn thành, người trồng chuối không phải vận chuyển chuối qua đò vất vả; ngược lại, ô tô tải sang tận bãi giữa để thu mua chuối cho người dân. Xã Cổ Bi cũng đang xúc tiến đăng ký nhãn hiệu quả an toàn làm điều kiện để cây chuối phát triển bền vững trên đất bãi.
Không riêng gì vùng bãi ven Đuống xã Cổ Bi, nhờ chứng minh được hiệu quả kinh tế cao mà hiện nay, cây chuối tiêu hồng đã có mặt tại nhiều địa phương khác. Tại vùng bãi ven sông Hồng, vùng bãi các xã: Vân Nam (Phúc Thọ), Thọ An (Đan Phượng), Tự Nhiên (Thường Tín), Thuần Mỹ (Ba Vì)… cây chuối tiêu hồng cũng đang được mở rộng diện tích. Riêng xã Tự Nhiên, toàn xã có 180ha đất bãi thì có tới 2/3 diện tích là trồng chuối. Sản phẩm chuối xã Tự Nhiên đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp chứng nhận đạt an toàn sinh học, được dán mã số, mã vạch và bước đầu được người tiêu dùng đón nhận.
Theo ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, năm 2011, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 10 vùng sản xuất chuối nuôi cấy mô, mỗi vùng có quy mô khoảng 20ha tại các xã Cổ Bi (Gia Lâm), Thuần Mỹ (Ba Vì), xã Tự Nhiên (Thường Tín), xã Văn Khê, Chu Phan (Mê Linh), xã Nam Sơn (Sóc Sơn)… Chuối nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm so với cách trồng truyền thống. Cụ thể, giá giống rẻ, dễ vận chuyển, sạch bệnh và có thể nhân nhanh với số lượng lớn; tỷ lệ cây sống sau khi trồng cao. Theo ông Sướng, nếu mô hình này thành công là cơ sở để các địa phương nhân rộng.
Viết bình luận