Theo ông Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam, với tình hình thời tiết bất thuận, dịch hại trên cây trồng có khả năng bùng phát mạnh.
Cụ thể, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa từ tháng 1 – 2/2018 cao hơn trung bình nhiều năm do khả năng có nhiều đợt mưa trái mùa, từ tháng 3 – 4/2018 lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Tưới nước cho vườn cây ăn trái |
Cần đề phòng bọ xít muỗi tấn công trên bơ, ca cao… Rầy chổng cánh, ruồi đục trái, sâu vẽ bùa trên các loại cây múi. Hiện đã xuất hiện virus hại khoai mì ở Tây Ninh, mức độ phát bệnh rất nghiêm trọng. Đặc biệt thời tiết bất lợi cũng xuất hiện bệnh thán thư do bọ xít muỗi tấn công, mở đường cho nấm xâm nhập và phát triển…
Những đối tượng dịch hại gần đây hoành hành ở miền Đông, miền Tây cũng đều có tình trạng giống nhau. Vì vậy, phải có biện pháp ngăn chặn sớm, kịp thời.
Công tác quản lý nguồn giống rất quan trọng, phải chọn nguồn giống tốt, không nhiễm dịch bệnh. Trong điều kiện dịch bệnh xảy ra bà con nên sử dụng biện pháp phun để ngăn chặn, có thể sử dụng biện pháp phun khói trên các vùng thiếu nước.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Nai cho biết, các tỉnh miền Đông có 2 đối tượng gây hại nghiêm trọng trong mùa khô. Thứ nhất là trên cây khoai mì thường nhiễm virus, lây lan, gây hại thông qua trung gian là rầy cánh trắng. Trong điều kiện nóng, khô rầy cánh trắng phát triển rất mạnh, rất khó để quản lý. Bà con lưu ý cần phải lựa chọn nguồn giống không nhiễm bệnh, gần đến thời điểm thu hoạch phải phun thuốc trước từ 3 – 5 ngày.
Đặc biệt, những khu vực bị nhiễm cao, thu gom tất cả tàn dư, đối với rau cần phải dùng màng phủ để giảm tác hại của rầy cánh trắng.
Trên cây điều và một số loại cây ăn trái ra bông vào mùa khô thường bị bọ xít muỗi tấn công. Trong điều kiện âm u, mưa vào mùa khô phù hợp cho bọ xít muỗi phát triển, dẫn đến vụ mùa 2016 – 2017 ảnh hưởng rất lớn. Khu vực miền Đông có hơn 100.000ha điều bị nhiễm bệnh.
Để hạn chế loại dịch hại này, phải sử dụng biện pháp nuôi kiến vàng trên cây điều, giúp giảm mật số bọ xít muỗi, hoặc sử dụng một số loại thuốc BVTV. Dùng giải pháp đồng bộ, vận động tuyên truyền để người dân trồng điều đều phun thuốc cùng một lúc.
Vào mùa khô là thời điểm cây tích lũy dinh dưỡng để ra bông, trái, yêu cầu về lượng nước rất quan trọng, những vùng trồng cây ăn trái phải đảm bảo được lượng nước tưới. Bà con có thể sử dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm, sử dụng giải pháp tủ gốc, bón phân hữu cơ, giảm được lượng bốc hơi nước, duy trì độ ẩm…
Theo ông Phạm Văn Huy, đại diện Cty Behn Meyer Agricare Việt Nam, Cty có một số giải pháp giúp nông dân tăng cường tưới nước và bón phân hữu cơ, đó là dùng sản phẩm Crowel 3-3-3, trong đó bổ trợ thêm một số thành phần như Antex 20-10-10 sử dụng công nghệ chống thất thoát đạm, tăng khả năng hấp thu phân bón.
Bên cạnh đó, để giảm thất thoát chất dinh dưỡng có thể cắt tỉa một số cành nhánh không cần thiết, tủ thêm rơm rạ xung quanh gốc và xử lý Trichoderma để hạn chế nấm hại, giúp cây trồng tăng cường khả năng chống chịu…
Đối với cây bưởi tơ, trái vào năm đầu rất dễ bị dày. Vì vậy phải tăng cường bón phân vào thời điểm cho trái. Trước một tháng khi bán, bà con nên bón những loại phân có chứa thành phần kali cao như sản phẩm Nitrofolka Perfect 15-5-20. Để tăng thêm độ ngọt cho trái, phải bón thêm thành phần đa lượng như kali, lưu huỳnh.
Trong điều kiện thiếu nước, ngoài bón dưới gốc, có thể phun bổ trợ lên lá và trái tăng khả năng hấp thụ như sản phẩm Basfolial K, trong đó có thành phần kali 35%, kẽm 3% giúp trái xanh và độ ngọt sẽ tăng thêm…
Viết bình luận