Với tinh thần dám nghĩ dám làm, chàng trai trẻ người dân tộc Dao Triệu Văn Mừng (Phù Yên, Sơn La) đã thành công nhờ mô hình trồng cam.
Khắc phục mọi khó khăn về điều kiện kinh tế, đường giao thông và tập quán canh tác cũ lạc hậu, chàng trai trẻ người dân tộc Dao Triệu Văn Mừng ở bản Khe Lành, một bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Thải, huyện Phù Yên tỉnh Sơn La đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 1 ha cam trên đất dốc.
Vụ cam năm nay thực sự là một mùa vàng ngọt lành đến với chàng trai trẻ dám nghĩ dám làm. Thành công của Triệu Văn Mừng đã và đang làm thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm của người ở vùng quê nghèo của huyện Phù Yên.
Cách đây 4 năm, khi Triệu Văn Mừng mang những gốc cam đầu tiên về trồng trên mảnh đồi đầy nắng và gió ở bản Khe Lành này, không ai nghĩ Mừng sẽ thành công. Bởi bao đời nay, người Dao ở bản này vốn chỉ quen với cây ngô cây sắn.
Chàng trai trẻ người dân tộc Dao Triệu Văn Mừng. |
Ở vùng đất này, cái gì cũng khó, dân nghèo, bản nghèo, nếp nghĩ, cách làm cũ, đường giao thông cách trở, ai cũng bảo Mừng liều, dám bỏ một đống tiền đầu tư vào loại cây chưa ai trồng bao giờ. Cây cam lại khó tính, phải chăm chút tỉ mỉ như chăm trẻ con. Nhưng Triệu Văn Mừng thì tin rằng, với khí hậu, đất đai giống với các vùng trồng cam khác, người Kinh ở Mường Thải, Mường Cơi làm được, mình cũng sẽ làm được.
Niềm tin của Triệu Văn Mừng càng có cơ sở vì khi đó, chương trình 135 của huyện cũng đầu tư mô hình trồng cam trên đất dốc cho 10 hộ trong bản với trên 1.000 cây giống đường canh và cam Vinh, trong đó có gia đình Mừng. Vậy là, Triệu Văn Mừng quyết định đầu tư trồng 1.400 cây cam Vinh, cam đường canh trên diện tích hơn 1 héc ta nương trồng ngô kém hiệu quả.
Triệu Văn Mừng chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên là nguồn vốn, bởi vì trồng cây có múi nguồn vốn lớn so với cây ngô. Khó khăn thứ hai là kỹ thuật mình không có và đường đi lại, vận chuyển (phân gio, vôi, nước) đa số phải thuê xe ben, thuê xe to khiến chi phí tăng”.
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cam bị bệnh chết, đã có lúc cũng thấy nản. Nhưng Mừng vẫn kiên trì, bền bỉ không bỏ cuộc, tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Trồng cam đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn các loại cây trồng khác, từ cách bón phân, cắt tỉa cành, quản lý dịch bệnh, nước tưới đều phải rất chăm chút, tỉ mỉ, chỉ lơ là một chút là cây hỏng.
Những năm đầu, hai vợ chồng Mừng gần như dành toàn bộ thời gian cho vườn cam. Đất không phụ công người, sau 4 năm cần mẫn, quyết tâm vượt khó, năm 2016, hơn 1 ha cam của Triệu Văn Mừng đã cho những trái ngọt đầu tiên, với hơn 1 tấn quả, thu hơn 30 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, anh vay vốn Ngân hàng chính sách và Ngân hàng Nông nghiệp tiếp tục đầu tư 80 triệu đồng để lắp hệ thống nước tưới bằng téc phun trên cao, vừa đáp ứng nhu cầu tưới cho cây, vừa phòng trừ được loại nhện đỏ – kẻ thù số 1 của cây có múi.
Triệu Văn Mừng cho biết: “Mong muốn của mình cũng như bà con trên này, có đường để thuận tiện giao lưu hàng hóa thuận tiện, giảm bớt chi phí . Vận chuyển bây giờ chủ yếu bằng xe máy, nói chung rất vất vả”.
Nhờ được chăm sóc tốt, vườn cam đạt tiêu chuẩn Vietgap của gia đình Mừng vào vụ chín vàng rực, cây nào cây nấy sai trĩu quả, quả nào cũng sáng, đẹp, mọng nước, dự kiến sản lượng khoảng 15 tấn, thu nhập 250 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Không những cung cấp cam cho thị trường trong huyện, Triệu Văn Mừng còn ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng online tới nhiều địa phương trong cả nước.
Ông Đỗ Hồng Tốt, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Thải, huyện Phù Yên chia sẻ: “Đây là một điểm sáng của xã cho nên chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho các bản lân cận học tập mô hình của anh Mừng để nhân rộng mô hình trong toàn xã”.
Những ngày này, vợ chồng Mừng không mấy khi vắng mặt ngoài vườn cam để thu hái và chăm sóc cho diện tích cam phục vụ bán dịp Tết Nguyên đán. Dám nghĩ dám làm, ý chí, nghị lực của Triệu Văn Mừng xứng đáng cho đoàn viên thanh niên và bà con trong bản học tập và làm theo./.
Viết bình luận