Chuyển đổi trên đất vải thiều Thanh hà

Thu hoạch ổi trái vụ

Thanh Hà là một huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Hải Dương gồm 24 xã với tổng diện tích 
tự nhiên là 15.892ha, trong đó đất nông nghiệp 11.278ha. 

Đối với Thanh Hà, vải là cây trồng chủ lực, chiếm 2/3 diện tích canh tác, là nguồn thu nhập chính của các hộ nông dân. Toàn bộ diện tích vườn tạp đã được cải tạo để trồng vải; nhiều diện tích cấy lúa năng suất thấp cũng được đắp ụ để trồng vải nên diện tích cây vải ở Thanh Hà phát triển rất nhanh. 


Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây do ảnh hưởng của thời tiết, hiện tượng mất mùa hoặc được mùa rớt giá liên tục diễn ra làm thất thu lớn cho người trồng, nhiều người không còn mặn mà với cây vải, bỏ đầu tư, chăm sóc; thậm chí một số người đã bắt đầu đốn bỏ vải thiều để chuyển sang trồng các cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp - PTNT Thanh Hà, diện tích cây vải thiều toàn huyện còn khoảng 6.000 ha, giảm hơn 1.000 ha so với 5 năm trước; sản lượng năm nay sụt xuống dưới 18.000 tấn so với 25.000 tấn vụ vải năm 2008. 


Chúng tôi về Liên Mạc, một xã đang có phong trào chuyển bớt vải sang trồng nhiều loại cây ăn quả khác cho thu nhập cao sớm nhất nhì huyện Thanh Hà. Tuy là tự phát nhưng do tính hiệu quả nên phong trào diễn ra khá mạnh và nhanh. Được các nhà khoa học Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc, thu hoạch và cung cấp giống tốt, nhiều hộ gia đình ở Liên Mạc đã nhanh chóng giàu lên nhờ cây ổi. Chủ tịch UBND xã Tiêu Công Tiến cho hay, toàn xã có 450 ha đất sản xuất nông nghiệp thì bà con đã trồng tới 350 ha ổi. Năm 2008 Liên Mạc thu được 3.215 tấn quả bán với giá trung bình 6.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu trên 19 tỷ đồng. 


Học tập nhau, nhiều người đã phá bỏ bớt những vườn tạp, vườn vải kém hiệu quả để trồng ổi. Một số hộ khác còn thuê đất lúa, mua lại đất vườn để mở rộng diện tích, lập vườn ươm kinh doanh cây giống cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình anh Nguyễn Duy Chương ở thôn Mạc Thủ 2, Lưu Văn Mạnh thôn Liêu Xá, anh Đào Xuân Đán ở thôn Văn Mạc v.v… Theo anh Đán: “Cây ổi dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, dễ bán, giá bán lại cao nên hiệu quả cao gấp 3-4 lần cấy lúa, gấp 2-3 lần trồng vải. Năm ngoái tôi trồng 1,3 mẫu thu 16 tấn, bán với giá từ 3,5-4 nghìn đồng/kg lúc chính vụ, 11-12 nghìn đồng lúc trái vụ giáp Tết nên thực lãi gần 100 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí. Cái khó của ổi là hay bị ruồi vàng phá hại làm quả nhưng nhờ Viện BVTV hướng dẫn đánh bả sinh học nên chúng tôi đã khắc phục được”. 

 

Ghi nhận sự năng động của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn về một hướng đi cụ thể, có qui hoạch tổng thể mang tính bền vững của các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành nông nghiệp địa phương để Thanh Hà vẫn phát huy được thế mạnh của vùng vải thiều đặc sản đồng thời góp phần đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm trong SXNN theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Trồng ổi trái vụ cũng là kinh nghiệm hay của bà con Liên Mạc và các xã khác như Thanh Sơn, Thanh Lang, Tân Việt… Trước đây, mỗi năm ổi chỉ cho 1 hoặc 2 vụ quả chính tháng 6-8 và tháng 11-12 giá bán thấp nên thu nhập không cao. Ngày nay bà con đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới như cắt tỉa, 
bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh và bao giữ quả đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng nên ổi hầu như ra quả và cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt là những lứa thu trái vụ bán được giá cao gấp 2-3 lần so với chính vụ. 


Không chỉ dừng lại ở cây ổi, bà con Thanh Hà còn đưa cây gừng vào trồng xen canh dưới tán các cây ăn quả như vải thiều, ổi, cam quýt tăng thêm nguồn thu nhập. Điển hình là hộ ông Nguyễn Quang Sơn ở xã Liên Mạc trồng 2 mẫu ổi xen gừng mỗi năm thu 15 tấn ổi quả và 3,5 tấn gừng củ cho thu lãi gần 100 triệu đồng. Khác với các nơi trồng quất cảnh, bà con xã Cẩm Chế lại trồng quất bán quả trái vụ (tháng 3-4) khi còn hiếm chanh với giá 9-10 nghìn đồng/kg cho thu nhập rất cao. Hiện tại cả xã đã có tới khoảng 200 mẫu quất trái vụ hàng năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn quất tươi là nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương. 


Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận