CHUYỆN LÍNH BIÊN PHÒNG ĐƯA “CAM XÃ ĐOÀI” XUẤT NGOẠI SANG LÀO

(PLO) – Ai cũng nghĩ rằng, cam Xã Đoài là đặc sản của xứ Nghệ, ít ai biết rằng, giống cam “huyền thoại” đó đang sinh sôi nảy nở ngay bên kia biên giới Việt – Lào. Đó chính là công lao của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ (Bộ đội biên phòng Nghệ An – đóng tại xã Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An) không chỉ trong một sớm một chiều mà là cả một quá trình.

 

Chuyện lính biên phòng đưa “cam Xã Đoài” xuất ngoại sang Lào

 

CBCS ĐBP Thông Thụ, Quế Phong huy động lực đang cải tạo đất rừng để trồng cam ở bản Nậm Táy (Lào). Ảnh Báo CATP Đà Nẵng

Nhắm thấy giống Cam xã Đoài đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua đều cho mùa bội thu, một ý nghĩ táo bạo là đưa giống cam sang nước bạn Lào để trồng thử nghiệm lóe lên trong đầu các chiến sĩ biên phòng Nghệ An. Ban đầu, ai cũng thấy ý tưởng đó hơi mạo hiểm, bởi không ai biết được cây cam có thích nghi với đất, nước và điều kiện khí hậu bên đó.

Qua khảo sát cho thấy điều kiện thời tiết, khí hậu ở Nậm Táy (cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào) có nhiều điểm tương đồng với Nghệ An nên kế hoạch được các chiến sĩ biên phòng Thông Thụ vạch ra chi tiết hơn. Kế hoạch cũng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2014, sau hai năm làm các thủ tục và các bước chuẩn bị thì mô hình bắt đầu đi vào thực tiễn.

Đại úy Nguyễn Văn Thưởng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Thông Thụ (Bộ đội biên phòng Nghệ An) chia sẻ, đặc điểm của người dân nước bạn Lào sống sát với biên giới Việt Nam từ nhiều đời nay sống phụ thuộc vào tự nhiên, kinh tế dựa vào khai thác rừng là chủ yếu. Tuy nhiên, từ khi Chính phủ Lào có lệnh đóng cửa rừng thì cuộc sống bà con gặp khó khăn hơn trước.

Khi đưa mô hình trồng trọt vào phổ biến cho bà con thì cũng ít người ủng hộ, bên cạnh đó còn có những gia đình người Mông lén lút trồng cây thuốc phiện, buôn bán heroin, còn ngại tiếp xúc với người ngoài nên việc vận động còn khó khăn. Thượng úy Nguyễn Văn Trinh – nhân viên phiên dịch cho biết: “Anh em phải sống cùng họ, giải thích cho họ hiểu rồi trực tiếp lao động cùng họ mới có được kết quả. Gia đình Vừ Pà Pó là một hộ gia đình sớm hiểu được việc làm thiết thực nên đồng ý để làm mô hình cho bà con”.

Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Thông Thụ đưa 500 bầu cam Xã Đoài và 200 gốc xoài Thái sang Lào và trực tiếp các chiến sĩ sang hướng dẫn bà con. Một quả đồi được chính tay các chiến sĩ phát quang, đào hố bỏ vôi xử lý rồi ủ phân và đưa cây trồng xuống. Một diện tích hơn 3.000m2 được bộ đội đào cải tạo để nuôi cá tăng gia sản xuất cải thiện đời sống và trữ nước tưới cho cây cối. Rồi từng bước hướng dẫn gia đình Vừ Pà Pó phương pháp chăm sóc, làm cỏ, bỏ phân theo từng giai đoạn và phun thuốc bảo vệ thực vật…

“Sau thời gian và công sức bỏ ra, đến nay 500 gốc cam đã phát triển rất tốt, đã cho lứa hoa đầu tiên nhưng đúng phương pháp thì anh em đã hủy lứa hoa này để cây tiếp tục phát triển mùa sang năm mới để lại. Nếu không có gì thay đổi hay bất thường thì mùa cam Xã Đoài năm sau sẽ cho mùa quả đầu tiên trên đất Lào đó”, Đại úy Nguyễn Văn Thưởng vui vẻ nói.

Ngoài vai trò là chiến sĩ bộ đội biên phòng thì anh em trong đồn đều là những “chuyên gia” nông nghiệp thực thụ sau thời gian thực hiện mô hình trồng cam. Không chỉ tưới cam bằng nước ao hồ mà trên mảnh đất đó còn thấm đẫm những giọt mồ hôi của các chiến sĩ bộ đội biên phòng Thông Thụ. Vụ cá đầu tiên đã thu hoạch bán ra chợ cũng kiếm được lãi lớn nên vợ chồng Vừ Pá Pó mừng lắm, hàng ngày những bữa cơm có thêm cá tươi, rau sạch cũng khiến cuộc sống gia đình Pó ấm cúng hơn nhiều.

Với mô hình đưa ra là V-A-C nên các chiến sĩ lại hướng dẫn gia đình Pó khoanh rừng thả lợn giống để kiếm thêm thu nhập cũng như tạo công ăn việc làm thêm, đến nay đàn lợn phát triển khỏe mạnh, năm vừa qua đã cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Sau khi “lĩnh hội” đủ các kĩ thuật bằng phương pháp cầm tay chỉ việc thì vườn cây ăn quả đã được bàn giao cho gia đình Pó tiếp tục chăm sóc, những khi cần thêm thông tin thì các chiến sĩ lại có mặt để hướng dẫn.

Thượng tá Hoàng Văn Huy – Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ cho hay, cái được lớn nhất từ việc thực hiện mô hình này là người Mông ở Nậm Táy đã thay đổi cách sống, cách suy nghĩ của mình. Phần nào đó đã không còn trông chờ, ỷ lại như trước mà tự tay làm ra. Đến nay, ngoài Vừ Pà Pó, tại Nậm Táy đã có thêm 3 hộ dân khác làm theo mô hình mà biên phòng Nghệ An đã triển khai hiện có kết quả rất khả quan. Điều này cũng kéo theo đó là đời sống nhân dân sẽ dần ổn định thêm thì tình hình an ninh trật tự ở vùng biên cũng ổn định hơn.

Giống cam quý sẽ đơm hoa, kết trái và cho quả ngọt, đó không chỉ thuần túy là quả để ăn mà còn là cây xóa đói giảm nghèo, giúp vun đắp bằng nghĩa tình, thắt chặt tình quân dân, thứ keo sơn giữa hai dân tộc Việt  – Lào. 

Viết bình luận