Đoàn của chúng tôi hơn 30 người như bị “thôi miên” khi anh Nahana Shojiro giới thiệu về trang trại (Farm) và chia sẻ quy trình canh tác trồng dâu tây Hana độc đáo của mình ở Bản Búa, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La).
Chiến binh "Samurai"… mê làm nông
Khi đặt chân vào Farm của Nahana, tôi có cảm giác như lạc vào một trang trại trồng dâu tây trên đất nước Nhật Bản. Nahana búi tóc, khuôn mặt góc cạnh với bộ râu quai nón làm tôi liên tưởng đến những "chiến binh Samurai" Nhật Bản trên phim ảnh.
Trên tay cầm sổ ghi chép, hông đeo bộ dụng cụ làm nông, chỉ bằng những thao tác giản đơn nhưng Nahana phần nào làm toát lên vẻ kỹ tính, chỉn chu về hình ảnh người nông dân Nhật Bản.
Trước khi sang Việt Nam, Farm của Nahana thuộc sở hữu của một nông dân người Nhật Bản khác có tên Otsuka và coi ông ấy là người thầy dạy mình cách trồng dâu tây trên mảnh đất Mộc Châu.
"Ở Tokyo có một câu lạc bộ rất thú vị, quy tụ những người yêu thích nghề làm vườn, với những thành viên đến từ mọi ngành nghề, mỗi tháng lại tụ họp một lần. Năm 2012, tôi đã gặp ông Otsuka ở đó, lúc ấy đã 73 tuổi, còn tôi 33. Ông ấy rất dễ thương với một tình yêu đầy thuần khiết! May mắn thay, người đầu tiên ông bắt chuyện là tôi và tôi có thể lên đường ngay mà không đắn đo gì, mặc dù lúc đó công việc của tôi ở Tokyo đang rất tốt", Nahana nhớ lại.
Anh chia sẻ, mình sinh ra tại một vùng nông thôn có địa hình tương tự Mộc Châu, nơi người dân trong vùng chủ yếu làm nông (bố mẹ anh lại là nghệ nhân chuyên chế tác và phục chế tượng Phật), nên từ lâu anh đã rất ưa thích nghề trồng trọt.
Nahana theo học ngành kiến trúc nhưng chỉ vì "bố tôi muốn thế" và "đây không phải là đam mê thật sự của tôi". Trước khi quyết định đi theo đam mê của mình, Nahana thường đọc sách về các nước Đông Nam Á, trong đó có sách lịch sử về Việt Nam.
Farm của Nahana rộng 8.500 m2, trước đây không chỉ trồng mỗi dâu tây mà có cả củ cải. Có lần anh bất ngờ nhổ được một cây củ cải đỏ to bằng bắp tay nam giới, loại củ cải thường để ăn kèm với món sashimi. Nahana nói: "Thổ nhưỡng ở Mộc Châu vàng nâu, dường như trồng cây nào cũng tốt, từ cải, đào, hồng, mận... cho đến dâu tây".
Dẫn chúng tôi thăm quan vườn dâu tây, Nahana cho biết, khí hậu, thổ nhưỡng là một phần, nhưng phần quan trọng không kém là giống. Dâu tây Nhật Bản ngoài ngoại hình bắt mắt hơn, to, mọng và có vị ngọt, còn có mùi thơm "hơn đứt" một số giống dâu tây Trung Quốc hay dâu Đà Lạt. Mùa thu hoạch dâu tây Nhật Bản ở Mộc Châu thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, tùy thời tiết, nhưng rộ nhất là ra Giêng.
Để chủ động cây giống, Nahana đã xây dựng hệ thống nhà màng để nhân giống riêng biệt. Từ những cây bố mẹ, sẽ áp dụng phương pháp nhân giống vô tính để duy trì được chất lượng nguồn gen.
Độc đáo cách dùng thiên địch "bắt" thiên địch
Hiện nay, Farm của Nahana có 4 lao động làm việc và họ đều là người bản địa. Dạo quanh một vòng, tôi vô cùng ấn tượng bởi cách bài trí, sắp xếp cũng như công nghệ canh tác dâu tây do Nahana Shojiro là "tổng đạo diễn".
Những chi tiết dù nhỏ nhặt như khu vực để quần áo, ủng, găng tay, dụng cụ làm nông được treo gọn gàng, ngăn nắp. Phía trong có bàn uống nước đã để sẵn các loại trà khi có khách đến thăm quan. Cạnh đó anh cho treo một chiếc bảng, kẻ từng ô cụ thể ghi công việc phải làm mỗi ngày. Hôm đó, ngày 12/4, anh viết dòng chữ "đón khách từ Hà Nội".
Quy trình canh tác dâu tây của Nahana còn làm chúng tối ấn tượng hơn nữa, bởi anh gần như hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Anh chia sẻ tỉ mỉ với đoàn khách từ quy trình làm đất, tưới nước tự động, dùng thiên địch để "bắt" thiên địch.
Theo Nahana, cây dâu tây thường gặp rất nhiều bệnh, rộ nhất là bệnh thán thư và héo vàng. Năm 2015, trang trại trồng dâu tây của anh bị bệnh héo vàng "oanh tạc" làm hơn 2.000 cây dâu tây bị chết, Nahana gặp phải một "cơn đau đầu" không nhẹ khi phải đi tìm bằng được biện pháp khắc phục.
Để hồi phục "sức khỏe" cho đất, ban đầu anh nghĩ tới dùng hóa chất nhưng lại băn khoăn sẽ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Sau thời gian nghiên cứu, Nahana đã xây dựng thành từng bể trồng khép kín, chỉ để một lối thoát nước duy nhất.
Sau đó, dùng cám gạo đánh đều với đất, tiến hành bơm ngập nước, dùng nilon phủ kín bề mặt để hạn chế không khí và giữ được nhiệt độ (luôn duy trì nhiệt độ từ 30 - 50 độ C). Ngâm đất ít nhất trong vòng 1 tháng để diệt hết mầm bệnh mới tiến hành xuống giống.
Bằng cách làm này, 2 năm trở lại đây Farm đã không có cây chết.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, để tăng dinh dưỡng cho đất, Nahana đã sử dụng trấu ngâm ủ hoai mục với men vi sinh để bón thay vì dùng các loại phân bón hóa học.
Độc đáo hơn nữa khi Nahana nói về cách sử dụng thiên địch tiêu diệt thiên địch. Đó là thả nhện bắt mồi (côn trùng ăn thịt) để ăn thịt nhện đỏ (loài gây hại cho cây dâu tây).
"Khi nhện đỏ gây hại dâu tây, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là vàng lá. Đồng thời, các nhụy dâu bị héo và không thể phát triển thành quả do sự tấn công của nhện đỏ. Trong khi đó, thức ăn ưa thích của nhện bắt mồi là nhện đỏ, bởi vậy khi phát hiện nhện đỏ trên dâu tây chúng tôi sẽ tiến hành thả nhện bắt mồi vào để tiêu diệt", Nahana tiết lộ.
Điều thú vị mang tên dâu tây "Hana"
Nhớ lại thời điểm năm 2012, khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam,Nahana cho biếthành trang anh mang theo là giống dâu tây Tochiotome trứ danh của vùng Tochigi (Nhật Bản). "Khí hậu ở Mộc Châu ngày nắng, đêm lạnh sẽ rất phù hợp làm nơi trồng thử nghiệm loại dâu này", anh nói.
Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu và làm việc, anh đã thử nghiệm trồng thành công giống dâu tây Tochiotome trên mảnh đất Mộc Châu. Nahana cho biết, vì tên gốc của dâu tây Tochiotome khá dài và khó nhớ nên người Việt bản xứ đã nảy ra sáng kiến dùng tên của anh đặt tên cho loại dâu tây mới này là dâu tây "Hana".
"Dâu tây Hana có vị ngọt đậm, rất được người Việt ưa chuộng, vị ngọt này nổi bật hơn hẳn so với dâu tây Hàn Quốc hay dâu tây Đà Lạt. Hiện dâu tây Hana đã được nhân giống, trồng tại nhiều nơi ở Mộc Châu và xuất bán đi nhiều tỉnh thành khắp cả nước", anh Nahana chia sẻ.
Nahana cho hay, giá bán của dây tây Hana cũng chênh lệch, tùy thuộc vào mùa vụ, chất lượng, loại dâu, sản lượng… Thông thường, giá dâu tây Hana dao động từ 250.000 – 400.000 đồng/kg. Còn loại dâu VIP có giá từ 450.000 – 500.000 đồng/kg. Đặc biệt, một số cửa hàng còn bán dâu Hana siêu VIP, siêu to như dâu quạt Nhật Bản với mức giá lên đến 800.000 đồng/kg. Đa số dâu tây Hana đều được đóng gói theo hộp, trọng lượng khoảng 500g/hộp.
Với quy trình canh tác dâu tây độc đáo, hiệu quả này, trung bình mỗi năm, Farm của Nahana xuất bán ra thị trường khoảng 14 tấn dâu tây. Sản phẩm sản xuất ra tới đâu đều được thu mua hết tới đó.
Những quả dâu tây Hana chín mọng, đỏ đẹp và có vị ngọt thanh tan nhanh ở cuống họng như quyến rũ, níu chân chúng tôi. Nahana hái trái dâu mời mọi người, đồng thời anh nói rằng: "Tôi luôn coi cây dâu tây mình trồng ở Mộc Châu là một sứ giả mang tới sự may mắn. Nhờ nó, tôi mới được tận hưởng niềm hạnh phúc của một người sống chậm, sáng ra hít thở bầu không khí trong lành, nhiều khi có sương mù, rồi mặt trời dần ló rạng và những vòm hoa đào chầm chậm hiện ra...".
Viết bình luận