Cứ ngỡ vườn mận tam hoa này ở miền Bắc, hóa ra ở Lâm Đồng, cây thấp tè đã ra đầy trái, bán 70-100.000 đồng/kg
Cách Đà Lạt chừng 60 km, ở thôn Đông Mang, xã Đa Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có vườn mận Tam Hoa bắt đầu vào mùa chín đỏ.
Vườn mận của gia đình anh Cao Văn Thản (39 tuổi). Anh Thản quê gốc ở Hải Dương theo gia đình vào sinh sống tại Lâm Đồng từ hơn 20 năm về trước. Cũng như nhiều gia đình khác ở vùng Đa Chais, huyện Lạc Dương, gia đình anh Thản cũng đã có thâm niên hơn 15 năm sinh sống nhờ cây cà phê.
Anh Thản chia sẻ, có những thời điểm cây cà phê rơi vào vòng luẩn quẩn, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Cộng thêm với việc khí hậu vùng Đa Chais này nhiều sương muối, trồng cà phê có nhiều năm mất trắng nên gia đình chọn giải pháp đa dạng cây trồng.
Ngoài cà phê là cây lâu năm, gia đình còn trồng thêm nhiều hồng, quýt, cam và cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, sau nhiều năm hiệu quả vẫn chưa thực sự được như mong muốn.
Vốn yêu thích cây cối và quanh năm gắn bó với vườn rẫy, nhiều loại cây ăn quả đã được anh Thản trồng trong vườn nhà để phục vụ đời sống gia đình và tạo cảnh quan. Trong số đó có cây mận Tam hoa sau vườn nhà, được trồng ngẫu nhiên vào năm 2015 và phát triển tốt.
Anh Thản đã mày mò để lấy mận ghép vào gốc cây đào lông. “Hầu như gia đình nào ở Đa Chais cũng có cây đào này. Sau mùa ra hoa, quả đào chín mềm, trẻ con ăn và rải hạt khắp nơi, cây đào cứ vậy mà lớn lên, khoẻ mạnh, hoa trái trĩu cành.
Thấy sức sống của loại đào này rất tốt, tôi đã ghép thử mận Tam hoa lên gốc đào. Kết quả cây sinh trưởng nhanh, khoẻ. Và từ cây mận ban đầu tôi đã ghép nhiều và nhân rộng ra trồng quanh vườn nhà”, anh Thản chia sẻ.
Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, anh Thản nhận ra, cũng là giống mận Tam hoa nhưng do đặc trưng khí hậu và thổ nhưỡng của vùng Đa Chais không giống với các tỉnh ngoài Tây Bắc nên việc chăm sóc loài cây này cũng vì vậy mà có những điểm khác.
Mận Tam Hoa sẽ sinh trưởng tốt khi cây được trồng cách cây khoảng 6 m. Chỉ nên làm sạch cỏ dưới gốc cây để tránh việc cỏ ăn phân làm ảnh hưởng tới cây mận phát triển, còn xung quanh gốc nên giữ cỏ lại để đảm bảo độ ẩm trong đất.
Việc trồng mận cũng được tiến hành đào hố, phơi ải và ủ phân chuồng gần giống trồng cà phê. Ngoài ra trong quá trình phát triển của cây cần chú trọng việc bón phân NPK và đảm bảo nước tưới cho cây.
Anh Thản chia sẻ thêm: “Việc trồng mận ở khu vực này rất thuận lợi, ngoài phân bón gốc, gia đình hầu như không cần xịt các loại thuốc khác. Trong quá trình trồng nhờ việc tạo tán, tỉa quả nên tỉ lệ cành thích hợp, cho quả sai và ít bị hỏng, rụng”.
Sau quá trình trồng thử, cây sinh trưởng phát triển tốt, mận vào mùa thu hoạch không đủ bán cho người dân quanh vùng, gia đình anh Thản đã tiếp tục nhân giống và mở rộng diện tích trồng thay thế diện tích cà phê già cỗi kém hiệu quả.
Đến nay, con số này đã lên tới 3 ha, trong đó cây lớn nhất khoảng 6 năm tuổi và cây nhỏ nhất 2 năm tuổi. Ngoài một phần diện tích vườn ở dọc Quốc lộ 27C, phần lớn mận được gia đình anh Thản trồng ở khu vực triền đồi
Hiện, toàn bộ diện tích đều đã cho thu hoạch. Giá bán hiện nay dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng ưu đãi, mận Tam hoa có lớp vỏ căng bóng, quả cứng, to ngon, giòn và càng chín càng đỏ mọng.
Vườn mận Tam Hoa sẽ chín rộ bắt đầu từ khoảng tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 6. Ngoài thu hoạch quả để bán, đây còn là điạ điểm được nhiều du khách lựa chọn để tham qua và mua trái tại vườn.
Mô hình trồng mận Tam Hoa của gia đình anh Thản hiện đang được nhiều bà con ở vùng Đa Chais học tập và nhân rộng.
Ngoài chủ động ươm cây mận giống phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và bán cho bà con, anh Thản còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng mận giúp đỡ bà con trong vùng trồng và chăm sóc loại cây này có hiệu quả.
Viết bình luận