Nhãn là loại quả đặc sản của Hưng Yên, hàng năm thu nhập từ cây nhãn chiếm cỡ 12-13 % tổng thu ngành nông nghiệp của tỉnh này.
Dù vậy, sản xuất nhãn trên địa bàn tỉnh đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là cơ cấu giống nhãn không hợp lý, bao gồm chủ yếu là các giống chín chính vụ, thời gian thu hoạch tập trung khoảng 1 tháng, giá bán không được cao, áp lực bán rộ lớn. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích nhãn muộn và nhất là nhãn sớm gần như không đáng kể. Do được trồng từ lâu đời và chủ yếu bằng hạt nên Hưng Yên được xác định là địa phương rất phong phú về nguồn gen cây nhãn. Thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh có đủ các trà nhãn chín sớm, chính vụ và muộn.
Đây là nguồn thực liệu quan trọng và rất quý cho tuyển chọn giống tốt, nhất là khi những quả nhãn chín cực sớm, tức là vào đầu tháng bảy, đã được các chủ vườn bán với giá 60.000-70.000đ/kg, còn trung tuần tháng bảy bán được phổ biến 30.000-40.000đ/kg và có bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Chính vì vậy mà Viện Nghiên cứu Rau quả và Sở NN & PTNT Hưng Yên mới đây đã kết hợp tổ chức bình tuyển “người đẹp” nhãn sớm. Điều kiện tham gia bình tuyển khá đơn giản là cây nhãn phải trên 8 năm tuổi, có xuất xứ rõ ràng, ra hoa đậu quả tự nhiên, đạt năng suất cao, chất lượng tốt trong 3 vụ từ 2007-2009 và phải chín sớm. Thang điểm được ban giám khảo đặt ra khá chi tiết gồm 11 chỉ tiêu với tổng số điểm tối đa là 250 và được xếp loại như sau: cây đầu dòng 201-250 điểm, cây tốt đủ tiêu chuẩn làm giống 151-200 điểm, cây bị loại dưới 150 điểm.
Kế hoạch bình tuyển được gửi tới các huyện, thị trong tỉnh, phiếu đăng ký được phát đi rồi sơ loại vòng 1 theo phiếu sau đó sơ khảo vòng 2 tại vườn hộ gia đình, tổng hợp số liệu, lựa chọn “người đẹp” vào vòng chung khảo. Trên địa bàn tỉnh có 36 cây đăng ký dự tuyển nhưng sau khảo sát tổ bình tuyển đã loại 22 cây không đúng đối tượng. Phần lớn các cây bị loại do còn chưa đủ tuổi, một số do xử lý ra hoa chứ không để tự nhiên. Sàng sẩy qua lại đã có 14 cây đủ tiêu chuẩn dự tuyển, trong đó vật liệu trồng có 4 cây gieo hạt, 1 cây ghép và 9 cây cành chiết.
"Thí sinh" lớn tuổi nhất mang mã số PHS 1-3 của ông Đào Khắc Ỏn - ở Quảng Châu, TP Hưng Yên có tuổi 47 - tuổi “loại thải” trong các cuộc thi người đẹp nhưng lại là thời kỳ đang rất sung mãn của cây. Ngay từ sáng, mặc cho mưa to, hội trường Sở NN & PTNT Hưng Yên vẫn đầy đủ thành phần, phần đông trong số đó mang khuôn mặt đăm chiêu vì là người nhà của các "thí sinh" nhãn. Ông Đào Khắc Ỏn cho biết, trong vườn nhà mình có 15 cây nhãn chín sớm trong đó có "thí sinh" hôm nay mang đi thi là cây to nhất, đường kính thân trên 70cm, năm nào cũng có quả, ước thu vụ này tới trên 5 tạ. Tổng thu từ 15 cây nhãn sớm này mỗi năm trên 20 triệu. “Cây này người ta giả buôn 10 triệu từ đầu vụ tôi không bán mà đem bán lẻ, kiểu gì cũng được 12-13 triệu. Nó có đức tính tốt là hầu như không mất mùa năm nào trong suốt gần 50 năm”.
Nhận xét về “nhan sắc”, cũng như số đo các vòng của thí sinh, ông Ngô Hồng Bình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả: “Cách đây chừng vài năm tôi sang Thái thấy nhãn của họ đẹp và ngon quá, cứ ước ao bao giờ ta có những sản phẩm như vậy. Giờ đây, tại cuộc bình tuyển nhãn sớm này tôi thấy có những mẫu đã đạt tiêu chuẩn ngang nhãn Thái”. Phần thi trở nên hấp dẫn khi các giám khảo lần lượt nếm để định tính các chỉ tiêu gồm độ ráo, độ róc, độ ngọt và độ thơm của cùi.
Khán phòng im phắc, chỉ còn tiếng nhóp nhép đều đều. Có vị giám khảo còn đem cả máy thử nồng độ đường ra để “tét” cho thêm phần khoa học. Máy thử thông báo độ ngọt cao nhất là 24, thấp nhất cỡ 19. Sau nhiều bài kiểm tra, cuối cùng đăng quang trong cuộc thi đầu tiên này là các thí sinh mang mã số PHS 1-1; PHS 1-2; PHS 1-3; PHS 1-4; PHS 1-13, các thí sinh còn lại được công nhận đạt tiêu chuẩn giống. Đây sẽ là nguồn gen quý nếu biết cách quản lý và có kế hoạch khai thác tốt sẽ đem lại sự đa dạng về thời vụ cho không những cây nhãn ở Hưng Yên mà còn các tỉnh bạn…
Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
Viết bình luận