Anh Lê Vĩnh Thọ (ấp Tân Xuân, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã từ bỏ công việc với mức lương khá cao để trở về quê khởi nghiệp trồng bưởi Tam Hồng, mở đầu cho khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê nhà.
Bỏ phố về quê vì mê một giống bưởi lạ
Từ bỏ công việc với mức lương nhiều người mơ ước, anh Lê Vĩnh Thọ quyết định về nơi “chôn nhau cắt rốn” lập nghiệp.
Nói về quyết định táo bạo này, anh Thọ cười hiền khô: “Suốt 13 năm bươn chải xa quê, cuộc sống tuy đủ đầy nhưng cảm giác nhớ quê và khát khao làm điều gì đó đặc biệt tại quê nhà cứ thôi thúc tôi…”.
Năm 2018, trong một lần đi công tác, anh được mời dùng thử bưởi Tam Hồng. “Ngay lần đầu ăn bưởi này tôi đã rất ấn tượng vì vị bưởi ngọt vừa phải và mang mùi thơm rất đặc biệt. Thêm vào đấy, loại bưởi có trái to và mẫu mã trông rất bắt mắt”- anh Thọ chia sẻ.
Bị vẻ đẹp và vị ngon của bưởi Tam Hồng thu hút, anh Thọ liền nhờ một trung tâm cây giống ở Hà Nội đặt mua 100 nhánh bưởi với giá 90 triệu đồng về trồng.
“Là dân “tay ngang” tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã quyết định thì tôi phải làm cho bằng được. Tôi lên mạng, đọc thêm sách báo, rồi học từ những người quen, thậm chí là sang tận Bến Tre để học cách chăm bón cây có múi, kỹ thuật ghép cành”- anh Thọ nhớ lại.
Những đợt trái đầu, chất lượng không như mong muốn nhưng với anh đó là bài học kinh nghiệm vô cùng quý. Đến năm thứ 3, anh đã tích lũy được kỹ thuật chăm sóc cũng như ra trái đạt chất lượng, từ trọng lượng, màu sắc và độ ngọt luôn được đảm bảo để bán ra thị trường.
Dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, vườn của anh cung cấp cho thị trường khoảng 500 cặp bưởi với giá dao động từ 500.000- 700.000 đ/cặp.
Ôm giấc mơ lớn với cây bưởi Tam Hồng
Hiện trên diện tích 15.000m2 đất vườn sẵn có của gia đình, anh Thọ nhân giống và trồng khoảng 700 gốc bưởi Tam Hồng từ 6 tháng tới hơn 3 năm tuổi.
Theo anh Thọ, để phân biệt thân bưởi Tam Hồng chỉ cần quan sát chỗ tán cây rẻ, trái mọc theo từng chùm. Bông bưởi và trái bưởi non đều màu tím.
Dưới mỗi nách lá đều với một gai nhọn. Bưởi trồng 18 tháng là bắt đầu cho trái chiếng. Đặc biệt, bưởi Tam Hồng ra trái thành chùm quanh năm, mỗi chùm 2- 3 trái, thậm chí với chùm 5- 6 trái. Trọng lượng mỗi trái từ 2- 3,5kg.
Anh Thọ cũng cho biết thêm, anh sẵn sàng bán những cây giống này, chuyển giao kỹ thuật trồng cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm cho những ai muốn trồng bưởi Tam Hồng.
“Thấu hiểu nỗi lo của bà con là khi trồng loại bưởi này là trồng thế nào, bán cho ai, nên tôi quyết định chuyển giao kỹ thuật, cũng như bao tiêu hết cho bà con. Hiện tôi đã có vài chục khách hàng trong và ngoài tỉnh, vườn bưởi của họ đang ở giai đoạn gần 1 năm tuổi và phát triển rất tốt”.
Anh Nguyễn Văn Mười (ấp Trung Minh 2, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Lần đầu nhìn thấy trái bưởi Tam Hồng tôi rất thích nên đặt mua về trồng, nay đã được 6 tháng, thấy mê lắm”.
Ngồi trong vườn bưởi mát rượi, ngắm nhìn cây sai oằn trái, anh Thọ phấn khởi tiết lộ: “Đất vườn nhà khá rộng, cùng với lợi thế về thiên nhiên, tôi rất muốn nơi đây sẽ trở thành tham quan miệt vườn cho du khách gần xa”.
Mới đây, giống bưởi Tam Hồng của anh Thọ đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công nhận thương hiệu bưởi Tam Hồng miền Tây.
Dạo quanh vườn bưởi, nghe những câu chuyện về ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê nhà của anh Thọ, chúng tôi tin rằng chỉ cần có ý chí và sự cầu thị thì không điều gì có thể cản được bước chân lập nghiệp của người nông dân trẻ này.
Viết bình luận