Đánh thức cây ăn quả miền Trung

Nhìn lại, cây ăn quả ở miền Trung đang có diện tích không nhỏ, lại hội đủ ưu thế để phát triển thành vùng cây ăn quả tập trung, có lợi thế cạnh tranh với các vùng do thu hoạch trái vụ tự nhiên.

Tiềm năng ấy đến nay vẫn còn ngủ quên, bởi chưa được quan tâm đúng mức. Làm thế nào để đánh thức tiềm năng cây ăn quả ở miền Trung đang là bài toán làm bận lòng các nhà khoa học!  

Hội đủ lợi thế

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn miền Trung không hề nhỏ, khoảng 85.000ha, trong đó xoài 12.500ha, chuối 18.600ha, dừa 26.000ha và một số loại cây mang tính chất đặc thù của vùng như 1.200ha nho tập trung ở tỉnh Ninh Thuận và 26.000ha thanh long tập trung ở tỉnh Bình Thuận.

13-59-13_1
Vườn xoài của ông Nguyễn Ngọc ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) vào mùa thu hoạch

Đặc biệt, cây ăn quả ở miền Trung không trồng phân bố rải rác, mà chỉ tập trung ở một số tỉnh. Ví như trong toàn vùng có 12.500ha xoài thì tập trung nhiều nhất ở tỉnh Khánh Hòa từ 7.000 - 10.000ha; 2 tỉnh Bình Thuận và Bình Định mỗi tỉnh trồng khoảng từ 1.500 - 3.000ha. Hay như cây dừa có diện tích 26.000ha thì tập trung chủ yếu tại Bình Định với 10.500ha, tiếp theo là Quảng Ngãi 7.000ha, Phú Yên 5.000ha. Thực tế trên vô tình đã hình thành nên vùng sản xuất tập trung.

Bên cạnh hình thành vùng sản xuất tập trung, cây ăn quả ở miền Trung còn hình thành nên bộ giống. Bởi theo phân tích của TS Hồ Huy Cường, miền Trung có 12.500ha xoài nhưng chỉ trồng 3 loại giống, đó là xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan và xoài Úc; 18.600ha chuối nhưng chỉ tập trung trồng chuối mốc (chuối sứ); 26.000ha dừa nhưng chỉ trồng 2 giống, dừa xiêm uống nước và dừa ta lấy dầu; 26.000ha thanh long được trồng chủ yếu giống ruột trắng; 1.200ha nho tập trung 2 giống Red Cadinal (nho tím) và NH01-48 (nho xanh); 700ha sầu riêng chỉ 1 loại giống Mongthong; 1.100ha táo chỉ trồng 1 loại táo xanh…

“Việc đã định hình bộ giống là điều kiện thuận lợi để miền Trung phát triển vùng cây ăn quả đồng đều, tập trung”, TS Hồ Huy Cường nhận định.

Ngoài ra, trong quy trình sản xuất cây ăn quả, nông dân miền Trung còn ứng dụng thành thạo các tiến bộ KHKT trên từng loại cây trồng. Ví như từ những năm 2006 - 2008, nông dân Khánh Hòa đã rất rành rõi việc cắt cành những cây xoài giống cũ để ghép mới xoài Úc. Các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả cũng đã được hình thành trong quy trình sản xuất. Ngoài ghép xoài thay giống, nông dân còn rất giỏi việc xử lý cho xoài ra hoa tập trung và xử lý xoài ra hoa trái vụ, tưới nước tiết kiệm cho xoài để nâng cao năng suất, bao quả xoài ngăn ruồi đục quả tấn công gây hại.

13-59-13_2
Ông Nguyễn Ngọc với vườn xoài 750 cây đang kinh doanh cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm

Một lợi thế khác mà cây ăn quả ở miền Trung được thiên nhiên ban tặng là mùa mưa ở đây trái với mùa mưa ở các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm là miền Đông Nam Bộ và miền Bắc. Do đó, thời điểm thu hoạch cây ăn quả ở miền Trung trái vụ tự nhiên với các vùng khác nên tránh được cạnh tranh trong khâu tiêu thụ. Khí hậu nắng nóng cũng là lợi thế của cây ăn quả ở miền Trung, vì hiện nay hệ thống thủy lợi không chỉ ưu tiên tưới cho cây lúa mà các đối tượng cây ăn quả, rau màu cây công nghiệp cũng được quan tâm. Hệ thống thủy lợi phát triển càng phát huy ưu thế nền nhiệt độ cao của miền đất nắng nóng. Bởi theo giải thích của TS Hồ Huy Cường, khi nền nhiệt độ cao thì cường độ bức xạ lớn, mà khi cường độ bức xạ lớn thì cây quang hợp nhiều hơn, đây là điều kiện để cây cho năng suất cao và mùa thu hoạch ngắn lại.

“Ở xứ lạnh mùa ra hoa đậu trái của cây ăn quả phải kéo dài đến 6 tháng, nhưng ở miền Trung nhờ nền nhiệt độ cao nên chỉ khoảng 4 tháng rưỡi. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, miền Trung sẽ giảm lượng mưa trong mùa nắng, nhờ đó cây ăn quả tránh được nguy cơ bào tử nấm và bào tử vi khuẩn phát sinh gây hại, cây tránh được bệnh”, TS Hồ Huy Cường cho hay.  

Cần đánh thức

Hội đủ những điều kiện thuận lợi như trên nhưng thời gian qua cây ăn quả ở miền Trung chưa được xem trọng phát triển thành vùng hàng hóa. Muốn đánh thức tiềm năng cây ăn quả ở miền Trung, theo TS Hồ Huy Cường, việc đầu tiên cần làm là 1 đơn vị khoa học phải đảm nhận nhiệm vụ tổng hợp, xác định được trong vùng đang có những loại cây gì, diện tích bao nhiêu, và chọn ra một số cây chủ lực. Sau đó, đơn vị khoa học phải tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả trên từng loại cây trồng để xây dựng nên gói kỹ thuật, để sau đó áp dụng rộng rãi vào sản xuất.

“Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng cần xem lại cây ăn quả ở miền Trung còn có những điểm yếu gì. Ví như với đối tượng xoài Úc, nếu dùng túi bao quả để tránh ruồi đục quả tấn công gây hại thì quả xoài sẽ không lên màu, người tiêu dùng không ưng bụng. Bây giờ cần nghiên cứu dùng túi bao loại nào không ảnh hưởng đến việc lên màu của quả xoài, hoặc nghiên cứu giải pháp không dùng túi bao, nhưng ngăn được lũ ruồi tấn công gây hại.

Cây ăn quả ở miền Trung cần được hình thành theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu thì mới mong phát triển bền vững. Khi đã có vùng sản xuất tập trung số lượng hàng hóa lớn, đồng nhất chủng loại thì khi ấy dễ lôi kéo daonh nghiệp nhảy vào bao tiêu sản phẩm. Đến khi ấy tiềm năng cây ăn quả mới thực sự được đánh thức”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.

13-59-13_3
Nông dân Nguyễn Ngọc không chỉ áp dụng tưới tiết kiệm cho xoài để nâng năng suất mà còn giỏi việc ghép giống xoài mới

Khi tiềm năng cây ăn quả ở miền Trung được đánh thức, một bộ phận không nhỏ nông dân trong vùng sẽ có được cuộc sống ổn định. Bởi, so sánh hiệu quả kinh tế giữa các loại cây ăn quả với cây lúa, cây ngô hay các loại rau màu thì thu nhập của cây ăn quả vượt trội. Trồng cây ăn quả là 1 hướng sản xuất bền vững, bởi chỉ trồng 1 lần là thu hoạch đến 20 - 30 năm sau. Trong khi đó, cây ăn quả ít sử dụng nước tưới hơn các loại cây trồng khác, áp lực về nước tưới của nhưng tỉnh trong vùng thường xuyên xảy ra hạn hán sẽ được giảm. Thêm vào đó, cây ăn quả còn tăng tán che phủ nên nền đất giảm được bốc thoát hơi nước, nhu cầu tưới ít lại và làm giảm xói mòn đất.

Ông Nguyễn Ngọc (63 tuổi) ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định), chủ nhân của 750 cây xoài từ 10 - 17 năm tuổi đang cho kinh doanh, bộc bạch: “Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở Phù Cát khác với các tỉnh miền Nam, nên xoài Hòa Lộc ra hoa, đậu quả muộn hơn các vùng trồng xoài khác từ 1 - 2 tháng. Hơn nữa, hương vị của xoài cát được trồng ở đây cũng khác rất nhiều so với xoài cát Hòa Lộc được trồng ở miền Nam.

Chính nhờ đặc trưng rất riêng này nên xoài cát Hòa Lộc trên đất Phù Cát cho thu hoạch trái mùa với các vùng khác nên thường bán được giá cao. Ngoài ra, nhờ chất lượng ngon nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mấy năm nay giá xoài ổn định, dao động từ 18.000 -28.000 đồng/kg, chỉ tính bình quân giá 20.000 đồng/kg thì các nhà vườn đều có thu nhập cao, riêng vườn xoài của tui năm nào cũng cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng”.

+ “Trong năm 2016 xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, năm 2017 nước ta phấn đấu xuất khẩu trái cây đạt 3 tỷ USD. Trong khi đó, dòng xuất nhập khẩu trái cây của thế giới hiện nay mỗi năm lên đến 150 tỷ USD. Như vậy, dư địa của cây ăn quả của Việt Nam nói chung và của miền Trung là rất lớn”, TS Hồ Huy Cường.

+ Theo thống kê, diện tích đất còn có thể phát triển trồng cây ăn quả ở khu vực Nam Trung Bộ còn rất lớn. Đối với nhóm đất đỏ vàng còn đến 27 triệu ha chủ yếu trồng keo, nhóm đất xám còn 377.000ha và diện tích đất gò đồi nhóm đất đỏ vàng cũng đang còn khá nhiều. Trước chủ trương của Bộ NN-PTNT xác định cây ăn quả là đối tượng cây trồng chủ lực phục vụ nội địa và xuất khẩu, việc đánh thức tiềm năng cây ăn quả ở miền Trung là rất cần thiết.

Viết bình luận