Hàng loạt hộ nghèo được hỗ trợ giống cây gỗ trồng rừng đã bị nhà thầu cùng cán bộ huyện Minh Hóa (Quảng Bình) lợi dụng tráo cây giống không đúng chủng loại khiến bà con bị thiệt hại. Bị truy vấn, Chủ tịch UBND huyện đổ thừa do cán bộ học… tại chức nên không biết gì.
Vườn nhà ông Hưng phải mua giống ngoài để trồng vì bị lừa keo giống giâm hom là keo cấy mô
Hợp đồng một đàng, cung ứng một nẻo
Theo quyết định 2345/QĐ-UBND huyện Minh Hóa ngày 8.12.2016, có 22 hộ dân của 6 xã vùng khó khăn được hỗ trợ 65.179 cây keo cấy mô để trồng rừng lấy gỗ với diện tích hơn 32ha. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Hồ sơ mời thầu của Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa ghi rõ phải cung ứng giống keo cấy mô nhằm đảm bảo đúng quy trình giống cũng như cây lên tốt, gỗ chắc. Công ty TNHH giống cây trồng Nam Việt (Thôn 8, Trung Trạch, Bố Trạch) là đơn vị cung ứng. Tuy nhiên, khi cây giống về với người dân thì bị phát hiện giống keo không phải từ cấy mô mà lại là keo giâm hom, phẩm chất kém hơn loại giống cấy mô.
Ông Đinh Minh Hưng ở thôn Đa Năng, xã Hóa Hợp cho biết: “Nhà nước hỗ trợ keo cấy mô mà Công ty Nam Việt lại đưa giống giâm hom về là giống giả rồi, nên tui không trồng vì nó chết quá nhiều. Làm ăn dối trá như thế này chúng tôi không chấp nhận được. Nhà nước làm tốt cho dân mà người đưa tráo giống, chúng tôi báo lên UBND huyện nhưng cho đến nay không có lời xin lỗi nào. Không khắc phục hậu quả là coi thường đồng tiền chính sách quá”.
Trưởng thôn Đa Năng, ông Đinh Thanh Hiệu đánh giá: “Keo cấy mô bà con rất thích vì đảm bảo, giá thành tốt. Trồng theo quy trình 10 năm có gặp bão thì không gãy đổ vì rễ cắm sâu xuống đất. Còn keo giâm hom có mưa bão là gãy đổ vì rễ nó cạn, dân không thích. Giá mỗi cây keo cấy mô từ 2.800 đồng đến 3.500 đồng, còn keo giâm hom thì chỉ từ 500 đồng đến 900 đồng một cây giống”.
Ông Hiệu cho biết thêm, cây keo cấy mô không bị chết như cây keo giâm hom. Để chứng minh ông Hiệu dẫn chúng tôi đến thôn Đa Thịnh chứng kiến một số cây giống keo cấy mô chưa trồng vẫn không chết, và ông cho rằng cả cán bộ huyện và nhà thầu cấu kết lừa dân.
Tình hình keo giống loại giâm hom chết không chỉ tại xã Hóa Hợp mà còn diễn ra ở một số xã khác. Với gia đình ông Hưng, phải chữa cháy bằng cách mua keo giống thường bán ở địa phương 380 đồng/cây, và hiện đang cho thấy sống ổn. Nhưng, ông vẫn tiếc không được nhận giống cấy mô từng được hứa.
Cây keo cấy mô dù hạn nặng vẫn không chết, trong khi cây keo giống công ty Nam Việt tráo cho dân chết hơn 10.000 cây
Sai vì… cán bộ tại chức
Liên quan sự việc này, UBND huyện Minh Hóa đã có hai văn bản báo cáo thường trực Huyện ủy Minh Hóa, một do ông Đinh Minh Hương, Phó chủ tịch UBND huyện thực hiện theo quyết định lập đoàn kiểm tra số 706 ngày 24.4.2017. Văn bản này không đi sâu nói rõ trách nhiệm cung ứng giống của lãnh đạo huyện, nhà thầu, cán bộ nông nghiệp mà chỉ nói đến: “Đề nghị thu hồi nộp vào ngân sách huyện số tiền chênh lệch giữa cây keo lai nuôi cấy mô và cây keo lai giâm hom”.
Ngoài ra, trong báo cáo xác minh việc gian lận cung cấp giống sai cho người dân thì ông Hương lại nêu có phát hiện một hộ dân, bà Cao Thị Lý trồng ngoài đất cho phép 0,05ha.
Văn bản thứ hai, báo cáo số 64/BC-UBND do ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa ký ngày 29.5.2017 có chỉ ra thêm loại giống của Công ty Nam Việt cung cấp chết 10.009 cây, trong đó tại nhà ông Hưng chết 1.300 cây, cung ứng không đúng chủng loại 40.204 cây keo lai. “Đây là loại có chất lượng thấp hơn, giá thành rẻ hơn so với cây keo lai ghép mô”, báo cáo nêu rõ.
Liên quan đến sự việc này, ông Đinh Hữu Niên đổ thừa do trình độ cán bộ phòng nông nghiệp học tại chức, chữ đã trả cho thầy nên không phân biệt được giữa keo cấy mô với keo giâm hom nên mới dẫn đến sự việc trên. Khi nói về trách nhiệm cán bộ, ông Niên nói sẽ kỷ luật cán bộ phòng NNPTNT. Còn trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp ông Niên không nói đến.
Về việc hỗ trợ giống cây bằng ngân sách huyện, theo ông Niên giá do sở NNPTNT duyệt một cây giâm hom là 900 đồng, cao hơn thị trường 300 đồng. Các hộ nghèo được hỗ trợ, giao trồng hơn 32ha rừng thì nay chỉ phủ được 7,7ha rừng cây keo cấy mô.
Vào đầu vụ Đông Xuân năm nay, hộ nghèo ở 15 xã (trừ thị trấn Quy Đạt) của huyện Minh Hóa được hỗ trợ các loại giống, trong đó có lạc, để phát triển sản xuất theo chương trình hỗ trợ sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn. Mỗi xã được hỗ trợ lạc giống trị giá từ 300-500 triệu đồng.
Tuy nhiên dân gieo 10 hạt thì chỉ 3 hạt lên. Công ty tư nhân Tân Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) thay vì cung cấp giống lạc SVL14, L14 theo hồ sơ thầu thì tự ý cung ứng giống lạc lép L23 khiến dân nghèo bức xúc. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Hoàng Đăng Quang từng chỉ đạo xử lý nghiêm minh vì bóp méo chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ cây giống cho đồng bào huyện rẻo cao Minh Hóa.
Viết bình luận