Đem cây đặc sản Hà Tĩnh về trồng ở Quảng Bình, bất ngờ vườn "treo đầy vàng", nông dân sống khỏe

Những năm qua, nông dân miền núi huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất màu kém hiệu quả, đất vườn, đồi thấp sang trồng bưởi Phúc Trạch (đặc sản miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Hiện nhiều vườn bưởi Phúc Trạch trên địa bàn huyện này đang ra trĩu quả, mang lại cho người nông dân khoản thu nhập 300 triệu đồng/năm.

Trồng bưởi Phúc Trạch thu về hàng trăm triệu/năm

Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Đinh Văn Qúy (ở thôn Kim Lũ, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Đất vườn của gia đình tôi trước đây trồng keo, tràm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ việc trồng keo, tràm không cao, nhiều diện tích còn bị đổ gãy do bão... gây thiệt hại đáng kể. Cách đây 3 năm, qua xem tivi, tôi thấy ở Hà Tĩnh trồng cây ăn quả trên vườn đồi cho thu nhập cao nên tôi đã học hỏi và lấy bưởi Phúc Trạch về trồng thử".

Theo anh Qúy, sau 3 năm trồng, cây bưởi Phúc Trạch phát triển tốt, chất lượng quả đạt tiêu chuẩn. Hiện vườn bưởi của anh Qúy có 300 gốc bưởi Phúc Trạch và được trồng theo hướng hữu cơ. 

Quảng Bình: Nông dân chuyển đổi đất đồi kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch thu về 300 triệu/năm - Ảnh 2.
Anh Đinh Văn Qúy (ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) bên vườn bưởi Phúc Trạch cho trĩu quả, đang chín vàng ươm. Ảnh: Trần Anh

"Năm nay vườn bưởi ra trĩu quả, ước được 15.000 quả, giá dao động từ 15 – 25.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ), sau vụ này gia đình tôi thu về khoảng 300 triệu đồng. Đây là "quả ngọt" mà tôi đã mạnh dạn chuyển từ đất vườn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Qua thời gian trồng, tôi cũng nhận thấy rằng, giống bưởi Phúc Trạch đã "bén đất" Kim Hóa và thực sự chinh phục được những vị khách sành ăn bởi vị ngọt thanh mát, múi bưởi dày, đều nhau, khi bóc ra múi bưởi mọng nước", anh Qúy chia sẻ.

Quảng Bình: Nông dân chuyển đổi đất đồi kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch thu về 300 triệu/năm - Ảnh 3.
Vườn bưởi của anh Trương Quốc Việt (ở thôn Kim Lũ, xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) năm nay cho thu hoạch 1,2 vạn quả. Ảnh: VT.

"Trước đây, đất vườn nhà tôi trồng sắn, lạc nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi qua trồng bưởi Phúc Trạch. Hiện bưởi nhà tôi ra trĩu quả và kích thước quả to. Đây là năm thứ 2 vườn bưởi nhà tôi cho thu hoạch, bưởi thu được 1,2 vạn quả, trị giá 300 triệu đồng". ông Trương Quốc Việt (ở thôn Kim Lũ, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây đặc sản của Hà Tĩnh

Theo anh Nguyễn Văn Qúy (ở thôn Kim Lũ, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), khi trồng bưởi Phúc Trạch diện tích lớn thì quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống và cách chăm sóc. Giống phải có nguồn gốc xuất xứ, không mua trôi nổi trên thị thường. 

Quảng Bình: Nông dân chuyển đổi đất đồi kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch thu về 300 triệu/năm - Ảnh 4.
Anh Đinh Văn Qúy (ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đứng bên vườn bưởi Phúc Trạch chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi cho trĩu quả. Ảnh: Trần Anh

Tiếp đến là cách chăm bón, muốn cây bưởi to, khỏe thì không nên cho trái sớm, vì nếu cho trái sớm, cây sẽ mất sức, những năm tới bưởi sẽ cho năng suất thấp. Khi cây có trái rồi, người dân nên chăm bón thường xuyên, theo dõi sâu bệnh để phòng trừ. 

Khi cây đến độ cho trái thì mỗi năm phải bón phân 3 lần, bón cho cây ra hoa và lộc vào dịp đầu xuân, bón phân để nuôi quả khi cây ra trái và bón khi thu hoạch xong để cây phục hồi sức.

Quảng Bình: Nông dân chuyển đổi đất đồi kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch thu về 300 triệu/năm - Ảnh 5.

Bưởi Phúc Trạch trồng trên đất Kim Lũ (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho trĩu quả, bà con nông dân rất phấn khởi. Ảnh: Trần

Anh.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Kim Hóa, cho biết: "Để giúp người dân phát triển mở rộng diện tích trồng bưởi Phúc Trạch, thời gian qua, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn và dạy nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi nhằm đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào phát triển nhân rộng vùng bưởi ngọt…"

"Hiện xã Kim Hóa đang hướng dẫn, hỗ trợ cho các gia đình trồng bưởi thành lập hợp tác xã để hợp tác sản xuất hàng hóa các sản phẩm cây có múi với quy mô lớn, chất lượng cao, gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hướng tới tham dự sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là "cánh cửa" mở cơ hội lớn hơn cho quả bưởi thâm nhập sâu hơn và khẳng định chỗ đứng trên thị trường nông sản", ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

"Toàn huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) hiện có 40ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Huyện cũng đang phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Bình triển khai Đề tài Xây dựng thương hiệu bưởi Tuyên Hóa, trong năm nay, sẽ hỗ trợ và hướng dẫn xây dựng 2 sản phẩm OCOP đó là bưởi Kim Lũ và cam Kim Lũ", ông Đinh Xuân Thương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Viết bình luận