Ông Nguyễn Văn Xuyên (61 tuổi, trú tại thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) được người dân trong xã khâm phục bởi ông luôn đi đầu, tìm tòi để trồng thanh long vàng mới, lạ có giá trị kinh tế cao với mục đích làm giàu. Hành trình bắt cây, bắt đất "đẻ" vàng của ông từng gặp không ít gian nan...
Đặt mua giống thanh long lạ tận Thái Lan về trồng
Từ lâu, ông Nguyễn Văn Xuyên được người dân trong xã khâm phục bởi ông luôn đi đầu, tìm tòi những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao để đưa vào trồng với mục đích làm giàu. Lần này, cây trồng mới trong vườn nhà ông là cây thanh long quả vàng giống Thái Lan.
Sau 3 năm trồng thử nghiệm, cây thanh long vàng đã cho thu hoạch những đợt đầu tiên. Ông Xuyên cho biết, ông mới bán mấy chục kg thanh long quả vàng, giá 25 nghìn đồng/kg. Với giá này, Thanh long quả vàng đang có giá cao hơn 5000 đồng/kg so với Thanh long ruột đỏ.
Ông Xuyên bẻ một quả thanh long ruột đỏ, một quả thanh long quả vàng bổ ra mời đãi khách. Theo cảm quan đánh giá, thanh long quả vàng có vỏ quả màu vàng, nhìn bắt mắt hơn màu quả đỏ của thanh long ruột đỏ. Bên trong thanh long quả vàng có ruột trắng như thanh long ruột trắng. Khi ăn không có vị ngọt như thanh long ruột đỏ mà có vị chua nhẹ giôn giốt, thanh và dễ ăn hơn thanh long ruột trắng.
Hỏi về cơ duyên nào đưa ông đến với giống Thanh long quả vàng? Ông Xuyên cười nói: "Thông qua một người bạn chuyên cung cấp giống thanh long ở miền Nam giới thiệu về giống Thanh long quả vàng. Thấy hay, tôi đặt mua 20 mầm giống tận bên Thái Lan, với giá 180 nghìn đồng/mầm".
Sau khi mua được mầm giống, ông Xuyên trồng 5 trụ Thanh long để nghiên cứu. Ông Xuyên cho biết, cây Thanh long quả vàng có nhiều ưu điểm hơn so với giống Thanh long khác.
Về ưu điểm, giống thanh long quả vàng khỏe, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, sai hoa, sai quả, giá trị kinh tế cao. Còn nhược điểm, hoa dài gây vẹo thân nếu không kịp thời nắn chỉnh lại, sau này quả có hình dáng không đẹp, ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Thời gian đầu, với 5 trụ thanh long quả vàng, ông Xuyên nhân giống trồng dần. Đến nay, ông đã trồng được 20 trụ cây thanh long quả vàng và đều đã cho quả và được xuất bán ra thị trường. Hiện thanh long quả vàng cho ông Xuyên hai nguồn thu, đó là bán quả ra thị trường và bán giống cho những nhà vườn khác trồng thử nghiệm.
Khi hỏi về kế hoạch phát triển rộng giống thanh long quả vàng, ông Xuyên cười: "Hết đất trồng rồi. Trước mắt cứ duy trì 20 trụ này để nhân giống bán cho bà con thôi. Vì trong vườn nhà tôi, hiện có 500 trụ cây Thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch và thu nhập ổn định nếu phá một loạt để thay bằng Thanh long quả vàng sẽ bị nhỡ mất 2 năm không có nguồn thu. Vì vậy, tôi chưa có kế hoạch phát triển rộng giống thanh long này. Nếu có thay, tôi cũng chỉ thay dần những trụ thanh long ruột đỏ nào già cỗi và kém năng suất thôi".
Cây thanh long lạ không phụ người tâm huyết
Cây thanh long quả vàng giống Thái Lan chỉ là một trong nhiều loại cây trồng mà ông Xuyên tìm tòi mang về trồng tại vườn để phát triển kinh tế gia đình.
Với diện tích hơn 1 ha, ông lựa chọn hướng trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình nên nhiều năm trước, ông đã tìm tòi đưa nhiều loại cây ăn quả từ phương Nam về trồng như: Chôm chôm, bòng bòng, măng cụt, sầu riêng thử nghiệm nhưng đều không thành công, có loại cây không phát triển được, có loại ra quả nhưng lại nhỏ, không năng suất, không hiệu quả kinh tế… Không nản, ông Xuyên vẫn không ngừng tìm những cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất bán sơn địa nơi ông ở.
Năm 2008, ông Xuyên trồng thanh long ruột trắng. Sau đó, tìm hiểu thêm thấy có loại thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao hơn ruột trắng nên ông chuyển sang trồng Thanh lòng ruột đỏ và dần thay thế toàn bộ thanh long ruột trắng. Qua năm sau, năm 2010, khi Hội Nông dân thị xã Chí Linh (nay là thành phố Chí Linh) triển khai dự án mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Hoàng Hoa Thám, ông Xuyên và một số hộ trong xã là những hộ tham gia dự án.
Được dự án hỗ trợ vật tư, kiến thức về trồng chăm sóc thanh long ruột đỏ, ông Xuyên đã nhanh chóng phát triển diện tích trồng thanh long của gia đình từ vài chục trụ lên hàng trăm trụ thanh long ruột đỏ. Hiện này, vườn nhà ông có 500 trụ thanh long ruột đỏ sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao, giá ổn định. Hàng năm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Kinh tế gia đình ông ngày một khởi sắc.
Không dừng lại ở cây thanh long ruột đỏ, ông Xuyên tiếp tục tìm tòi loại cây ăn quả khác để trồng phủ xanh các diện tích còn lại trong vườn. Ông đã lựa chọn 2 giống bưởi để trồng là giống bưởi hồng Tân Lạc – Hòa Bình và giống bưởi đường siêu ngọt. Hiện nay, vườn ông có 300 gốc bưởi (5 năm tuổi) đang vào độ tuổi cây phát triển khỏe nhất. Trong số 300 cây bưởi, ông dành một phần để bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Cũng trong thời gian trồng bưởi, ông Xuyên còn đầu tư để phát triển thêm một loại cây mới, đó là dổi. Đây là loại cây trồng lấy hạt để làm gia vị trong chế biến thực phẩm được trồng tập trung ở các tỉnh Tây Bắc. Những năm gần đây, cây dổi được người dân các tỉnh Tây Nguyên trồng để phát triển kinh tế vì giá trị kinh tế cao, với giá một vài triệu đồng/kg hạt dổi.
Ông Xuyên mua cây dổi ghép giá 80 nghìn đồng/cây và mua cả cây giống con giá 20 nghìn đồng/cây để trồng xen giữa các trụ cây Thanh long. Vì đặc trưng cây dổi vươn cao nên không ảnh hưởng đến sự quang hợp của các trụ cây Thanh long bên dưới. Hiện, 200 cây dổi của ông Xuyên phát triển rất tốt, nhiều cây đã bói quả và đã cho thu hoạch hạt. Ông Xuyên khoe: "Vừa rồi tôi bán một cây dổi giá 4 triệu đồng".
Một vài năm nữa, ngoài sản phẩm từ 500 cây thanh long ruột đỏ, thanh long quả vàng, các sản phẩm từ 300 cây bưởi, 200 cây dổi bước vào thời kỳ cho năng suất cao nhất, lúc đó doanh thu của gia đình ông Xuyên sẽ đạt rất cao. Điều đó cũng xứng đáng với công sức, tâm huyết mà ông Xuyên và gia đình bỏ ra, là minh chứng cho hướng đi đúng đắn mà ông Xuyên đã tâm huyết chọn lựa.
Viết bình luận