Điều khiển bưởi da xanh ra trái bán Tết

Những năm gần đây nghề trồng bưởi da xanh trở nên khá phổ biến ở nhiều địa phương, tuy nhiên việc trồng để cho ra trái ngon, sai trái, chất lượng cao, đặc biệt là điều khiển cho ra trái bán đúng vào dịp Tết thì không phải ai cũng làm được. 


Mới đây 
trang trại bưởi da xanh ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đã xử lý thành công, cho bưởi thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán để cung cấp cho hệ thống siêu thị Metro, thị trường nước ngoài như Hà Lan và Tiệp Khắc.


Trao đổi với chúng tôi, họ cho biết: Thông thường ở các tỉnh phía Nam, bưởi thu hoạch chính vụ vào tháng 8, vào thời điểm này người trồng bưởi ai cũng có trái bán, hơn nữa trái chín vào mùa mưa cho nên bưởi thường không ngon, bán bị mất giá. Điểu khiển được bưởi cho ra trái bán vào dịp Tết (trái vụ) thì ít người làm được, bưởi chín vào mùa này trái đẹp hơn, ngon hơn và có vị ngọt rất đặc trưng, đặc biệt bán giá rất cao.

Họ dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh trang trại, điều đáng ngạc nhiên nhất, trong khi một số trang trại bưởi ở nhiều nơi do thời tiết năm nay mưa bão nhiều, hầu hết các vườn bưởi bị mất mùa, cây ít trái thì trang trại bưởi này vẫn sum suê, xanh tốt, cây nào cũng lúc lỉu quả. Bất ngờ hơn, cây nào cũng có 3 thế hệ quả: Bưởi đang cho thu hoạch – bưởi bán Tết – bưởi bán tháng 5 năm sau.


Ở trang trại này, hầu hết các cây cho 300 – 400 trái/năm (3 đợt hái), chị nói. Chúng tôi đề nghị cho cắt trái thử ở một cây ngẫu nhiên, họ đồng ý. Kết quả kiểm chứng được 106 trái, cân được 181 kg. Hầu hết quả loại 1 (theo tiêu chuẩn của Metro bưởi từ 1,3kg trở lên là loại 1). Nếu tính giá bán cho siêu thị thời điểm này từ 20.000 – 22.000đồng/kg, thì một cây hái 1 đợt trị giá gần 4 triệu, nếu hái đúng dịp Tết giá cao hơn nhiều.


Anh Nguyễn Văn Dũng, một nông dân tỉnh Bình Phước tới tham quan nói: “Một gia đình chỉ cần trồng 20 cây bưởi da xanh, nếu chăm sóc tốt thì cũng thoát nghèo được rồi”.


Sau nhiều năm vật lộn với nghề trồng bưởi da xanh, họ đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu và chị muốn chia sẻ để bà con tham khảo: Chỉ xử lý với cây bưởi đã trưởng thành, từ 3 tuổi trở lên. Thông thường ở miền Tây người dân hay xử lý theo phương pháp xiết nước, bón thúc phân đạm…; cách làm của họ thì ngược lại, không những tưới nước mà còn tưới nhiều hơn, mùa nắng chị tưới từ 3 giờ chiều tới 10 giờ sáng ngày hôm sau (tưới phun sương bằng hệ thống tự động), tưới thẩm thấu. 


Công đoạn quyết định thành công hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian nải lá. Thời gian sinh trưởng từ khi ra hoa tới thu hoạch khoảng 210 ngày, tuỳ theo thời tiết nắng ít hay mưa nhiều, để căn ngày nải lá. Thường tiến hành nải lá từ cuối tháng 4 tới tháng 5 âm lịch, chủ yếu nải lá trên nhánh nhện. Kết hợp 
bón phân rải gốc và phân bón lá, cây bưởi sẽ trổ hoa và cho trái bán Tết.


Bón phân gốc, chủ yếu dùng phân gà + men vi sinh Trichodarma + EM + lân Văn Điển + rỉ đường + sữa ủ kỹ rồi đem bón. Một năm bón từ 200 – 250kg phân hữu cơ/gốc, chia làm 3 lần.


Phân bón lá: Dùng phân sinh học 
trùn quế tự chế, phân cá (Fish Emulsion); rong biển, phân da bò, các loại phân này hàm lượng đạm rất cao, mỗi tháng xịt 1 lần (lưu ý không sử dụng phân đạm hoá học). Bón bổ sung thêm phân đa lượng, trung, vi lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết khác. 


Phòng trừ sâu bệnh: Khi vườn bưởi sung sức thì cây ít bệnh, tuy nhiên biện pháp phòng là chính. Có thể dùng thuốc BVTV như: D.C Tronplus liều lượng 20 - 40 cc pha bình 8 lít xịt ngừa sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, rệp sáp; Vithoxam pha 0,4 – 0,6 ml pha bình 8 lít xịt ngừa sâu đục trái, đục thân; hoặc dùng Vishr liều lượng 1 lít thuốc/ha, pha 20ml thuốc cho bình 8 lít nước để phun, trừ sâu keo, sâu đục quả. Các loại thuốc này nên xịt trước lúc bưởi ra hoa, thời gian cách ly 14 ngày trước khi thu hoạch. Khi bưởi đã đậu trái dùng nước ép tỏi + gừng + dầu ăn để phòng và xua đuổi côn trùng.


Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận