Đưa gói kỹ thuật cho vùng cây ăn quả, giúp lợi nhuận tăng hơn 30%
Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh và sản xuất theo VietGAP, một số vùng cây ăn quả của Khánh Hòa đã tăng giá trị, lợi nhuận tới trên 30%.
Đưa VietGAP vào vùng "phát triển nóng" cây ăn quả
Từ nguồn kinh phí khuyến nông quốc gia, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng và thâm canh cây ăn quả theo hướng VietGAP”, bước đầu cho hiệu quả.
Ông Lê Văn Chung (thôn Nam, Sông Cầu, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) cho biết, gia đình ông được dự án chọn làm mô hình thâm canh cây buởi da xanh với diện tích 4 sào (1.000 m2/sào) trong số 4,5ha diện tích bưởi của gia đình. Đây là diện tích bưởi 5 năm tuổi, bắt đầu cho quả ổn định. Diện tích này cũng đã được đầu tư ổn định hệ thống tưới với trị giá đầu tư 4 triệu đồng/sào.
Dự án đã hỗ trợ phân sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu bao trái và hàng tháng kiểm tra vườn. Đồng thời, bà con được cán bộ khuyến nông dự án huấn luyện, hướng dẫn kỹ năng trồng, chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi theo hướng VietGAP. Theo ông Chung, dự án triển khai đem lại hiệu quả thiết thực cho việc sản xuất kinh doanh cây có múi tại Khánh Vĩnh khi mà diện tích cây ăn quả phát triển ồ ạt gần đây tại huyện miền núi này.
Còn bà Hồ Thị Thanh Hương (thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam, TP Cam Ranh) cũng rất vui vì vườn mãng cầu của gia đình được dự án chọn thực hiện cả 2 mô hình thâm canh với diện tích 2 sào mãng cầu (dai) và trồng mới diện tích 2 sào giống mãng cầu Thái. Vườn của bà có 8 sào mãng cầu (dai) đã cho thu hoạch ổn định 2 - 3 năm trở lại đây với lãi ròng bình quân 15 triệu đồng/sào (năng suất 1 tấn/sào).
Bà Hương cho biết, nhờ có dự án hỗ trợ nên 3 năm nay, việc đầu tư phân bón, thuốc BVTV, vật tư đã được giảm bớt chi phí. Bên cạnh đó, Dự án hỗ trợ giống trồng mới, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mãng cầu cho nông dân như cắt tỉa cành, bón phân, thụ phấn, rửa trái...
Hiệu quả tăng rõ rệt
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đang có nhiều cây ăn quả có lợi thế đang phát triển mạnh tại nhiều vùng chuyên canh như táo, mãng cầu ở Cam Thành Nam (TP Cam Ranh); bưởi da xanh Khánh Vĩnh…
Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho sự chuyển đổi cây trồng này còn hạn chế. Chính vì vậy, Dự án “Xây dựng mô hình trồng và thâm canh cây ăn trái (bưởi da xanh, táo, mãng cầu dai…) theo hướng VietGAP” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại khu vực Nam Trung bộ, trong đó Khánh Hòa là dự án nhánh mang ý nghĩa hết sức thiết thực.
Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đã chọn 3 cây ăn quả để hỗ trợ gồm bưởi da xanh, mãng cầu và táo. Mỗi mô hình gồm trồng mới và thâm canh các cây ăn quả nói trên có quy mô từ 2 - 5ha, thu hút 5 - 20 hộ/mô hình. Tổng cộng toàn tỉnh xây dựng 14ha mô hình. Trong đó, 11ha trồng mới 3 loại cây và 3ha thâm canh 3 loại cây nói trên.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ giống mới (đối với mô hình trồng mới), vật tư, phân bón, thuốc BVTV... Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền nông dân thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh thị trường...
Bà Võ Thị Bích Chi, cán bộ phụ trách Dự án nhánh tại tỉnh Khánh Hòa cho hay: Mô hình trồng mới cây bưởi phát triển tốt, tán cây vững chắc, đều, cao trung bình 2m, ra hoa, cho trái bói, trung bình 1 - 2 trái/cây. Mô hình thâm canh cây bưởi, năng suất bình quân 45 tấn/ha/năm, tăng 20% so với ngoài mô hình.
Mô hình trồng mới cây táo, năng suất trung bình 25 tấn/ha. Mô hình thâm canh cây táo, năng suất bình quân 50 tấn/ha/năm, tăng 16% so với ngoài mô hình; với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 399 triệu đồng/ha, tăng 31,6% so với ngoài mô hình....
Viết bình luận