ĐƯA NÔNG SẢN LÊN SÀN ONLINE

Sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản địa phương, từ Hải Dương, Sơn La, Bắc Kạn, Bắc Giang, cho đến Cà Mau… Trong bối cảnh đó, ngoài các phương thức tiêu thụ truyền thống thì việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử đang là giải pháp đắc lực giúp người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số

VẢI THIỀU,XOÀI,MẬN LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, từ khi được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử, vải thiều Thanh Hà của địa phương được tiêu thụ rất thuận lợi. 

 

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh cho các vị khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), vải thiều Hải Dương được mở bán chính thức trên sàn Sendo từ ngày 24/5 vừa qua và kết quả đã tiêu thụ được 6 tấn chỉ trong ngày đầu mở bán. Sau 3 ngày triển khai, Sendo đã bán được 14 tấn vải, vượt kế hoạch đề ra ban đầu là bán 12 tấn vải trong 4 ngày. Tại sàn thương mại điện tử Lazada, mỗi ngày sàn này cũng tiêu thụ trung bình khoảng 2 tấn vải thiều. Tại sàn thương mại điện tử voso.vn của Viettel Post, đến nay đã có 2.000 khách hàng đặt mua vải với mỗi đơn hàng tối thiểu 5 kg và tối đa 20 kg. Đối với khách hàng mua qua sàn voso.vn, đơn vị đang ưu đãi cước vận chuyển, áp dụng như nhau cho tất cả các đơn hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng cục Xúc tiến thương mại cho biết, Bộ Công Thương đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng và chuyên nghiệp từ các sàn thương mại điện tử trong hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đang vào mùa. Thực tế, Cục Xúc tiến thương mại và sàn thương mại điện tử Sendo đã hợp tác thành công việc hỗ trợ cho sản phẩm nông sản của Hải Dương như su hào, bắp cải, cà rốt, cà chua, súp lơ trong thời kỳ Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 hồi tháng 3/2021. Do đó, việc đưa vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương lên sàn Sendo lần này có nhiều thuận lợi hơn nhờ đúc rút được một số kinh nghiệm từ vận chuyển, quản lý chất lượng và làm việc với đơn vị cung ứng. 

Đoàn viên Thanh niên công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) giúp nông dân vùng dịch thu hoạch và tiêu thụ dưa hấu tại thôn Vườn Tùng, xã Tiền Phong.

Trong hoạt động hợp tác, theo ông Vũ Bá Phú, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ kết nối và phối hợp quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm. Các sản phẩm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và sàn Sendo đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm được minh bạch thông tin, nhật ký chăm sóc được nhập liệu đầy đủ các thông tin về hoạt động canh tác, chăm sóc, thu hái và vận chuyển. 

Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sendo cho biết, Sendo là sàn thương mại điện tử tiên phong và có kinh nghiệm trong việc giới thiệu, phân phối các sản phẩm đặc sản, nông sản địa phương ra cả nước. Nhờ đó, đội ngũ Sendo hiểu được khó khăn, thách thức của người nông dân lần đầu tiếp cận với thương mại điện tử. Giải quyết vấn đề này, Sendo đã đơn giản hóa quy trình mở gian hàng và đăng bán sản phẩm để luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho người nông dân và những cơ sản sản xuất kinh doanh tham gia thị trường thương mại điện tử. Sendo cho người trực tiếp xuống vùng trồng vải Hải Dương, hướng dẫn bà con nông dân, hợp tác xã mở gian hàng và đăng bán sản phẩm lên sàn, đồng thời hỗ trợ bà con nông dân tại vùng trồng tìm ra giải pháp đóng gói phù hợp, hướng dẫn quy cách đóng gói, tỷ lệ ướp đá trên số vải trong mỗi thùng vừa đúng để vừa giữ độ tươi ngon cho quả vừa tiết kiệm chi phí cho bà con…

Thu hoạch vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, tỉnh Bắc Giang mới đây cũng đã xây dựng và triển khai 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong điều kiện có dịch COVID-19. Theo kịch bản, ngoài phương án xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, EU… thì các kênh tiêu thụ trong nước cũng được Bắc Giang chú trọng, nhất là trong trường hợp thị trường xuất khẩu bị đóng băng. Theo đó, tiêu thụ vải thiều trên sàn thương mại điện tử cũng được địa phương nhấn mạnh bên cạnh việc phân phối tại các chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2021 là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó diện tích vải sớm 6.050 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.200 ha, sản lượng ước đạt 125.000 tấn. Đáng chú ý, diện tích vải thiều của Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản đạt diện tích 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn. 

Tương tự, mới đây trái mận hậu và xoài tròn Yên Châu của tỉnh Sơn La được mở bán trên sàn thương mại điện tử Shopee và chỉ sau 1 ngày đã có gần 1 tấn mận hậu được tiêu thụ. Các sản phẩm này khi đưa lên sàn thương mại điện tử Shopee và các sàn khác đều được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.

 

Tại Bắc Kạn, giữa tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ký kết hợp tác triển khai sàn thương mại điện tử có tên miền “backanmarket.vn” nhằm mở ra một hướng đi bền vững cho các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) địa phương. Việc triển khai sàn thương mại điện tử góp phần quảng bá và phân phối các sản phẩm đến với khách hàng trên môi trường số. Sàn thương mại điện tử cũng giúp đơn vị sản xuất quản lý tốt thông tin dịch vụ và giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, giúp doanh nghiệp thuận lợi tối đa trong phân phối sản phẩm với chi phí thấp nhất và dễ dàng kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Cùng đó, cung cấp thông tin kết nối các hệ thống hỗ trợ thủ tục hành chính về thuế quan, hải quan, vận tải… cho các đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến khách hàng e ngại khi đến các cửa hàng để mua trực tiếp hoặc tập trung ở chỗ đông người như chợ, siêu thị... Nắm được tâm lý đó, nhiều hợp tác xã, cơ sở kinh doanh đặc sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng mạnh dạn đẩy mạnh bán hàng online. Các cơ sở này đã đăng tải hình ảnh về sản phẩm đặc sản thông qua website, mạng xã hội... để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận hàng hóa mà vẫn an toàn.

Sản phẩm vải của Hải Dương và Bắc Giang được cấp mã vạch, tem chỉ dẫn địa lý để khách hàng nhận biết.

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện hợp tác xã đã tăng cường xây dựng website, đẩy mạnh bán nhiều mặt hàng trên nền tảng đó. Khi có nhu cầu, khách hàng có thể liên hệ qua số điện thoại để được nhân viên tư vấn, hàng hóa cũng được gửi đến tận nhà khách, rất tiện lợi. Sản phẩm chủ lực của hợp tác xã như tôm khô, muối tôm, bánh phồng tôm, chà bông tôm… đều được niêm yết rõ ràng, cụ thể trên hệ thống website. Một thuận lợi khác khi áp dụng hình thức này là giúp hợp tác xã tiết kiệm chi phí, thời gian của người mua, hạn chế đi lại, tập trung đông người.

CHUYỂN ĐỔI SỐ THÍCH ỨNG VỚI ĐẠI DỊCH

Việc vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước ứng dụng phương thức thương mại điện tử chính là thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương trong quá trình triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới các kênh phân phối truyền thống. 

“Gian hàng Việt trực tuyến” là chương trình do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với sàn thương mại điện tử Voso (Viettel Post) triển khai trong khuôn khổ Chương trình Phát triển thương mại điện tử Quốc gia nhằm đưa ra các phương án hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cũng như các mặt hàng nông sản khác của địa phương lên nền tảng số.

Vải thiều Bắc Giang được giới thiệu bán online.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, chương trình“Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố và được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng công nghệ số để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc. 

Theo ông Đặng Hoàng Hải, trước đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức thành công sự kiện Ngày đặc sản Sơn La và Ngày hội xứ dừa - quê hương Bến Tre trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đây là những sự kiện quảng bá và tiêu thụ tốt cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp Việt.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cấp chính quyền nhanh chóng vào cuộc, giúp đỡ người dân tiêu thụ dưa lê trên địa bàn huyện Gia Bình đang vào thời điểm thu hoạch.

Đáng lưu ý, khi mùa vải thiều ở vùng “tâm dịch” Bắc Giang năm nay vào vụ với sản lượng lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada… và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang qua phương thức thương mại điện tử.

Đến thời điểm hiện tại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mới ký liên kết với một số sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso và Tiki. Thời gian tới, Cục dự kiến sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có “Gian hàng Việt trực tuyến” và tiếp tục thúc đẩy mở “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” tại các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ngoài.

Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm nông sản của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Thống kê cho thấy, đến nay đã có hàng nghìn lượt doanh nghiệp thông qua các sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức đã được tập huấn đào tạo cũng như triển khai chương trình. Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp Việt được lựa chọn kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả đã được đưa lên phân phối trên sàn thương mại điện tử Sendo và Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, hiển thị rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và trang chủ của Sendo, Voso.

Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp với các sàn thương mại điện tử đã ký kết hợp tác triển khai các chương trình quảng bá hình ảnh “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử, xây dựng các chương trình xúc tiến bán hàng trên các sàn thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến” để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương mở rộng kênh phân phối trên toàn quốc.

 

Trong chỉ đạo mới đây của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông để tiêu thụ tại thị trường trong nước sản lượng lớn các mặt hàng nông sản của các địa phương đã, đang và sắp vào vụ thu hoạch được kịp thời, hiệu quả, Bộ đã giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, phối hợp các đơn vị của Bộ chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống từ 2 lần trở lên so với năm cao nhất. Đồng thời, có nhiệm vụ tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương thông qua Sở Công Thương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường; chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động kết nối trên môi trường số.

Mặt khác, Vụ Thị trường trong nước kết nối với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã địa phương ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Bộ Công Thương cũng giao Cục Xúc tiến thương mại tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương thông qua Sở Công Thương; chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số…

Khởi động “Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử”.

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia… Ngoài ra, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín.Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm mô hình xuất khẩu linh hoạt hơn, cũng như tối ưu nguồn lực. Cũng chính vì thế, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành yếu tố cốt lõi và là xu thế tất yếu của kinh tế toàn cầu; là kênh hữu hiệu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu ra thế giới nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Vải thiều Bắc Giang được giới thiệu bán online.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND và các đơn vị của tỉnh Hải Dương triển khai nhiều hoạt động; trong đó phải kể đến chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo. Bộ Công Thương cũng hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vải thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như: Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan...

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Thế nhưng, việc quản lý chất lượng và nguồn gốc xuất xứ qua thương mại điện tử xuyên biên giới không hề đơn giản bởi những sản phẩm có giá trị thấp, không đủ chứng từ để chứng minh nguồn gốc, chất lượng gây khó khăn cho hoạt động thông quan. Không những thế, mỗi quốc gia lại đưa ra một chế tài quản lý hàng hóa theo cách riêng, nhưng vẫn có điểm chung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian lưu kho, kiểm tra sản phẩm và khối lượng hàng hóa phải kiểm tra cũng như đơn giản hóa quy trình đặt hàng, giao dịch hay thanh toán.

 

Do đó, theo ông Đặng Hoàng Hải, Bộ Công Thương đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng không tham vọng có thể tạo ra được khung khổ pháp lý cho tất cả các loại hàng hóa, thương mại nói chung, mà sẽ bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thị trường. Với cách tiếp cận này sẽ mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới và ứng dụng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bà Bùi Kim Thúy, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bích Thủy chia sẻ, công ty là 1 trong số 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam được lựa chọn thực hiện Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon phối hợp thực hiện. Ban tổ chức đã hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng để đưa sản phẩm lên hệ thống của Amazon tại Hoa Kỳ.

Đánh giá về xu hướng xuất khẩu qua biên giới của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp qua thương mại điện tử xuyên biên giới, tới đây, Sở Công Thương thành phố Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc xúc tiến riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon. Đây sẽ là giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Vải thiều Bắc Giang được đưa lên bán online.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách về thương mại điện tử; cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng mới. Bên cạnh việc triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương sẽ chú trọng việc kết nối nhu cầu tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử cũng như tư vấn lộ trình về chuyển đổi số để thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển bền vững.

Viết bình luận