Đưa sản xuất từ dưới đất gắn… lên trời, vừa chơi lại có tiền

Đối với những nông dân thời đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp lại thì làm gì để sống? Mô hình sản xuất chúng tôi giới thiệu ở đây là một phần câu trả lời cho việc đó.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) thống kê khoảng 95% đất nông nghiệp trên địa bàn đã bàn giao hết cho các dự án nên sản xuất nông nghiệp từ dưới đất đang được đưa lên… trời.

Người đầu tiên nhanh nhạy mở hướng đi này là anh Đinh Gia Hùng ở tổ 5 khi khởi xướng ra phong trào trồng phong lan để bán và giờ đây đã thu hút khoảng 100 hộ tham gia, quy mô trung bình 200 giò/hộ. Chi hội lan của phường cũng được thành lập, được địa phương hỗ trợ kỹ thuật bằng cách mời các giảng viên đến hướng dẫn cách chăm sóc, nhân cấy, phòng trừ bệnh tật cho hoa.

07-17-11_dsc_8670
Vườn lan nhà anh Hùng

Anh Hùng, người có 20 năm kinh nghiệm trong việc chơi lan nhưng chuyện làm thương mại chỉ mới bắt đầu 6 - 7 năm về trước. Nghề chơi này biến đổi rất nhanh, trước đây giá thể để cấy lan được ưa chuộng nhất là gỗ nhãn vì nó lâu mục. Những người chơi lan như anh phải đi lùng sục các cây nhãn cỗi hay các vườn nhãn thanh lý rồi thuê ô tô chở về, cưa thành nhiều khúc để chia nhau.

Tiếng là bền nhưng nhãn cũng chỉ chịu được 5 - 7 năm làm kiếp giá thể. Hết giá thể nhãn rồi đến dớn, một loại cây lâu mục hơn nhưng lại có yếu điểm là dễ bị úng nước nên thường làm hỏng lan. Và nay mọi người đang đổ xô vào dùng gỗ lũa để cấy lan phần vì độ bền, phần bởi dáng vẻ đẹp, không cái nào giống cái nào của chúng (gỗ lũa là phần không thể mục nát của các loại cây sau khi bị chết vùi dưới đất hay dưới sông suối - PV).

Việc sưu tầm lũa giờ nhờ có sự trợ giúp của mạng nên rất dễ dàng. Anh Hùng chỉ cần lên mạng Internet kiếm tìm, ưng cục nào chuyển khoản tiền và đợi nhận hàng về. Những cục gỗ lũa trông như đá xù xì, kỳ dị nhưng giá không hề rẻ, có cái anh Hùng phải trả giá tới 3 triệu đồng chỉ để đem về làm giá thể cấy lan.

Một giò lan đang khoe sắc

Hết chuyện đổi thay về giá thể là sự đổi thay về các loài lan. Ban đầu chỉ vài loại đơn sơ như hồ điệp, vũ nữ nay trầm rồng đỏ, trầm rừng, đai châu, quế lan hương, quế lá xếp… Mà đắt bậc nhất là các giống như trầm rừng bán theo kg, 1,8 triệu đồng/kg, trầm rồng đỏ bán theo thân, mỗi thân dài 20cm là 200.000 đồng, cứ thế mà nhân lên tính tiền.

Trong cái sân rộng chỉ chừng 50m2 của anh Hùng có khoảng 500 giò lan của 50 - 60 giống, loài khác nhau treo lúc lỉu thế mà chỉ có mỗi mình anh cũng có thể đảm trách đủ mọi việc từ đẽo gỗ lũa, cấy ghép lan đến kiêm luôn cả đại lý bán chế phẩm chăm sóc. Tất cả đều nhờ công nghệ. Dàn lưới cắt mưa và khung kim loại, giàn tưới tự động phục vụ cho 50m2 vườn mất khoảng 50 triệu, tính ra chi phí 1 triệu đ/m2. Trong đó trang bị nhiệt kế, ẩm kế để gia chủ có thể đặt đồng hồ tự động tưới tùy theo nhu cầu.

Mùa hè mỗi ngày tưới 1 lần, mỗi lần 5 - 7 phút còn mùa đông khi cây nghỉ thì chỉ cần tưới mỗi tuần 1 lần. Kinh nghiệm của anh Hùng là những ngày có độ ẩm trên 70% không cần tưới, những ngày nhiệt độ trên 35 độ C không được tưới vào buổi sáng, buổi trưa vì cây õng nước gặp nắng dễ chết. Cứ khoảng 5 - 7 ngày anh lại hòa phân rồi dùng máy bơm áp lực cao để phun cho cây một lần. Phong lan “ăn” chủ yếu qua bộ rễ rủ dài lòng thòng bên dưới, nhất là ở những đầu rễ mới ra còn xanh non, rất nhạy cảm, hễ sờ vào là bị thui chột.

Chậu lan nhà chị Tâm được trả 20 triệu vẫn không bán

Lan kị nhất là nắng hướng tây gây cháy lá, gió mùa đông bắc gây khô rễ nên cần phải che phủ kịp thời. Ngoài ra chúng còn có một đối tượng dịch hại nguy hiểm là ruồi vàng. Loài côn trùng này chích vào lá gây rụng lá, chích vào hoa gây rụng hoa, chỉ có cách hữu hiệu nhất để phòng trừ là dùng bẫy bả.

Không như nhiều người lầm tưởng lan ưa ẩm, thực ra cây lại không thể chịu được úng. Chăm quá hễ thấy một cái lá rách cũng cầm kéo cắt bỏ, tưới nhiều gây úng rễ cây cũng dễ chết mà lười quá không tưới tắm, che đậy cây cũng dễ hỏng. Một điều lưu ý nữa trong cách chăm sóc lan là không được treo dày đặc, giò này sát giò kia vì dễ lây bệnh. Cây đặc biệt ưa thoáng gió nên trong những hôm trời nóng cần bố trí quạt thông gió cho vườn.

Mỗi giò lan có giá ngang 1 tạ thóc trở lên nên với một không gian cỏn con, vừa chơi vừa kinh doanh vườn lan nhà anh Hùng cho lãi 120 - 150 triệu đ/năm, bằng cả chục ha đất trang trại.

Ngoài anh Hùng trên địa bàn phường còn có các hộ như chị Đinh Thị Thoi, Nguyễn Thị Phương… mỗi năm nhờ lan mà thu lãi từ vài chục đến cả trăm triệu. Tuy nhiên không như các nghề khác, bán được, cầm tiền trên tay rồi mà vẫn tiếc ngẩn, tiếc ngơ vì công lao chăm sóc cả năm trời, thậm chí nhiều năm trời họ đã thuộc từng cái rễ, cái lá, cái hoa. Lan đã trở thành một người thân trong gia đình tự lúc nào.

07-17-11_dsc_8672
Các thành viên CLB đàm đạo về lan

Bởi thế mà hiếm CLB nào vui và suốt ngày cười như CLB chơi lan. Trong một buổi sáng hè lộng gió, tôi ngồi trong vườn lan nhà chị Đinh Thị Kim Tâm ở tổ 4 để nghe mấy thành viên trong CLB lan đàm đạo. Chị Tâm thú thực mê lan đã lâu nhưng chỉ sau khi về hưu, 2 năm nay mới được thỏa chí đam mê trồng. Tự tay chị cưa các gốc nhãn, đẽo vỏ, tạo dáng cho các giá thể rồi tỉ mẩn cấy lan. Trời mưa chị mặc áo mưa ra vườn chăm lan, trời nắng chị phun nước tưới xuống sân cho hơi bốc lên làm mát cho cây. Nhờ thế mà vườn lan 200 giò của chị cấy giò nào là được giò ấy. Có những chậu như đai châu rừng Trường Sơn hay Panda cao to hơn cả chủ nhân của chúng, người mê đến trả 20 triệu chị vẫn không bán. Mỗi lúc mệt nhọc, chỉ ra vườn ngắm lan thôi đã nhanh chóng khỏe lại. Lan là người bạn tâm giao giúp cho chị đỡ hụt hẫng khi bước vào những tháng ngày tuổi xế chiều.

+ Anh Hùng nói vui: Nghiện chơi lan còn hơn cả nghiện lô đề vì tính lây nhiễm của nó rất cao. Tôi đã nhiều lần cảnh báo các anh chị còn trẻ là đừng nên đến chơi ở các vườn lan vì kiểu gì cũng mất tiền. Người thích gỗ lũa thì mê sưu tầm đủ các loại hình dạng, người mê hoa thì thích sưu tầm loại này loại kia, đã mua 1 giò lần sau quay lại mua thêm 2, 3, 4 giò chứ không bao giờ chịu dừng. Nhiều người ra chợ còn mặc cả từng mớ rau, bìa đậu nhưng vào vườn một lúc tiêu vài triệu đồng không hề tiếc đâu.

+ Anh Bùi Văn Khiến, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông các quận ven đô nhận định trồng phong lan là hướng đi đúng cho nông dân đô thị bởi lẽ tận dụng được diện tích đất vườn còn sót lại, nhu cầu người chơi rất lớn và chi phí đầu tư không quá đắt. Hiện tại, Trạm đang xin xây dựng mô hình lan để có thể nhân rộng ra các địa bàn trong thời gian tới.

Viết bình luận