Nông nghiệp của xã Điềm Hy, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cơ bản vẫn là cây lúa. Nhưng gần đây, dưa hấu là một cây màu được bà con vùng này ưa chuộng để trồng xen trong năm: 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, trồng chuyên 3 vụ lúa/năm thường không có hiệu quả, dễ thất bát, nhất là 2 vụ lúa: hè thu, thu đông. Còn đổi vụ trồng dưa thì có hiệu quả kinh tế đáng khích lệ hơn cho cả cây dưa lẫn cây lúa.
Do vậy, đồng ở Ấp Bắc thường có khuynh hướng luân canh: nghỉ 1 vụ lúa và thay bằng 1 vụ màu. Anh Một Hưởng, lãnh đạo xã Điềm Hy cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đã vận động bà con đưa cây màu xuống chân ruộng. Trong các cây màu như: dưa, cà, ớt, cải…, sự thay đổi luân phiên mô hình lúa - dưa; dưa - lúa phát huy được hiệu quả tốt nhất. Đất trồng dưa quay trở lại trồng lúa thường có năng suất cao; cây dưa cũng vậy, không thể trồng hai lần trên một đồng ruộng, cần phải đổi đồng mới có năng suất cao”.
Thật ra, dưa có thể trồng được quanh năm, khoảng 2 tháng một vụ, nhưng không thể trồng liên tiếp trên một đồng liền cả hai vụ mà phải đổi đất để có được năng suất cao. Một năm có thể trồng 4 - 5 vụ dưa cũng được. Thường một vụ dưa thu hoạch đạt khoảng 2 - 3 tấn. Dưa Tết có bạn hàng đông hơn và giá cả cũng có thể “nhỉnh” hơn; nhưng nông dân cũng sợ cảnh dội chợ, lại khó có đất trống nên không thể bung ra trồng nhiều. Nhưng một mùa dưa Tết, bà con trồng dưa hấu hi vọng cũng kiếm thêm được vài chục triệu và vài cặp dưa tốt chưng Tết thì cũng là “xôm” lắm rồi.
Đồng dưa Điềm Hy những năm gần đây có vụ được bà con nông dân trồng rầm rộ lên đến 4 - 5 chục ha. Những tháng mưa, có vụ thưa thớt cũng chỉ được trên dưới khoảng một chục ha. Hộ trồng ít cũng dăm ba công, hộ trồng nhiều lên đến năm bảy công hoặc cả ha. Có thể nói, ở Tiền Giang trước đây có đồng Gò Công trồng nhiều dưa hấu. Nay có thêm đồng Ấp Bắc cũng trồng được dưa. Nhờ trồng dưa, đời sống của bà con vùng này cũng có bước chuyển biến đáng mừng.
Dưa được bà con trồng nhiều thường là dưa Super, trái dài, ruột đỏ, không hạt, nước ngọt. Dưa trái tròn cũng được trồng nhưng ít hơn. Tính bình quân một công dưa đạt 2,5 tấn với giá khoảng 5.000 đồng/kg thì nông dân cũng có mười mấy triệu đồng/công. Trừ chi phí công cán và cả tiền mướn ruộng khoảng 5 triệu đồng/công (1 công ruộng mướn cho 1 vụ dưa giá 1,5 triệu đồng) thì họ cũng lời được 6-7 triệu đồng/công. Anh Đức Anh cho biết: “Mùa dưa vừa rồi, anh trồng gần 7 công, thương lái đến tận nơi mua, trừ chi phí ra anh lời được 40 triệu đồng”. Những nhà vườn không có đất nhưng có kinh nghiệm trồng dưa cho biết thêm: “Thường một mùa dưa Tết có thể kiếm được vài chục triệu, nếu thuê mướn được vài ba công ruộng để trồng; nhưng ruộng vụ đông xuân thì khó thuê mướn hơn vì đa phần đất được dùng để gieo lúa chính vụ”.
Vì đất mới thuận lợi, có thể nói là rất thích hợp cho dưa hấu, nên quanh năm đồng Ấp Bắc này đều có dưa. Thương lái ở miệt Gò Công và một số nơi như TP.HCM và các tỉnh lân cận thường về đây mua dưa. Tất nhiên, giá cả cũng lệ thuộc vào trọng lượng của trái và nhất là lượng cung cầu mà lên xuống thất thường. Cao có thể lên đến trên 5.700 đồng/kg hoặc hơn với điều kiện dưa tốt, trái phải trên 1,2 kg; thấp thì mua sa cạ (mua hết) khoảng 2.700 đồng/kg. Nói chung, rủi ro của việc trồng dưa cũng không lớn, ngoài nỗi lo đầu ra, giá cả. Nông dân Điềm Hy trồng dưa có thể kiếm thêm được thu nhập bổ sung thêm ngoài việc trồng lúa, thay vì để đất ở không.
Trồng dưa cũng phải xịt thuốc, tưới phân. Vấn đề đặt ra là trong sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản theo tinh thần chỉ thị về việc phát động phong trào thi đua áp dụng VietGap.
Bao Nong Nghiep Viet Nam
Dưa Tết Điềm Hy
- 11/ 02/ 2017
- Nguyễn Thị Tuyết Nhung
- 0 Nhận xét
Viết bình luận