Tâm sự với chúng tôi, bà Tranh kể: Cách đây hơn 20 năm về trước, vợ chồng bà từ quê hương Thái Bình lên xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) khai hoang được mảnh đất rộng hơn 1ha. Trừ 2.000m2 ao thả cá, vườn rau xanh và 1 phần đất xây nhà, diện tích còn lại khoảng 7.000m2 bà chuyên trồng cây ăn quả tạo thu nhập chính cho gia đình.
Vườn ổi 5 năm tuổi được chăm sóc tốt, đảm bảo kỹ thuật bình quân 1 cây thu được từ 20-23 kg quả
Ban đầu bà Tranh trồng mía, nhưng mía không hợp với đất vườn, lượng đường ít, ăn có vị chua, bà lại chuyển đổi sang trồng cam. Nhưng cam thuộc loại cây “con nhà giàu”, sau mỗi năm thu hoạch phải mất nhiều công sức cải tạo đất và chi phí bón phân, chăm sóc hiệu quả mới cao. Năm nào được mùa bà Tranh thu lãi chỉ được 30-40 triệu đồng. Trăn trở vì mức thu nhập như vậy không đảm bảo cuộc sống gia đình và chăm lo cho các con ăn học mà phải tìm hướng khác để phát triển kinh tế.
Trong 1 lần về thăm quê cũ ở Thái Bình, bà Tranh được thăm quan mô hình trồng ổi lê Đài Loan trái vụ rất hiệu quả, thu nhập khá. Trở về Điện Biên đầu năm 2011 bà Tranh mạnh dạn chặt bỏ 1/3 diện tích vườn cam để chuyển sang trồng 150 gốc ổi lê Đài Loan.
Theo bà Tranh trồng ổi trái vụ không những quả to, ngọt ăn giòn mà bán được giá cao gấp 2 ổi chính vụ
Nhờ chịu khó nghiên cứu kỹ thuật trên sách báo và học hỏi thêm kinh nghiệm của bà con dưới quê, bà Tranh đã áp dụng vào chăm sóc vườn ổi của gia đình. Khác với nhiều cây ăn quả khác, cây ổi do bà Tranh chăm sóc phát triển tốt nên chỉ sau 1 năm đã được thu hoạch.
“Ổi là giống cây ưa trồng trên đất mới nên vụ đầu tiên tôi “ép” cây cho ra quả thu trái vụ. Ổi chính vụ vào tháng 5-7 hàng năm, nhưng vị ngọt và độ giòn thì đúng là không bằng ổi trái vụ. Bởi vậy từ năng 2012 trở đi tôi đã quyết định chặt bỏ hết diện tích cam còn lại, chuyển đổi đất sang trồng ổi lê Đài Loan, duy trì đến bây giờ” bà Tranh cho biết.
Theo bà Tranh, cây ổi khỏe, cho quả to, ngon cần chú ý chăm sóc tốt bộ dễ, bón định kỳ lân và phân gà, phân vịt ủ hoai mục
Theo chia sẻ của bà Tranh: “Trồng và chăm sóc ổi trái vụ cần kỹ thuật và vất vả hơn so với trồng ổi thu quả chính vụ. Nếu ổi chính vụ cứ để cây đơm hoa, kết quả thuận theo tự thiên thì trồng ổi trái vụ phải canh chừng lúc cây ra hoa vào tháng 5 thì tiến hành vặt bỏ hết hoa. Sau đó, tập trung xới đất quanh gốc, bón lân để thúc đẩy bộ rễ phát triển, hút được nhiều chất dinh dưỡng và bón thêm kali để quả to và ngọt.”
Sau khi vặt hết hoa chính vụ, hơn 3 tháng sau ổi tiếp tục ra lứa hoa trái vụ. Thời điểm này, thời tiết Điện Biên ít mưa và nuôi ổi trái vụ quả sẽ ngọt và giòn hơn. Thời gian ổi thu phấn, đậu quả phải thường xuyên thăm vườn và thấy quả phát triển to bằng quả trứng chim cút thì sử dụng túi nolong bọc kín từng quả lại, ngừa ruồi vàng và các loại côn trùng khác đốt quả. Lưu ý, phía dưới mỗi túi cần cắt 1 lỗ nhỏ để thoát nước mưa và tránh không để quả bị nóng quá, bốc hơi nước.
Ổi lê Đài Loan chín đến đâu bán hết cho các siêu thị rau an toàn tại Điện Biên
Bà Tranh chia sẻ thêm: “Trồng ổi, đặc biệt chú ý thúc đẩy bộ rễ phát triển mạnh để hạn chế cây bị chết dột, chết khô từ gốc. Đây cũng là bệnh phổ biến nhất của ổi. Do đó, ngoài xới đất bón lân, cần bón thêm cả phân gà, phân vịt đã được ủ hoai mục.”
Do được chăm sóc tốt, đảm bảo kỹ thuật nên bình quân 1 cây ổi bà Tranh thu được trên 23kg quả và giá bán luôn luôn cao gấp 2 lần so với ổi chính vụ, dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Trồng ổi trái vụ khu vực xã Thanh Hưng hiện chưa có nhiều người làm, do đó ổi của bà Tranh chín đến đâu được siêu thị rau – củ – quả an toàn Sefe Green Điện Biên đến tận nơi thu mua, phần còn lại chuyên bán cho người quen qua các trạng mạng xã hội. Mỗi năm từ vườn ổi thu quả trái vụ cho gia đình bà Tranh thu nhập 300 triệu đồng.
Viết bình luận