Nếu không xây dựng được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung, trái cây Việt Nam sẽ còn khó khăn từ tổ chức sản xuất đến thu gom nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Các tỉnh Đông Nam Bộ đang tích cực xây dựng các cánh đồng lớn cho cây ăn trái như cây có múi, xoài, sầu riêng, chuối…
Cũng vì mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,6 tỷ USD vào năm 2020, ngành nông nghiệp đang gấp rút xây dựng các vùng trồng trái cây tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu…
Ưu tiên trái cây chủ lực
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong những năm qua, nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu tốt cho chế biến xuất khẩu đã góp phần hình thành được nhiều vùng cây ăn quả tập trung như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), thanh long Bình Thuận, vải thiều Bắc Giang…
Hầu hết các vườn cây ăn trái đều có diện tích nhỏ, quy mô hộ gia đình.
Tuy nhiên, diện tích các vùng chuyên canh còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích hơn 857.000ha cây ăn quả hiện có, phần lớn vẫn là vườn tạp, phát triển theo quy mô hộ gia đình. Để cải thiện tình trạng này, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đang tích cực xây dựng các cánh đồng lớn cho cây ăn trái như cây có múi, xoài, sầu riêng, chuối…
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt thêm 2 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trái cây của thị xã Long Khánh. Theo đó, dự án cánh đồng lớn chôm chôm xã Bình Lộc do HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Bình Lộc làm chủ đầu tư bước đầu có 69 hộ tham gia với diện tích trên 100ha. Dự kiến, cánh đồng lớn chôm chôm ở Bình Lộc sẽ còn tiếp tục mở rộng liên kết trong những giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là địa phương có diện tích vườn chôm chôm lớn của Đồng Nai với cả ngàn ha đang cho thu hoạch.
Dự án còn lại do HTX Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Xuân Lập làm chủ đầu tư, thu hút 192 hộ dân đăng ký tham gia với diện tích 200ha sầu riêng, chôm chôm tại 2 xã Xuân Lập và Bàu Sen (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, từ 2016 đến nay, cơ quan này đã nhận được hàng chục dự án đăng ký thực hiện cánh đồng lớn trên các loại cây trồng của tỉnh. Qua xem xét, cơ quan chức năng của Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương, phê duyệt xây dựng các dự án cánh đồng lớn trên nhiều cây trồng chủ lực như sầu riêng, hồ tiêu, ca cao,…
Đây sẽ tiền đề để Đồng Nai tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái cho xuất khẩu của cả nước, với nhiều loại như chôm chôm, sầu riêng, xoài, chuối…
Chăm sóc vườn bưởi ở Định Quán (Đồng Nai).
Không dễ “ăn”
Dù được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cây ăn trái nhưng việc mở rộng các cánh đồng lớn tại Đồng Nai cũng không hề đơn giản, do các vấn đề như thiếu đất, khó xây dựng được các liên kết với doanh nghiệp…
Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, toàn tỉnh này hiện có 22 loại cây ăn quả với diện tích hơn 48.300ha, trong đó các loại cây trồng như xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, mít, quýt, mãng cầu… được được lựa chọn tham gia đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, với diện tích vườn trồng gần 42.000ha.
Ngoài ra, tỉnh này đã phát triển được một số vùng trồng tập trung, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ở các huyện như Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán… với diện tích 34.100ha.
Ông Trần Cầu, chủ trang trại xoài tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, sau khi đầu tư trang trại rộng 22ha trồng giống xoài có nguồn gốc từ Mỹ, ông đưa sản phẩm đi khắp nơi tìm thị trường tiêu thụ. Nhờ sản phẩm lạ, ngọt thanh, có mùi thơm và khó bị giập khi chín nên được thị trường ưa chuộng, nhiều đơn vị đến đặt hàng hợp tác sản xuất để xuất khẩu. Cùng với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương, ông được vận động tham gia cánh đồng lớn cho trái xoài với diện tích khoảng 150ha. Tuy nhiên, từ 2016 đến nay, ông Cầu vẫn chưa tìm ra được nguồn quỹ đất để phát triển sản xuất.
Ông Cầu cũng cho biết, trang trại gia đình ông đang làm trước đây cũng thuộc dự án cánh đồng lớn cho cây xoài xuất khẩu với quy mô khoảng 200ha. Ông đã tìm được nhà đầu tư nước ngoài hợp tác và cam kết bao tiêu sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, vì không tìm được quỹ đất phù hợp nên đành thu hẹp còn hơn 20ha.
Hay như một số doanh nghiệp tham gia triển khai cánh đồng lớn trái cây, cung cấp vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất… nhưng tới khâu bao tiêu sản phẩm thì gặp vướng mắc, vì giá bao tiêu thường thấp hơn giá thị trường, nông dân không có lãi như mong muốn.
Đồng Nai hiện có hơn 900ha các loại cây trồng như mãng cầu, sầu riêng, bưởi, xoài, mít… Theo ông Nguyễn Hữu Định – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trong số 31 dự án đăng ký cánh đồng lớn, có 12 dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt với tổng diện tích hơn 5.500ha, có sự tham gia của khoảng 5.000 hộ nông dân. |
Viết bình luận