Những HTX nông nghiệp tại TP HCM đang đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử vào bán hàng, đặc biệt là hàng nông sản, sản phẩm nông nghiệp đô thị. Nhờ đó, các HTX tiếp cận được nhiều khách hàng, thậm chí khách hàng ở nước ngoài.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại TP.HCM bên cạnh việc bán hàng trực tiếp còn chủ động mở các kênh bán hàng online. Thông qua thương mại điện tử, những HTX này có thể tiếp cận những khách hàng mới, đồng thời quảng bá rộng rãi thương hiệu của đơn vị mình đến người tiêu dùng.
Đưa hoa lan lên sàn thương mại điện tử, bán sang tận Úc
Thành lập từ năm 2020, đến nay HTX Vườn lan Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM) có 11 thành viên trong và ngoài TP.HCM. HTX Vườn Lan Việt được chị Liêu Thị Kim Phượng thành lập nhằm phát triển ngành lan dendro mạnh hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm lượng giống nhập khẩu từ Thái Lan như trước đây.
Ngoài cách bán hàng truyền thống, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các kênh online, mở các dịch vụ cắm hoa theo yêu cầu, đa dạng mẫu mã để tiếp cận thị trường sâu hơn.
Tại HTX Vườn lan Việt việc bán hàng qua kênh online được đầu tư rất bài bản. Chị Liêu Thị Kim Phượng - Giám đốc HTX Vườn lan Việt cho biết, hiện tại HTX đang bán hàng qua các kênh như: trang web, Shopee, Lazada và Facebook. Hiện nay, những sản phẩm được HTX Vườn lan Việt bán qua nền tảng online chủ yếu là hoa lan giống và các chậu lan cắm sẵn.
"Việc bán hàng qua các kênh online bước đầu có thể khó khăn, vì mình phải xây dựng nền móng, ghi dấu với khách hàng. Khi đã xây dựng được nền móng vững chắc thì bán tương đối dễ, lúc đó khách hàng sẽ tự tìm đến mình", chị Phượng cho hay.
Chị Phượng nhìn nhận, việc bán hàng online đã giúp HTX rất nhiều trong khâu thương mại sản phẩm. Nhờ thương mại điện tử, những sản phẩm cây giống của HTX đã đi đến khắp nơi trên cả nước. Thậm chí có những sản phẩm đã bán sang tận nước Úc.
"Người Việt mình ở nước ngoài rất thích trồng lan. Tuy nhiên tại nước Úc, việc chuyển thực vật vào bị kiểm tra rất khắt khe. Với hoa lan, hiện nay Úc chỉ cho nhập lan dendro hàng công nghiệp, ươm trong chai, chưa cho nhập hoa lan dạng cây con", chị Phượng cho biết.
Vừa qua, chị Phượng đã gửi thành công một đơn hàng 30 chai ươm sang Úc, bằng hình thức ký gửi hàng không. Tất cả các cây ươm gửi sang Úc đều đảm bảo chất lượng, chỉ có một chai bị vỡ do vận chuyển.
"Có một số cô, chú người Việt ở Mỹ có nhắn tin, ngỏ ý đặt hàng chuyển sang Mỹ. Tuy nhiên, thị trường Mỹ mình chưa tìm hiểu kỹ nên chưa dám mạnh dạn lấn sang", chị Phượng chia sẻ
Hiện nay, đối với mặt hàng giống hoa lan, chị Phượng hầu như chỉ bán trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ sự linh hoạt và tệp khách hàng rộng, nên việc bán online đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới
Thương mại điện tử đang giúp những HTX nông nghiệp tại TP.HCM có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận khách hàng. Đây cũng là hướng đi được TP.HCM khuyến khích, thời gian tới TP tập trung thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% xã có các HTX; 80% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 70% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Để thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, TP.HCM sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới.
TP HCM sẽ xây dựng bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn. Thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP. Nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ các HTX nông nghiệp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; ứng dụng các giải pháp, nền tảng số cùng với hình thức thương mại điện tử để ứng dụng trong sản xuất, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hỗ trợ công cụ phần mềm chuyển đổi số các hoạt động của các HTX.
Viết bình luận