KTNT - Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang: vụ vải thiều năm 2017, sản lượng có giảm nhưng chất lượng, mẫu mã đẹp hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp và người trồng vẫn lo tìm cách tiêu thụ bởi những hạn chế trong việc thu hoạch, bảo quản và chế biến. Làm thế nào để nâng cao giá trị vải thiều là bài toán cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành cũng như chính quyền địa phương.
Hiện, thu hoạch, sơ chế, bảo quản quả vải đang là khâu yếu nhất của cả người trồng vải và doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ.
Chất lượng vải được nâng cao
Năm 2017, diện tích trồng vải của Bắc Giang duy trì gần 30.000ha, sản lượng ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000ha, sản lượng 26.000 tấn; vải thiều chính vụ 24.000ha, sản lượng khoảng 74.000 tấn.
Tổng diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt khoảng 12.460ha, sản lượng 40.000 tấn, sản lượng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 1.600 tấn. Có 2.18ha vải thiều được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, tập trung tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao.
Ông Tấn cho biết, qua khảo sát, vụ vải thiều năm 2017, sản lượng có giảm nhưng lượng đường và các loại vitamin trong quả vải năm nay cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với những năm trước. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 20/5 đến ngày 15/6, vải thiều chính vụ từ ngày 15/6 đến 15/7. Cơ bản các huyện đã triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản vải thiều, phấn đấu kéo dài thời gian bảo quản quả vải tươi; từng bước hạn chế tính mùa vụ, để phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường nước ngoài.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, mặc dù sản lượng vải năm 2017 có giảm song vải thiều Lục Ngạn vẫn có số lượng lớn đủ để cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, chất lượng, mẫu mã quả vải được nâng cao do sự quan tâm đầu tư chăm sóc, giám sát quy trình sản xuất chặt chẽ hơn.
Về thị trường tiêu thụ, Bắc Giang xác định tiếp tục phát triển thị trường truyền thống cả ở nội địa và xuất khẩu; khai thông các thị trường tiềm năng, có giá trị kinh tế cao.
Với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi xuất khẩu tiêu thụ ở thị trường này.
Ngoài ra, Bắc Giang tiếp tục tập trung nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông, Thái Lan, Canada… Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để đưa vào thị trường Mỹ, Australia, EU… Năm 2017, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 50.000 tấn, chiếm 50%; xuất khẩu khoảng 50.000 tấn.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất
Ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị, để sản xuất, tiêu thụ vải thiều đạt kết quả tốt, các bộ ngành có liên quan cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch đối với vải thiều và nhiều cây ăn quả khác; giới thiệu các doanh nghiệp về đầu tư tại Lục Ngạn, giúp huyện từng bước tiếp cận và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đề nghị các địa phương, các cửa khẩu, cơ quan hải quan, thuế, kiểm dịch, các chợ đầu mối; các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Trung Quốc tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất giúp Lục Ngạn tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường công tác quản lý biên giới, đồng thời cam kết sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân, xem thành công và sự phát triển của doanh nghiệp là thành công của chính mình. Tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các cấp chính quyền Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới.
Ông Lăng Tinh Cao, Phó thị trưởng Chính quyền nhân dân thị trấn Bằng Tường (Quảng Tây - Trung Quốc), cho biết, thông qua các giải pháp trao đổi thông tin thương mại hai bên, tăng thêm thời gian làm thủ tục thông quan, tăng ca ngày nghỉ, ngày lễ cùng xúc tiến giúp xuất nhập khẩu vải thiều, dưa hấu giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Thực hiện các giải pháp như đặt lịch hẹn thông quan, hẹn kiểm dịch 24/24 giờ, tạo điều kiện thuận lợi để thông quan vải thiều lúc cao điểm.
Liên kết “5 nhà”
Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm, đặt câu hỏi: “Làm sao để trái vải thiều Lục Ngạn có thể bay cao, vươn xa khắp thế giới?”. Những năm gần đây, các cấp chính quyền của tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc cùng nông dân chăm sóc, thu hái, tiêu thụ nhưng cây vải nhiều năm vẫn rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá” và phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Thậm chí vải thiều của Việt Nam được thương nhân Trung Quốc tái xuất đi các nước khác và coi như vải của họ. Vấn đề đặt ra ở đây la, khâu sơ chế, đóng gói bảo quản quả vải sau thu hoạch như thế nào?. Đến nay, Việt Nam chưa có một phương pháp sơ chế, đóng gói, bảo quản hữu hiệu; chưa có một doanh nghiệp nào có thể cung cấp thành phẩm vải thiều tươi đủ tiêu chuẩn an toàn cho người Việt dùng chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải tự mày mò, thậm chí từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hái đến sơ chế, đóng gói bảo quản để xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mong muốn có một nhà sản xuất cung ứng được thành phẩm trái vải thiều tươi, mang thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi bất kỳ thị trường nào trên thế giới.
Trước thực trạng này, ông Đào kiến nghị, cần mở rộng và tiến tới toàn bộ diện tích trồng vải thiều được thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP). Vận động bà con trồng vải tạo thành thói quen hạn chế dần và tiến tới tuyệt đối không dùng phân bón hóa học mà chỉ dùng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh để chăm sóc; sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ cây vải. Có như vậy, mới cung cấp không chỉ cho xuất khẩu mà còn cho cả người dân Việt Nam những trái vải thiều có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cần có những chính sách và biện pháp sát thực để trực tiếp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp công nghệ sơ chế, bảo quản, vốn là vấn đề sống còn cho chất lượng sau thu hoạch.
Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải Lục Ngạn cần trở thành sân chơi chung của tất cả những người trồng vải, các doanh nghiệp, HTX và những ai quan tâm.
Cũng theo ông Đào, cần xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị quả vải thiều Lục Ngạn. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ nói đến 4 nhà gồm: nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp, nay phải thêm nhà thứ 5 vào liên kết chuỗi giá trị, đó là nhà băng vì “không tiền, làm vải thiều không đạt”. Chuỗi giá trị “5 nhà” này có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa quả vải từ người nông dân đến người tiêu thụ với chi phí thấp nhất, thời gian nhanh nhất, chất lượng cao nhất.
Viết bình luận