Nếu ai đó một lần nếm thử sầu riêng Đạ Huoai ngay tại vườn, mới biết những loại sầu riêng từng ăn trước đây chỉ là gần giống sầu riêng. Và chắc chắn, sầu riêng Đạ Huoai là một loại trái cây cần được thưởng thức trong đời…! Nhiều vùng đất khó, khổ nổi tiếng như Sình Mây, Phước Trung… bây giờ đã giàu hoặc rất giàu nhờ trồng sầu riêng.
Ông Nguyễn Văn Châu đang bẻ sầu riêng, hiện vườn ông có 650 gốc sầu riêng,
thu nhập trên 1,2 tỷ đồng/năm
Sầu riêng nhưng không sầu
Từ “xứ sầu riêng” truyền thống Cai Lậy (Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Châu đã đưa cả gia đình lên vùng đất Đạ Huoai để trồng sầu riêng. Hiện tại, vườn ông rộng 3,24 ha ở thôn Phú Lộc (xã Phước Lộc) với 650 gốc sầu riêng, năm nào ông cũng “thu trên tỷ” - ông Châu cười sảng khoái đúng chất Nam bộ. Đã ngoại lục tuần, ông Châu vẫn có thể thoăn thoắt lên từng cành sầu riêng mà bẻ trái. Sự vui vẻ, hoạt bát của ông Châu toát lên sự thanh thoát, hào sảng, thỏa mãn với giai đoạn “hậu vận” này. Ông nói liền một mạch về sự khác nhau giữa sầu riêng Nam bộ với sầu riêng Đạ Huoai: “Nam bộ đồng bằng đất thấp, rễ sầu riêng ăn sâu xuống thì gặp nước dẫn đến nhiều thứ không tốt cho cây. Sầu riêng ở đây thì đất đồi núi, chẳng bao giờ sợ gặp nước, úng nước cả”…
Con trai ông Châu đang bổ quả sầu riêng “Chuồng bò” có vị ngon rất khác biệt
Nghe một lão nông chuyên trồng sầu riêng suốt mấy chục năm, với chất giọng Nam bộ hào sảng cũng sướng, nhất là khi nói về một loại cây mà có thể cao hứng đến cả ngày. Nhưng tôi vẫn thắc mắc, lo về chất lượng, ông Châu liền bổ mấy quả sầu riêng từng giống khác nhau mời khách, cả không gian như đặc quánh lấy mùi sầu riêng. Ông Châu nói đầy hào hứng: “Sầu riêng Đạ Huoai ngon hơn sầu riêng Nam bộ nhiều. Tui trồng nhiều năm rồi, tui biết. Ở đây chất sầu riêng thơm hơn, múi, cơm dày hơn, vỏ mỏng hơn. Ở đây chất đất tốt hơn nhiều, cây sinh trưởng nhanh hơn và tỷ lệ sống, đậu quả cũng cao hơn”. Những giống sầu riêng đều có đặc điểm khác nhau, nào sầu riêng Dona, sầu riêng Ri6, 9 hóa... vỏ mỏng, dày, hạt to, lép ra sao, màu cơm vàng nhạt hay đậm, mùi vị nặng hay nhẹ... Ông Châu đưa cho tôi một múi sầu riêng giống “Chuồng bò” duy chỉ có một cây trong vườn.
Đã từng ăn nhiều sầu riêng, nhưng với sầu riêng “Chuồng bò” thì những gì ăn trước đây chỉ là cái gần giống sầu riêng mà thôi. Ấy vậy mà tại sao gọi là “Chuồng bò” thì chịu. Ở vùng đất Nam bộ, những loại trái cây nào ngon nhất lại thường gắn với cái tên cực xấu. Ông Châu mới đưa giống này về thử nghiệm, người khắp nơi đặt hàng mà chưa có.
Ở Đạ Huoai bây giờ, người trồng sầu riêng như ông Châu không hiếm, mà còn rất nhiều. Những vùng đất như các xã Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đạ Oai... tràn ngập sầu siêng, đi đâu cũng thấy sầu riêng, từ sầu riêng bé đến sầu riêng lớn nối đuôi nhau định cư ở vùng đất mới như gia đình ông Châu vậy.
Trường hợp ông Phan Văn Dược, cùng thôn Phước Trung (xã Phước Lộc), khác với ông Châu. Những năm 1990, cà phê đang thời kỳ cực thịnh, từ vùng quê gốc Thái Bình ông Dược tìm đến Đạ Huoai để trồng cà phê. Nhưng lẽ thường, hàng nông sản cũng “hết thịnh lại suy”. Vất vả suốt nhiều năm với cà phê, không trụ nổi, ông Dược chuyển dần các loại cây khác. Vùng đất mới làm ông chùn bước, tưởng làm ăn qua ngày với hết cà phê đến tiêu, điều, nhãn, cam, quýt, bưởi. Có ai ngờ, chính cả bản thân ông cũng không ngờ, đến lúc ông ngồi đếm tiền thu về mỗi năm hơn 2 tỷ đồng nhờ 7 ha sầu riêng.
Từ chỗ liên tục thất bại, ông Dược tìm hiểu mới biết ở vùng Bảo Lộc, Đạ Huoai có vườn cây giống Nam Nhi từ thời Pháp, công ty Dona tận Đồng Nai cũng đã kết hợp với nông dân trồng sầu riêng ở đây. Nhưng vì không nắm kỹ thuật mà thất bại. Ông quyết định đánh liều với loại cây ăn quả này. Từ năm 1998 tới nay, ông Dược đã phủ hết sầu riêng trên diện tích 7 ha, gần đây thu hoạch 60 - 70 tấn quả mỗi mùa, thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Vùng ông Dược ở gọi là vùng Sình Mây, trước đây nổi tiếng nhờ… nghèo khó. Nhưng giờ không ai nghèo nữa, người dân góp tiền cứng hóa gần 3 km đường đi lại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Trịnh Xuân Thủy nói: “Khi nhận thấy sầu riêng có khả năng mang lại giá trị kinh tế lớn, UBND huyện đã chủ động quy hoạch vùng trồng sầu riêng 1.800 ha; giúp nông dân chuyển đổi, ghép từ sầu riêng hạt sang các loại sầu riêng chất lượng cao như Cơm vàng hạt lép, Moongthoong, Ri6, 9 hóa. Chủ trương và chính sách của huyện cùng với sự nỗ lực của người dân đã mang lại hiệu quả lớn. Cả huyện hiện có khoảng 300 hộ dân trồng sầu riêng có thu nhập “khủng” trên 500 triệu đồng/năm; những hộ thu nhập trên một tỷ đồng mỗi năm giờ cũng “lủ khủ”.
Chỉ trong vài năm, diện tích sầu riêng của Đạ Huoai đã tăng mạnh, hiện đã lên tới 2.006,1 ha, có 939,1 ha đang cho thu hoạch, năng suất 93,26 tạ/ha. Sản lượng sầu riêng của toàn huyện trong năm 2016 là 8.757,5 tấn. Riêng diện tích sầu riêng ghép chất lượng cao là 1.833,3 ha (chiếm 91,4%), 684,3 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 95,1 tạ/ha; sản lượng trong năm 2016 là 6.509,2 tấn mang lại giá trị 271 tỷ đồng, chiếm đến 24% giá trị sản xuất nông nghiệp, 8,6% tổng giá trị sản xuất của huyện.
Mùa sầu riêng năm 2016 là mùa thành công nhất của Đạ Huoai từ trước tới giờ, giá sầu riêng trung bình ở ngưỡng 38.000 - 40.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 46.000 - 47.000 đồng/kg, gần gấp đôi các mùa trước. Hàng loạt những vùng đất nghèo trước đây bây giờ đã đổi thay, khởi sắc; người dân giàu lên, cuộc sống thay đổi thấy rõ; nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi từ cà phê, điều kém hiệu quả sang trồng sầu riêng; kinh tế của huyện có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”
Ông Phan Tân Phong, thôn Phước Trung (xã Phước Lộc) là người đầu tiên làm thương hiệu sầu riêng ở Đạ Huoai. Một lần lấy từ ngăn đá tủ lạnh ra một hộp sầu riêng để quên đúng một năm trời, ăn thử, ông thấy ngon, bèn mang mẫu ra Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng Lâm Đồng đo các dưỡng chất. Ông nhận được kết quả đến rơi nước mắt là sầu riêng ông để quên có đầy đủ các chất không kém bất kỳ loại sầu riêng tươi nào. Biết là cơ duyên đến, ông quyết định làm sầu riêng đóng hộp đông lạnh để bán ra thị trường.
50 hộp sầu riêng đầu tiên ông phải vất vả tìm mọi cách để trải qua nhiều chặng đường mà vẫn giữ đông được. Ra đến Hà Nội rồi thì ông cũng bất ngờ “vì được mọi người ủng hộ ghê quá” - ông Phong nói. Thương hiệu “Sầu riêng Minh Hoàng Khôi” ra đời từ đây. Không phụ thuộc vào mùa vụ, sầu riêng Minh Hoàng Khôi có thể bán cho khách hàng quanh năm.
Sầu riêng của ông Phong dùng làm lạnh để cung cấp cho thị trường là sầu riêng của ông Phan Văn Dược trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Họ không bán sầu riêng xanh để xuất khẩu sang Trung Quốc, mà chấp nhận để sầu riêng thật chín (nhẹ cân hơn sầu riêng xanh) rồi đem bóc tách, hút chân không, cấp đông, đóng hộp. Để có 0,5 kg sầu riêng đóng hộp cần 2 kg quả, đưa ra tới Hà Nội với giá thành 100.000 đồng/hộp. Sau 3 năm làm thương hiệu “Sầu riêng Minh Hoàng Khôi”, ông Phong đã có được 60 điểm cửa hàng nhận bán sản phẩm. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của ông chỉ được 10 điểm vì không đủ năng lực sản xuất.
Năng lực chế biến của Minh Hoàng Khôi hiện nay là một tấn quả sầu riêng mỗi ngày. Ông Phong cho biết có thể nâng lên gấp 10 lần, nhưng không thể vì không có nguồn điện 3 pha. Nơi ông sản xuất cách xa trung tâm huyện nên việc đầu tư kéo hệ thống điện 3 pha vào rất khó khăn. Cũng vì vậy mà “Sầu riêng Minh Hoàng Khôi” không dám quảng bá thương hiệu thêm nữa trong giai đoạn này.
Nắm bắt được giá trị kinh tế lớn mà cây sầu riêng sẽ tiếp tục mang lại cho người dân, UBND huyện Đạ Huoai đã đăng ký thương hiệu tập thể “Sầu riêng Đạ Huoai” và đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận ngày 20/6/2016. Việc đăng ký thương hiệu tập thể của UBND huyện Đạ Huoai dự báo sẽ tạo bước đột phát mới cho loại cây trồng này.
Điều kiện đầu tiên cho người dân nếu muốn sử dụng thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” là sầu riêng phải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, huyện Đạ Huoai có 38 ha sầu riêng VietGAP của 15 hộ nông dân. Ông Trịnh Xuân Thủy cho biết: “Chúng lập bộ quy chuẩn để người trồng sầu riêng biết và áp dụng. Từ năm 2017, “Sầu riêng Đạ Huoai” sẽ chính thức có mặt trên thị trường”. Theo nhiều người trồng sầu riêng khẳng định, nông dân làm thương hiệu không cần sầu riêng có giá tăng vọt mà chỉ cần giá ổn định như mọi năm 25.000 - 30.000 đồng/kg, nông dân đã có thể làm giàu. Vấn đề thương hiệu chỉ là nhằm ổn định thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào mùa vụ và thị trường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Đó là mong mỏi của nhiều người dân Đạ Huoai, nhất là trong giai đoạn dự báo diện tích cây ăn trái ở khu vực Tây Nam bộ sẽ bị thu hẹp dần và dịch chuyển lên vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng. “Sầu riêng Đạ Huoai” đã đi trước một bước về thương hiệu, “chỗ đứng” trên thị trường đang ngày càng rộng mở. Đạ Huoai đang là một “xứ sầu riêng” mới.
Viết bình luận