Hà Nội khởi động “đại dự án rau” gần 1.000 tỷ

Tháng 5/2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT)” với tổng vốn ngân sách 963 tỷ đồng. Hiện “đại dự án rau” đang được các ban ngành tích cực triển khai. NNVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, đơn vị được giao trực tiếp xây dựng triển khai đề án này.

Thưa bà, đây có phải là dự án RAT quy mô nhất từ trước đến nay?

Thực ra tổng vốn thực hiện đề án là 7.463 tỷ đồng, trong đó DN và nông dân tự bỏ 6.500 tỷ, còn lại 963 tỷ là vốn ngân sách Nhà nước đầu tư. Trước đây Hà Nội (cũ) chỉ đầu tư một phần nhỏ so với kinh phí phê duyệt bây giờ. Ngay sau khi phê duyệt, Chi cục BVTV đã tích cực triển khai giai đoạn 1 của đề án. Cụ thể là chúng tôi đã biên soạn quy trình SX của 10/40 loại rau. Năm 2010 sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm 20 quy trình SX, đến 2011 sẽ làm nốt 10 loại rau còn lại. Đây là quy trình SX RAT hoàn chỉnh nhất, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về VSATTP.


Với dự án RAT lớn như vậy thì vùng SX được quy hoạch ra sao, thưa bà?


Chi cục BVTV đã tham mưu cho Sở NN-PTNT, Sở Quy hoạch-Kiến trúc trình UBND TP phê duyệt quy hoạch mạng lưới SX RAT giai đoạn 1 với tổng diện tích 2.603 ha, bao gồm cả diện tích RAT Hà Nội (cũ) và Hà Nội mở rộng. Theo đó sẽ có 95 vùng RAT ở 55 xã thuộc 21 quận, huyện; quy mô mỗi vùng SX từ 20 ha trở lên.


Vùng RAT lớn nhất là Văn Đức (Gia Lâm) 180 ha, Song Phương (Hoài Đức) 148 ha. Tuy nhiên theo quy hoạch thì một số vùng RAT truyền thống sẽ bị “xoá sổ” như Vân Nội (Đông Anh) do nằm trong diện tích quy hoạch công viên cây xanh của thành phố. Từ năm 2011, Chi cục BVTV sẽ tham mưu cho các ngành chức năng tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích RAT lên 5.500 ha.


Các vùng SX RAT được đầu tư cụ thể thế nào?


Theo đề án, các vùng rau tối thiểu từ 50 ha trở lên (khoảng 1.000 ha) được đầu tư đường bê tông nội đồng, 
hệ thống tưới tiêu, nhà lưới, hệ thống thu gom phế liệu và xử lí môi trường…mức đầu tư trình diễn từ 430 - 460 triệu đồng/ha.

Đến thời điểm này toàn thành phố có 19 đơn vị đã lập dự án RAT với tổng diện tích 1.500 ha, đang trình UBND TP phê duyệt. Hiện có 2 DA đã được phê duyệt ở giai đoạn đầu tư, là dự án RAT Duyên Hà và Yên Mỹ (Thanh Trì). Mỗi 1 ha RAT sẽ được đầu tư từ 150 - 350 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo mương máng nội đồng phục vụ SX...Do quá trình đầu tư, giám sát rất chặt chẽ nên trong năm 2010 có thể chỉ 10 đơn vị sẽ đi vào SX RAT.


Việc đào tạo cán bộ kỹ thuật được thực hiện ra sao?



Ngay từ khi triển khai đề án, chúng tôi đã mở khoá đào tạo kỹ thuật SX RAT theo chương trình IPM gắn với thực hành nông nghiệp tốt -Viet GAP cho 35 học viên là cán bộ Chi cục BVTV, TT Khuyến nông Hà Nội. Đây sẽ là đội ngũ giảng viên tham gia huấn luyện nông dân SX RAT. Năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo thêm 2 khoá, mỗi khoá học khoảng 100 ngày. Ngoài ra chúng tôi sẽ áp dụng TBKT của các Viện nghiên cứu, nhất là tiến bộ về ATVSTP vào sản xuất.


Trên thực tế việc tiêu thụ RAT rất khó, các đại lý bày bán RAT ở Hà Nội đang giảm dần. Theo bà, làm gì để phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT?


Hiện tại Sở Công thương Hà Nội đang xây dựng dự án tiêu thụ RAT, hỗ trợ hơn 100 cửa hàng trong toàn TP. Ban đầu mỗi đại lý sẽ được hỗ trợ tiền thuê địa điểm 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra Ban chỉ đạo SX RAT thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, quảng bá cho các địa phương SX tốt…


Xin cảm ơn bà!

Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận