Trong những năm qua, Bắc Ninh có một số mô hình tốt trong sản xuất nông nghiệp mà điển hình là mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Mô hình này không chỉ nâng cao giá trị canh tác, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương mà còn nâng cao chất lượng đời sống nông dân.
Đánh thức tiềm năng kinh tế
Thăm khu tập trung trồng dưa lưới Nhật Bản và dưa lưới Hà Lan của anh Nguyễn Đăng Cường (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành) chúng tôi mới thấy được tâm huyết của người nông dân với mong muốn sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao, mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Đăng Cường chia sẻ: Làm kinh tế theo mô hình trang trại sẽ tận dụng được chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao. Dưa lưới được mua hạt giống của Nhật, Hà Lan với giá 1USD mỗi hạt giống, sau khi ươm hạt mầm trong bầu, cây con khỏe mạnh sẽ được trồng ra luống kỹ thuật, cây dưa lưới được bón hoàn toàn bằng phân vi sinh cá mè, trồng cách nhau khoảng 30cm, mỗi cây chỉ để lại 1 quả, thường xuyên được tỉa lá úa, lá hỏng.
Sau khoảng 75 ngày chăm bón, dưa lưới cho thu hoạch, trung bình từ 1,2 đến 1,7 kg/quả, đạt năng suất khoảng 8 tấn/năm. Sản phẩm dưa lưới là nông sản hữu cơ đáp ứng 5 tiêu chí; Không biến đổi gen, không thuốc trừ cỏ, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không chất bảo quản. Tại vườn, các thương lái thu mua với giá từ 100 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg, tiêu thụ chính tại các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cao Bằng… Mỗi năm sản xuất dưa lưới hữu cơ được canh tác 4 vụ thu lợi nhuận khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm.
Theo anh Cường, canh tác chuỗi giá trị và chuỗi hữu cơ tạo hiệu quả kinh tế trên từng mét vuông đất. Để đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao, anh Cường đầu tư hơn 3 tỷ đồng chi phí ban đầu cho hệ thống nhà lưới rộng 2.100m2 và hệ thống tưới tiêu theo công nghệ Nhật Bản. Đây được xem là giải pháp hiệu quả nhằm giảm sâu bệnh, tăng chất lượng, năng suất và hình thức quả dưa so với phương pháp trồng truyền thống.
Anh Nguyễn Đăng Cường ( bên phải) tại trang trại Luvica chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa lưới
Sau vụ thu hoạch đầu tiên, trang trại Luvica lựa chọn những hạt dưa chắc để làm giống cho những vụ sau, tiết kiệm chi phí hạt giống so với vụ đầu tiên đến 90%. Dưa thu hoạch được các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ rất nhanh và hiệu quả. Mục tiêu trong năm 2019, trang trại Luvica sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lưới Nhật Bản, Hà Lan công nghệ cao lên khoảng 6.000m2. Song song với việc tăng diện tích sản xuất, chất lượng và năng suất đồng thời cũng tăng lên theo, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn, phấn đấu mỗi quả dưa đạt trọng lượng từ 1,8 đến 2kg/quả.
Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, Công ty Delco Agriculture (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành) mạnh dạn đầu tư 6 ha với số vốn gần 60 tỷ đồng vừa làm nhà kính sản xuất dưa lưới Nhật Bản, vừa làm trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Công ty Delco Agriculture xây dựng hệ thống lắp đặt sensor (cảm biến), kết nối qua phần mềm để đo đạc tất cả các thông số của môi trường đất, nước, từ đó đề xuất thời gian tối, sáng, phun sương, màng che chắn nắng và bật tắt hệ thống quạt thông gió phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây dưa. Việc điều hành hệ thống trang trại hạn chế sức lao động của con người, các cán bộ kỹ thuật chủ yếu theo dõi và điều khiển qua hệ thống máy móc.
Theo ông Lê Khánh Mạnh, Giám đốc Công ty Delco Agriculture, mô hình trang trại thông minh Delco được xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ cao, tiên tiến của Israel và Nhật Bản. “Khi dưa lưới hình thành đường vân lưới, các kỹ thuật viên trang trại sẽ ‘massage’ cho từng quả, giúp dưa nổi đường vân đẹp mắt, đồng thời tăng khả năng chuyển hóa đồng đều các chất dinh dưỡng, tăng chất lượng quả dưa. Ngoài ra, toàn bộ các sản phẩm do trang trại sản xuất đều có mã truy xuất nguồn gốc (QR Code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình”.
Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, cùng với việc quản lý và sản xuất ở trang trại tuân thủ nghiêm ngặt theo mô hình thực hành 5S và quy trình VietGap, việc sản xuất nông nghiệp tại đây loại bỏ các yếu tố gây bệnh, cho ra những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng. Từ 3.500m2 đến nay, hệ thống trồng dưa lưới Delco tăng lên 7.300m2, cho năng suất đạt 48 tấn/năm, bao tiêu tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện, mỗi kilogram dưa bán ra thị trường có giá khoảng 150.000/kg, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thách thức cho người trồng dưa lưới công nghệ cao
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại một số trang trại, công ty của tỉnh Bắc Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, vẫn còn những thách thức khó khăn không nhỏ. Theo anh Nguyễn Đăng Cường, do các sản phẩm sản xuất hoàn toàn hữu cơ, đầu tư vốn lớn nên giá thành rất cao, phân khúc thị trường rõ ràng. Hơn nữa, quá trình canh tác hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi số vốn lớn, người đầu tư phải duy trì sản xuất lâu dài, sản phẩm đầu ra phải đạt chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Với mức giá trung bình khá cao do đó khó tiếp cận được với người tiêu dùng bình dân dù biết rõ đó là sản phẩm sạch, chất lượng tốt. Đầu ra của sản phẩm do người sản xuất tự tìm kiếm nên dễ bị ép giá, về lâu dài nếu không tìm được đầu ra, sản xuất đại trà sẽ khó khăn trong việc phân phối sản phẩm ra thị trường với giá tốt nhất.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại Thuận Thành, Bắc Ninh
Đồng quan điểm với anh Cường, anh Mạnh cho biết thêm, quỹ đất để phát triển và mở rộng sản xuất là một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của Delco. Hiện tại, quỹ đất doanh nghiệp đang dùng được thuê lại từ một dự án VAC bỏ dở của người dân trong vùng với hạn mức 5 năm. Đây là khoảng thời gian khá ngắn để khẳng định thành bại của một dự án nông nghiệp công nghệ cao. “Trong khi đó, để yên tâm sản xuất lâu dài, ổn định trong khoảng 10 năm, 20 năm, thậm chí lâu hơn, không chỉ về vấn đề các thủ tục pháp lý và hành chính liên quan, cần có đề án quy hoạch chi tiết các khu đất nông nghiệp hoặc các phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng để các nông dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”.
Có thể nói, nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả về kinh tế tại nhiều địa phương tỉnh Bắc Ninh, trong đó nổi bật với mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thuận Thành. Mô hình này đem lại thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao so với sản xuất thông thường, làm tăng thu nhập, tăng chất lượng đời sống người nông dân. Đây là hướng đi chủ yếu của tỉnh trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Ông Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Để tháo gỡ khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu tập trung tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ người nông dân vay mức vốn lớn và cơ chế vay thông thoáng tạo điều kiện cho các chủ trang trại phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế địa phương”.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả cần sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông, trong đó trọng tâm là nhà nông. Đây vừa là chủ thể sản xuất, vừa là đối tượng thụ hưởng nên cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân chủ động, sáng tạo, quyết tâm tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thông qua việc tự tích tụ ruộng đất hoặc ủng hộ quá trình tích tụ ruộng đất của các hợp tác xã, doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế bền vững từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao này.
Viết bình luận